Hoạt động kỷ niệm
Alternate Text

Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp - những đóng góp đáng ghi nhận

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công đã đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 28/8/1945, Bộ Tư pháp là một trong 12 cơ quan đầu tiên của Chính phủ lâm thời được thành lập. Trải qua 75 năm trưởng thành và phát triển, vị trí, vai trò quan trọng của ngành Tư pháp nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng ngày càng được khẳng định và đề cao trong hoạt động của bộ máy nhà nước và đời sống xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương, sự ủng hộ và tin cậy của nhân dân và bạn bè quốc tế, công tác tư pháp nói chung, trong đó có công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp ngày càng được củng cố, tăng cường và phát triển.

1. Lịch sử thành lập Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp
Có thể nói cơ sở ban đầu về sự cần thiết thành lập một đơn vị chuyên trách về hợp tác quốc tế về pháp luật được đặt ra từ đầu những năm 1980, khi đoàn đại biểu Ủy ban Pháp chế (thuộc Hội đồng Chính phủ) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước XHCN lần thứ VI được tổ chức tại Praha (Tiệp Khắc)[1]. Cũng vào năm đó, quan hệ hợp tác quốc tế về tư pháp đầu tiên được triển khai với Cộng hòa Dân chủ Đức thông qua việc ký Hiệp định giữa Bộ Tư pháp Cộng hòa Dân chủ Đức và Ủy ban pháp chế Việt Nam vào ngày 15/12/1980[2]dưới sự ủy quyền của nguyên thủ hai quốc gia và sự phê chuẩn của Quốc hội. Tại thời điểm này, việc tổ chức công tác đối ngoại của Ủy ban được giao cho Văn phòng Ủy ban Pháp chế và thành lập Phòng Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế trực thuộc Bộ trưởng. Sau đó, vào năm 1981, Ủy ban Pháp chế đã trình Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Chính phủ “Đề án tổ chức Bộ Tư pháp”, trong đó 1 trong 10 chức năng chính của Bộ Tư pháp là “thực hiện việc hợp tác quốc tế về các vấn đề tư pháp”[3]. Ngày 20/11/1981, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 261/QĐ-TC về việc thành lập Phòng Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế, trực thuộc Bộ trưởng[4]nhằm tham mưu, giúp Bộ trưởng trong việc thực hiện việc hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp lý theo đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao về công tác quan hệ quốc tế của Bộ, Ngành Tư pháp[6], góp phần vào công cuộc Đổi mới chung của đất nước, ngày 04/11/1987, Bộ Tư pháp trình Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng Tờ trình số 917-TH về đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của Ngành Tư pháp để thực hiện Nghị quyết số 34 năm 1986 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 11 năm 1987 của Ban Bí thư, trong đó đề xuất thành lập một đơn vị chuyên trách về công tác pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế. Sau đó, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã họp với lãnh đạo Bộ Tư pháp về đổi mới tổ chức ngành Tư pháp và quyết định nhất trí với đề xuất của Bộ Tư pháp. Đồng chí Hà Hùng Cường (nguyên Bộ trưởng Tư pháp) lúc đó được Bộ trưởng giao là Quyền Vụ trưởng đầu tiên của Vụ Hợp tác quốc tế. Như vậy, mốc thời gian thành lập Vụ Hợp tác quốc tế là năm 1987.
Trải qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, trong tổng thể sự lớn mạnh của Bộ, Ngành Tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế đã có bước phát triển không ngững về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Hiện tại, theo Quyết định số 368/QĐ-BTP ngày 06/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật; quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động đối ngoại của Bộ theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp. Cụ thể, Vụ có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu như sau:
 (1) Đề xuất, xây dựng chiến lược, đề án, văn bản về hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền;
(2) Chủ trì xây dựng các dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác với nước ngoài về pháp luật của để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đàm phán, ký kết hoặc quyết định đàm phán, ký kết theo thẩm quyền;
(3) Đề xuất gia nhập các tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực pháp luật; giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia trong quan hệ với Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO) và các quốc gia thành viên IDLO; tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế theo sự phân công của Bộ trưởng;
(4) Thẩm định, góp ý xây dựng dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, dự thảo điều ước quốc tế về quan hệ hợp tác chung giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế; góp ý dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác với nước ngoài về pháp luật (bao gồm cả điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ);
(5) Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án và văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thuộc phạm vi chức năng của Vụ.
