Phát biểu giới thiệu của Trưởng Đoàn Việt Nam Tại phiên đối thoại về tình hình thực hiện Công ước CEDAW của Việt Nam tại phiên họp lần thứ 61 của Ủy ban CEDAW

Phát biểu giới thiệu của Trưởng Đoàn Việt Nam Tại phiên đối thoại về tình hình thực hiện Công ước CEDAW của Việt Nam tại phiên họp lần thứ 61 của Ủy ban CEDAW

Geneva, ngày 10 tháng 7 năm 2015

Kính thưa Bà Chủ tịch,
Thưa các thành viên Ủy ban CEDAW,
Thưa các quý Bà, quý Ông!

Thay mặt cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, tôi xin gửi lời chào, lời chúc sức khoẻ đến quý vị, xin cảm ơn Ủy ban đã tạo cơ hội để Chính phủ Việt Nam cung cấp cho Ủy ban các thông tin cập nhật về những thành tựu và kết quả mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua nhằm hiện thực hoá các nghĩa vụ thành viên theo Công ước.

Tôi xin được hân hạnh giới thiệu tới quý vị cùng dự với tôi tại phiên đối thoại này có Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp quốc và các đại diện từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao của Việt Nam.

Kính thưa Bà Chủ tịch,
Trong quá trình xây dựng báo cáo, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành thực hiện tham vấn với các tổ chức Liên Hợp quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức phi chính phủ thông qua các diễn đàn, hội thảo hoặc trực tiếp góp ý bằng văn bản. Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng có ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo.

Sau đây, tôi xin trình bày một số nét khái quát và cập nhật về những thành tựu, thách thức và những định hướng của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước trong thời gian tới.

1. Thành tựu về luật pháp và các chính sách, chương trình thực hiện liên quan đến Công ước CEDAW
Về luật pháp
Kể từ thời điểm cuộc đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam và Ủy ban CEDAW đầu năm 2007 đến nay, Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, thể hiện rõ rệt nhất thông qua quá trình xây dựng luật pháp, chính sách, đặc biệt:
- Hiến pháp năm 2013 quy định“Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xãhội; Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Đây là lần đầu tiên nội dung phân biệt đối xử về giới được nêu rõ trong văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của Việt Nam.
- Bộ luật Lao động (2012) đã tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng; đồng thời lần đầu tiên có quy định về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Luật Bảo hiểm xã hội (2014) lần đầu tiên quy định chế độ nghỉ thai sản đối với nam giới khi vợ sinh con giúp nam giới có điều kiện tốt hơn trong việc chăm sóc con cái và chia sẻ trách nhiệm gia đình với vợ của mình.
- Luật Đất đai (2013) tiếp tục khẳng định và bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong quyền sở hữu đất đai.
- Luật Hôn nhân và gia đình (2014) lần đầu tiên quy định một cách cụ thể công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập; vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
- Luật Giáo dục nghề nghiệp (2013) quy định về chính sách đối với phụ nữ, theo đó, người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn được hỗ trợ chi phí đào tạo. - Luật An toàn
- Vệ sinh lao động (2015) lần đầu tiên khẳng định chính sách của nhà nước trong việc mở rộng đối tượng được đảm bảo ATVSLĐ đến khu vực phi kết cấu, nơi phần lớn phụ nữ đang làm việc.

Về các chính sách, chiến lược, chương trình và các hoạt động cụ thể
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và phê duyệt, triển khai nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, trong đó đáng chú ý là:
- Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu “đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
- Theo đó, Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với cam kết bố trí khoảng 50 triệu đô la Mỹ từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực ngoài ngân sách với 3 nội dung chính là: i) nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; ii) nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; iii) và thí điểm các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới, giảm khoảng cách giới trong một số vùng, lĩnh vực có bất bình đẳng giới cao...
- Nhiều chiến lược và chương trình quốc gia khác đã có tác động tích cực lên việc tăng cường tiếp cận dịch vụ xã hội cho phụ nữ và bảo vệ quyền, chống phân biệt đối xử cũng đã được phê duyệt và triển khai như: Chiến lược quốc gia về Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân 2011-2020, trong đó đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tử vọng của bà mẹ; Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 đặt ra những mục tiêu cụ thể về chính sách đối phụ nữ dân tộc thiểu số; Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 đặt mục tiêu phát hiện và xử lý đối với các hành vi bạo lực gia đình và hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo hành gia đình; Chương trình quốc gia hành động bảo vệ trẻ em và Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2015 - 2020 hướng tới giảm số trẻ em bỏ học, trẻ em lao động sớm, đặc biệt là trẻ em gái..., tạo tiền đề tăng cường năng lực và học vấn cho trẻ em gái với mục tiêu lâu dài là thu hẹp khoảng cách giới.
Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam với những thành tựu đáng khích lệ về bình đẳng giới. Theo xếp hạng năm 2012 của Liên Hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới (GII), Việt Nam xếp thứ 47/187 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010.

