Tóm lược một số nội dung liên quan đến Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu

Tóm lược một số nội dung liên quan đến Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu

TÓM LƯỢC MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – LIÊN MINH CHÂU ÂU Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngày 1/12/2015 EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Hiện tại, hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm 2016. Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018.

 1. Về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước
Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước mà ta và EU thống nhất trong Hiệp định EVFTA có các đặc điểm chính như sau:
- Hai bên thành lập và duy trì một hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực (Investment Tribunal System). Hệ thống này gồm hai cấp là sơ thẩm (Tribunal) và phúc thẩm (Appeal Tribunal) để xét xử tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước thay cho cơ chế ISDS phổ biến hiện nay. Mô hình cơ chế phúc thẩm này tương tự như cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà nước của WTO.
- Hệ thống giải quyết tranh chấp này bao gồm các thành viên, do Ủy ban hỗn hợp EVFTA chỉ định trên cơ sở đồng thuận. Cấp sơ thẩm gồm 9 thành viên, cấp phúc thẩm gồm 6 thành viên, trong đó 1/3 số thành viên do Việt Nam chỉ định, 1/3 do EU chỉ định và ít nhất 1/3 thành viên có quốc tịch của các quốc gia bên ngoài.  Ở mỗi cấp đều có Chủ tịch và Phó Chủ tịch, được lựa chọn trong số các thành viên không có quốc tịch bên EU và Việt Nam. 
          - EU và Việt Nam sẽ cùng nhau trả “phí duy trì” cho các thành viên để đảm bảo tính ổn định của hệ thống cũng như đảm bảo các thẩm phán sẵn sàng tham gia xét xử khi được chỉ định. Mức phí cụ thể sẽ do Ủy ban hỗn hợp EVFTA quyết định, mức mà EU gợi ý là 2000 Ơ rô/người/tháng cho các thành viên ở cấp sơ thẩm và 7000 Ơ rô/người/tháng cho các thành viên ở  cấp phúc thẩm. Trước lo ngại của ta về khả năng đóng góp tài chính, EU cho biết đã tham vấn và có thể chấp nhận việc đóng góp của hai bên sẽ căn cứ trên cơ sở GDP theo sức mua tương đương. Với cách tính này, tỷ lệ đóng góp giữa ta và EU là khoảng 1:36 và với mức lương mà EU gợi ý thì tổng cộng ta chỉ phải đóng phí duy trì khoảng 20.000 Ơ rô một năm cho cả hệ thống. 
- Khi có vụ kiện xảy ra, Chủ tịch cấp tương ứng sẽ chỉ định 03 thành viên xét xử. Phán quyết của cấp sơ thẩm được gọi là phán quyết sơ bộ. Phán Trong vòng 90 ngày kể từ khi có phán quyết sơ bộ, các bên tranh chấp có quyền kháng cáo để cấp phúc thẩm xem xét lại vụ việc. Thời gian xét xử phúc thẩm không quá 180 ngày. Phán quyết của cấp phúc thẩm và phán quyết của cấp sơ thẩm nếu không bị kháng cáo trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành được gọi là phán quyết cuối cùng. Các bên tranh chấp không có quyền kháng cáo phán quyết cuối cùng.
- Công nhận và thực thi phán quyết: EU đề nghị các bên ký kết sẽ công nhận phán quyết cuối cùng như phán quyết của Tòa án nước mình. Việc thi hành phán quyết được thực hiện theo pháp luật của quốc gia nơi phán quyết được thi hành. Quy định này tương tự quy định tại Điều 54 Công ước Washington 1963 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà nước và công dân của nhà nước khác (gọi tắt là Công ước ICSID) liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài.
Việc thực hiện quy định này đòi hỏi phải sửa đổi một số văn bản pháp luật liên quan đến tố tụng dân sự. Việt Nam đã cho biết hiện chưa có khả năng thực hiện quy định này trước khi sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan. Trước thực tế này, ta đã đề nghị EU xem xét linh hoạt theo hướng dành cho Việt Nam một khoảng thời gian chuyển đổi khoảng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực để ta chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện các cam kết này.  Thời gian chuyển đổi này có thể được gia hạn một lần nếu được hai bên đồng thuận. Ta cũng nêu rõ với EU đây chỉ là định hướng xử lý nội dung này do Đoàn đàm phán, các Bộ, ngành sẽ phải  báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về định hướng này. EU cho biết có thể xem xét tích cực đề xuất của ta.
Về tổng thể, nếu được thống nhất, hệ thống này có ưu điểm hơn hệ thống trọng tài quốc tế phổ biến hiện nay ở các điểm sau: (i) Chính phủ được chủ động lựa chọn, phê duyệt danh sách các thành viên cho hệ thống, nhà đầu tư không có quyền lựa chọn trọng tài trong các vụ việc cụ thể;  (ii) việc các Chính phủ lựa chọn và trả phí duy trì cho các thành viên (trọng tài) sẽ đảm bảo tính khách quan hơn của các thành viên, giúp cho các phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp thống nhất hơn; (iii) cơ chế phúc thẩm cũng sẽ tạo điều kiện khắc phục các sai sót, nếu có, của cấp sơ thẩm, đây là cơ chế ta và nhiều nước đã đấu tranh để xây dựng trong TPP nhưng chưa đạt được; (iv) quá trình xét xử mang tính minh bạch hơn.
  1. Về quy trình trong nước để Hiệp định có hiệu lực
Hiện nay, Vụ Pháp luật quốc tế được biết Hiệp định có nhiều quy định vượt quy định của các luật, nghị quyết của Quốc hội. Do vậy, theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Hiệp định thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Hiệp định này có nội dung tương tự Hiệp định TPP và Hiệp định TPP sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn, do vậy, Hiệp định này không cần thiết trình Quốc hội phê chuẩn. Vụ Pháp luật quốc tế cho rằng ý kiến này là chưa có cơ sở pháp lý do các lý do sau:
  • Thứ nhất, Hiệp định TPP và Hiệp định EVFTA là hai Hiệp định độc lập, có nội dung không hoàn toàn giống nhau.
  • Thứ hai, theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn các điều ước quốc tế có quy định trái các luật, nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam để phù hợp với Hiệp định TPP không thể hoàn thành trước khi xem xét phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Do vậy, tại thời điểm trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, nếu nội dung Hiệp định có các quy định trái luật, nghị quyết của Quốc hội thì vẫn phải trình Quốc hội phê chuẩn.
 
Hiện nay, Việt Nam và EU đang tiến hành rà soát pháp lý lời văn Hiệp định EVFTA dự kiến kết thúc vào cuối năm 2016 để chuẩn bị ký.
 

 
File đính kèm