 (6) Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật theo quy định của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật;
 (7) Đảm nhận vai trò cơ quan đầu mối về công tác thỏa thuận quốc tế của Bộ Tư pháp;
(8) Xây dựng và quản lý chương trình, dự án, phi dự án của Bộ Tư pháp theo qiu định; quản lý tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên trách của Bộ Tư pháp;
(9) Quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp và của các cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật;
 (10) Xây dựng và thực hiện Kế hoạch đối ngoại của Bộ Tư pháp theo quy định;
 (11) Quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại trong phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao theo quy định của pháp luật về thông tin đối ngoại:
 (12) Quản lý và điều phối hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch của Bộ Tư pháp;
(13) Tổ chức thực hiện công tác lễ tân đối ngoại theo quy định.
2. Những đóng góp chủ yếu của Vụ Hợp tác quốc tế qua các thời kỳ:
2.1. Giai đoạn 1987-1992:
Quá trình thành lập và phát triển của Vụ Hợp tác quốc tế gắn liền với công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Kể từ khi được thành lập vào năm 1987 cho đến năm 1992, nhu cầu tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật mới phục vụ quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, chuyển từ nhà nước được tổ chức theo mô hình cũ sang nhà nước pháp quyền XHCN càng trở nên cấp bách. Công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp ngày càng được chú trọng như việc thể chế hóa những quy định liên quan đếnđiều ước quốc tế, hợp tác quốc tế, con nuôi quốc tế, tương trợ tư pháp...; tham gia thường xuyên vào các sự kiện pháp lý quốc tế của khối XHCN như Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước XHCN, Phiên họp thường kỳ của Ban Thường trực Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) về vấn đề pháp luật; thúc đẩy các quan hệ hợp tác song phương với Bộ Tư pháp các nước; cho ý kiến về pháp lý đối với các hiệp định của Chính phủ vay vốn nước ngoài và các dự thảo Điều ước quốc tế…
2.2.Giai đoạn 1992-2007:
Thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước,hàng loạt nhiệm vụ về xây dựng hệ thống pháp luật phục vụ phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN được đặt ra. Trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2007, Vụ Hợp tác quốc tế đã trải qua hai lần thay đổi về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Ngày 04/6/1993, Nghị định số 38-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp đã được Chính phủ ban hành, đánh dấu bước phát triển ban đầu của công tác hợp tác quốc tế. Theo quy định của Nghị định này, Vụ Hợp tác quốc tế được quy định là một trong những đơn vị có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước. Sau đó, trước xu thế toàn cầu hóa, Bộ Tư pháp ngày càng được giao thêm nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực pháp luật quốc tế như xây dựng, thẩm định các dự thảo điều ước quốc tế, xây dựng các Hiệp định tương trợ tư pháp, xây dựng, thẩm định, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến các tổ chức quốc tế và khu vực như ASEAN, AFTA, APEC, WTO… ngày 06/6/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó tách mảng pháp luật quốc tế từ Vụ Hợp tác quốc tế để thành lập riêng Vụ Pháp luật quốc tế.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Hùng Cường tiếp khách quốc tế (năm 1997)
Trong giai đoạn này, Vụ Hợp tác quốc tế đã phối hợp với các Bộ, ngành khác duy trì và mở rộng hợp tác với nhiều nước và tổ chức quốc tế, quản lý, điều phối chặt chẽ các chương trình, dự án hợp tác pháp luật (vớicác tổ chức quốc tế như UNDP, ADB và vớicác quốc gia như Pháp (Nhà Pháp luật Việt - Pháp), Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Hà Lan, Canada…; chú trọng nhiệm vụ điều phối hoạt động hợp tác ở cấp vĩ mô nhằm tranh thủ tham khảo một cách có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài đối với hoạt động xây dựng pháp luật, tăng cường thực thi pháp luật, đào tạo cán bộ pháp luật, thông tin pháp lý... Hòa chung vào công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp đã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng cơ sở pháp lý cho thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, cụ thể như Bộ luật Dân sự năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2005), Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài năm 1993… Đồng thời,Vụ cũng đã tham mưu với Bộ trưởng để đề xuất với Chính phủ ký kết 13 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hôn nhân và gia đình và hình sự với các nước nhằm bảo đảm sự bảo hộ pháp lý cho công dân Việt Nam ở các nước đó. Các thỏa thuận hợp tác về pháp luật với các đối tác truyền thống, đặc biệt các nước XHCN cũ ở châu Âu vẫn được duy trì và tìm hướng phát triển mới cho phù hợp với tình hình chung của thế giới sau khi Liên Xô tan rã.