 2. Cập nhật thêm thông tin về tình hình thực hiện Công ước trong một số lĩnh vực cụ thể
Thưa bà Chủ tịch,
Sau đây, tôi xin chia sẻ một số thông tin cập nhật về tình hình thực hiện Công ước trong một số lĩnh vực

Về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật
Việt Nam đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, có 80% văn bản pháp luật có lồng ghép các nội dung thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về giới.
Theo quy định của pháp luật, tất cả các dự thảo của Luật, Pháp lệnh, nghị quyết đều được Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Tất cả các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng hoặc các văn bản pháp luật của các Bộ, ngành đều phải được Bộ Tư pháp thẩm định, rà soát về nội dung bình đẳng giới.
Trong thực tế, Việt Nam đã đạt được mục tiêu trên.

Về tổ chức, bộ máy và nguồn lực thực hiện công tác bình đẳng giới:
Từ năm 2008, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới; các Bộ, ngành chức năng phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong phạm vi được phân công. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo phân cấp.
Bộ máy quản lí nhà nước về bình đẳng giới được thành lập ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Ở cấp trung ương, tổ chức liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ - Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phu nữ - được thành lập do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH làm chủ tịch và thành viên là lãnh đạo của tất cả các Bộ, ngành. Ở cấp tỉnh và cấp huyện, tổ chức này do Phó chủ tịch UBND làm trưởng ban.
Hàng năm, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới đều được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng trong công việc.

Về truyền thông xóa bỏ định kiến về giới
Trong Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015, một dự án riêng về truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bình đẳng giới đã được thiết kế và thực hiện. Các đài phát thanh, truyền hình, báo chí thường xuyên có tin, bài, phóng sự về đề tài phụ nữ và bình đẳng giới; một số đài, báo có chuyên mục riêng về đề tài này. Một số đài địa phương đã có các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc. Trong 5 năm qua, các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp cùng các tổ chức tiến hành nhiều chiến dịch truyền thông nhân ngày quốc tế phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, trại sáng tác về bình đẳng giới… Các sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới đều bị thu hồi.

Trong lĩnh vực chính trị
Phụ nữ Việt Nam có đại diện ở tất cả các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước: 2 ủy viên Bộ Chính trị; 1 Bí thư Trung ương Đảng; 2 Phó Chủ tịch quốc hội; 1 Phó Chủ tịch nước; 11 Bộ trưởng và tương đương. Số nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chiếm khoảng 25% tổng số đại biểu. Có 50% Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo Bộ là nữ. Riêng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã có 3 nhiệm kỳ liên tiếp Bộ trưởng là nữ. Ở cấp địa phương, có 60% số tỉnh có Lãnh đạo tỉnh là nữ.

Lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm
Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm ngày càng thu hẹp. Tỷ lệ nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp và chủ trang trại ngày càng gia tăng, với tỷ lệ tương ứng 28% và 9%.
- Trong tổng số lao động được tạo việc làm giai đoạn 2011-2015, số lao động nữ chiếm khoảng từ 49%, lao động nam chiếm 51%. Không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong tạo việc làm. Cũng như vậy, không có sự khác biệt về tỷ lệ thất nghiệp theo giới.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
- Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Trong khuôn khổ thực hiện Đề án này, số lượng học sinh đến trường tăng lên ở từng cấp học. Số học sinh nữ từ cấp trung học phổ thông đến đại học đều cao hơn so với học sinh nam. Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc xóa mù chữ và đã có một Chương trình quốc gia về xóa mù chữ, dành sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em gái vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2014, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 93,76%, trong đó nữ dân tộc thiểu số đạt 93,4% (vượt mục tiêu đề ra là 90% vào năm 2015).
- Tỷ lệ phụ nữ có học vấn cao ngày càng tăng. Năm 2015, 47% trong số những người có trình độ thạc sỹ, 20% trong số những người có trình độ tiến sỹ là nữ so với mục tiêu tương ứng là 40% và 20% của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.

Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe
Theo khuyến nghị chung của CEDAW kỳ họp trước, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo quyền sinh sản, sử dụng dịch vụ thai nghén, sinh đẻ, làm mẹ an toàn, kế hoạch hoá gia đình của phụ nữ; đảm bảo không có bất cứ rào cản nào cho người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các quyền con người so với người bình thường khác. Đặc biệt các quyền này đều được ưu tiên cho đối tượng phu nữ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và các chương trình, chiến lược quan trọng để đảm bảo đạt được mục tiêu thiên niên kỷ như và kết quả đạt được như sau:
- Tỷ suất tử vong ở bà mẹ khi sinh giảm từ 80/100.000 năm 2005 xuống còn 60/100.000 năm 2014, đứng thứ 4 trong 10 nước Đông Nam Á và đã đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ số 5.
- Tỷ suất tử vong ở trẻ em giảm khá nhanh, hiện còn 14,9‰ đối với trẻ dưới 1 tuổi và 22,4‰ đối với trẻ dưới 5 tuổi.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm bền vững qua các năm xuống còn hơn 14% năm 2014, vượt mục tiêu thiên niên kỷ là 20,5% trước thời hạn 7 năm.
-Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS được kiểm soát dưới 0,3%, tỷ lệ sử dụng bao cao su của nhóm phụ nữ bán dâm là hơn 90%.
Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ, trẻ em của Việt Nam được quốc tế đánh giá là tốt hơn so với các nước có cùng mức thu nhập và là một trong số 9 nước đạt tiến độ thực hiện mục tiêu về giảm tử vong mẹ.

Phụ nữ nông thôn
Phụ nữ nông thôn luôn là đối tượng được ưu tiên trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các chương trình, dự án về dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các chương trình tiếp cận tín dụng với lãi suất ưu đãi, chương trình hỗ trợ thai sản v.v…
49% trong tổng số gần 1,8 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề trong giai đoạn 2010-2014 là phụ nữ. Hơn 80% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn tiếp cận được với các nguồn tín dụng ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức khác.
Chính sách hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con phù hợp với chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình của Chính phủ đã được thực hiện với mục tiêu đảm bảo sức khoẻ cho phụ nữ sau khi sinh và chăm sóc cho con tốt hơn.

Bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới
Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống gia đình và từng bước xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Theo kết quả khảo sát năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Viện Gia đình và Giới hơn 64% những người được hỏi cho rằng nam giới đã tham gia nhiều hơn vào công việc gia đình.
Hầu hết các nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình được phát hiện đều được tư vấn pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc bởi các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bạo lực gia đình. Công tác tư vấn, hỗ trợ gia đình và giảm thiểu bạo lực gia đình đã được đẩy mạnh. Nhiều mô hình liên quan trong lĩnh vực này được duy trì và nhân rộng, thu hút sự tham gia của cả phụ nữ và nam giới.

3. Khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Công ước
Thưa Bà Chủ tịch,
Dù đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả đáng khích lệ, chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức và hạn chế trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Công ước, bảo đảm bình đẳng giới thực chất, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong mọi lĩnh vực trên thực tế như sau:
- Thứ nhất, nhận thức, thái độ và hành vi của xã hội nói chung, của một số nhóm đối tượng nói riêng, kể cả cấp lãnh đạo, về bình đẳng giới còn hạn chế do ảnh hưởng dai dẳng của định kiến giới xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của xã hội phong kiến và Nho giáo vẫn tồn tại khá phổ biến không chỉ trong phạm vi gia đình mà trong cả các lĩnh vực của đời sống dân sự, kinh tế, chính trị và xã hội.
- Thứ hai, khoảng cách giới vẫn tồn tại ở các lĩnh vực chủ chốt như chính trị, kinh tế-lao động; giáo dục-đào tạo và y tế, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới diễn ra hết sức phức tạp, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả tình hình an ninh, an toàn và sự phát triển của xã hội, đất nước.
- Thứ ba, việc thực hiện các nội dung của Công ước đòi hỏi sự đầu tư nguồn lực lớn, bao gồm cả nguồn lực về con người, tổ chức bộ máy và ngân sách trong khi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về chi tiêu của ngân sách nhà nước và trình độ phát triển kinh tế còn chưa cao.

Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc các khó khăn và thách thức kể trên và đã và đang triển khai một loạt giải pháp để vượt qua các thách thức này, cụ thể là:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách;
- Xây dựng một số chương trình, dự án về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là Chương trình quốc gia về bình đẳng giới (2016-2020) và Đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020; Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục...
- Bố trí đủ nguồn lực để đảm bảo đạt được mục tiêu của các chương trình dự án này;
- Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội nhằm hiện thực hoá các mục tiêu về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ

4. Kết luận
Kính thưa Bà Chủ tịch,
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các nội dung cụ thể theo yêu cầu của Công ước và đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như tôi vừa chia sẻ.
Mặc dù vậy, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ là sự nghiệp lâu dài và mong muốn của tất cả các quốc gia. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng không tránh khỏi còn có những hạn chế mà Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực vượt qua.
Tôi mong đợi và tin rằng, ngày hôm nay, chúng ta sẽ có một cuộc đối thoại mang tính chất xây dựng và hiệu quả. Các khuyến nghị, các gợi ý của Ủy ban sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian để sớm đạt mục tiêu bình đẳng giới về thực chất và xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quý vị!