Diễn giả: Setsuko Yamazaki, Giám đốc UNDP tại Việt Nam.
Ngày: 27 tháng 11 năm 2009
Sự kiện: Lễ khởi động Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và Bảo vệ quyền với Bộ Tư pháp
Kính thưa Bộ trưởng Hà Hùng Cường;
Kính thưa Thứ trưởng Hoàng Thế Liên;
Thưa các vị đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Bộ Tư pháp và cộng đồng tài trợ;
Năm 1992, cũng là năm Việt Nam đưa ra cam kết xây dựng một nhà nước pháp quyền, UNDP đã cử một chuyên gia cố vấn pháp lý người nước ngoài làm việc với Bộ Tư pháp tại Văn phòng Bộ (khi đó còn nằm ở phố Cát Linh, Hà Nội). Những năm sau, UNDP mở rộng phạm vi hỗ trợ tới tất cả các cơ quan thuộc ngành tư pháp, song trong suốt giai đoạn đó, quan hệ hợp tác của chúng tôi với Bộ Tư pháp được duy trì thường xuyên và chặt chẽ. Vì vậy, hôm nay, tôi rất vui mừng được tham gia khởi động dự án này, đánh dấu bước tiến tiếp theo trong quan hệ hợp tác của chúng ta.
Kể từ năm 1992, hệ thống luật pháp và tư pháp đã trải qua quá trình cải tổ ở mức độ đáng kể, song thập kỷ tới sẽ phải đương đầu với những thách thức còn to lớn hơn. Để duy trì tốc độ phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn chuyển đổi thành nước thu nhập bậc trung đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường chế độ pháp quyền và xây dựng một hệ thống luật pháp minh bạch hơn. Để những người nghèo và bị thiệt thòi không tụt hậu xa hơn nữa, thì phải bảo vệ các quyền của họ một cách hiệu quả hơn thông qua việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận tốt hơn với công lý. Các biện pháp cải cách này đòi hỏi phải có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan chính trị, hành pháp và tư pháp cũng như giữa cấp trung ương và cấp địa phương. Và, tất nhiên, phải nâng cao hiệu quả viện trợ để đảm bảo cho các hoạt động tài trợ phù hợp hơn với những ưu tiên hàng đầu này.
Dự án mà Bộ trưởng Hà Hùng Cường và tôi khởi động ngày hôm nay tập trung hỗ trợ những ưu tiên chính sách đó trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách luật pháp và tư pháp để giải quyết những thách thức ở phía trước. Dự án cũng hoàn toàn phù hợp với Kế hoạch chung của LHQ và sẽ nhận tài trợ thông qua Quỹ Kế hoạch chung lần 2 đã được 8 nhà tài trợ đóng góp.
Tôi chỉ xin nêu ra ở đây một số hoạt động chính mà Dự án mới sẽ hỗ trợ:
- Đánh giá kết quả 5 năm đầu thực hiện Chiến lược Phát triển hệ thống luật pháp nhằm xác định các nhu cầu ưu tiên trong lĩnh vực này ở Việt Nam trong thập kỷ tới;
- Nâng cao hiệu quả viện trợ, tăng cường công tác điều phối viện trợ của Chính phủ trong khu vực luật pháp và tư pháp cũng như phát triển về chiều sâu cuộc đối thoại chính sách hiện nay thông qua Diễn đàn Đối tác pháp luật;
- Đưa ra tầm nhìn mới về vai trò của nhà nước trong ngành tư pháp căn cứ vào tình hình kinh tế-xã hội liên tục phát triển, tiến độ xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam;
- Đề ra Chỉ số Tư pháp mới cấp tỉnh để đánh giá khả năng tiếp cận công lý ở các cấp địa phương nhằm phản ánh các câu chuyện thành công và các tập quán/cách làm hay có thể áp dụng ở các địa phương khác, đồng thời xác định những địa phương có nhu cầu tiếp tục được hỗ trợ và tăng cường năng lực nhiều nhất;
- Xây dựng một chiến lược về tăng cường quyền năng pháp lý cho người nghèo để các hoạt động cải cách luật pháp góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và nâng cao khả năng tiếp cận công lý cho người nghèo và bị thiệt thòi;
- Thực hiện tốt hơn các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người thông qua luật pháp quốc gia và theo dõi tốt hơn việc thực thi các bộ luật có liên quan;
- Tiến hành nghiên cứu so sánh về các nhiệm vụ chính của cải cách tư pháp, trong đó có việc tổ chức lại hệ thống tòa án và các cơ quan tư pháp khác, đổi mới việc bổ nhiệm các vị trí tư pháp và đào tạo về tư pháp, tính độc lập của việc xét xử tại tòa; và cuối cùng
- Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến và các hoạt động thử nghiệm về cải cách tư pháp ở cấp địa phương và cấp quốc gia.
Như tôi đã nói ở trên, quan hệ đối tác và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan là yếu tố căn bản để đảm bảo thành công cho giai đoạn cải cách tiếp theo. Vì vậy, bên cạnh Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thực hiện chính, chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan đồng thực hiện khác, đặc biệt là nhóm Thư ký của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Viện Nghiên cứu Quyền con người trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Đó thực sự là một chương trình với những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe. Vì vậy, UNDP đang tiến hành tăng cường năng lực chuyên gia kỹ thuật trong nước và quốc tế làm việc cho dự án với sự hỗ trợ thường xuyên về chuyên môn từ Phòng Quản trị quốc gia của chúng tôi. Ngoài ra, Cố vấn chính sách về Pháp quyền và Tiếp cận công lý của chúng tôi sẽ hỗ trợ thực hiện các muc tiêu chính sách chủ yếu của dự án và, nếu có thể, sẽ bổ sung bằng nguồn lực nghiên cứu chính sách của chính UNDP.
Trước khi kết thúc, tôi xin nêu rõ rằng dự án mà chúng ta khởi động ngày hôm nay đã được hưởng lợi từ cách tiếp cận mới mang tính sáng tạo trong việc xây dựng chương trình. Thay vì phải dựa vào đề xuất dự án do một nhóm chuyên gia tư vấn chuẩn bị, UNDP và các đối tác trong Bộ Tư pháp, thông qua việc phối hợp xây dựng dự án, đã cùng nhau xác định các ưu tiên chính của Bộ và cách thức UNDP có thể hỗ trợ ở mức độ đáng kể cho các vấn đề ưu tiên đó. Chúng tôi cho rằng nhờ có cách tiếp cận mới này, chúng ta đã thiết kế thành công dự án, đảm bảo cho các kết quả của dự án bền vững hơn và mang lại tác động tốt hơn.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cùng toàn thể cán bộ của Bộ Tư pháp, nhóm Thư ký của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã dành bao công sức và tâm huyết cho việc thiết kế dự án này. UNDP đã nhận được sự hợp tác tuyệt vời của các Quí vị trong việc xây dựng dự án cũng như trong việc tạo điều kiện cho dự án được phê duyệt nhanh chóng. Chắc chắn đây là dấu hiệu rất khả quan mang lại thành công cho sự hợp tác của chúng ta trong thời gian tới.
Xin cảm ơn các Quí vị đại biểu.
Theo http://www.undp.org.vn