Trong giai đoạn này, Vụ Hợp tác quốc tế cũng đã triển khai có hiệu quả trong việc phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tham mưu với Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 57-CT/TWcủa Ban Bí thư ngày 08/8/1995 về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và cải cách hành chính, trong đó đã đặt ra nhiều nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp đối với công tác hợp tác với nước ngoài về pháp luật và cải cách hành chính. Đồng thời, kể từ năm 1998, Vụ Hợp tác quốc tế có thêm nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện công tác quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật theo quy định của Nghị định số 103/1998/NĐ-CP ngày 26/12/1998 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật và sau đó làNghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17/07/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Huy Ngát phát biểu tại Hội nghị bán thường niên và diễn đàn đối tác pháp luật (2006)
2.3. Giai đoạn 2007-2015
Bám sát đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, cùng với những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập (như thiết lập quan hệ ngoại giao với 180/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế…), Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Tư phápcác giải pháp nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế về tư pháp và pháp luật trên bình diện toàn cầu, khu vực và song phương.
Về hợp tác song phương, Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu để thực hiện xây dựng, đàm phán và ký kết tổng cộng 72 thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế với các quốc gia, lãnh thổ và các tổ chức quốc tế, trong đó có các đối tác quan trọng như CHDCND Lào, Campuchia, Liên bang Nga, Pháp, Cu-Ba, Cộng hòa Liên bang Đức, Úc, Cộng hòa Belarus, Nhật Bản… và 18 hiệp định và thỏa thuận tương trợ tư pháp với các nước.
Về hợp tác đa phương khu vực, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN được tiếp tục thúc đẩy, đặc biệt là phát huy các sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (tháng 11/2012). Ngoài ra, các hoạt động hợp tác với EU cũng được đẩy mạnh thông qua việc thực hiện Chương trình đối tác tư pháp (JPP)…
Về hợp tác đa phương toàn cầu, với vai trò ngày càng tăng của các cơ chế đa phương, các tổ chức quốc tế, Bộ Tư pháp đã thay mặt Chính phủ Việt Nam trình thư của Việt Nam chính thức gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và chính thức trở thành thành viên từ ngày 10/4/2013. Ngoài ra, Vụ Hợp tác quốc tế  cũng tham mưu đẩy mạnh hợp tác thông qua việc xây dựng, đàm phán, ký kết và quản lý thực hiện các chương trình, dự án và hoạt động hợp tác về pháp luật với các cơ quan của Liên hợp quốc (UNDP, UNICEF, UNWOMEN, UNODC…), các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực (WB, IFC, ADB…); các tổ chức hợp tác toàn cầu như OIF, OECD, APEC, ASEM…

Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Khánh Ngọc (nay là Thứ trưởng Bộ Tư pháp) phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác hợp tác quốc tế năm 2010
Đồng thời, trong giai đoạn này, Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu Lãnh đạo Bộ phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng trong việc tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TWcủa Ban Bí thư ngày 08/8/1995 về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và cải cách hành chính; trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Để triển khai quản lý công tác hợp tác quốc tế về pháp luật thống nhất, đồng bộ, Vụ Hợp tác quốc tế cũng đã tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
2.4. Giai đoạn 2015-2020:
Từ năm 2015 đến nay, quan hệ hợp tác quốc tế của Bộ, ngành Tư pháp trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được phát triển lên tầm cao mới với điểm nhấn là bước đột phá trong quan hệ với các nước láng giềng, nhất là quan hệ với Lào, Campuchia đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn. Đặc biệt, kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào (2017), Bộ Tư pháp Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp Lào tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa với điểm nhấn là việc tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 35 năm hợp tác tư pháp Việt - Lào tại Viêng Chăn; trình phê duyệt Dự án ODA viện trợ đầu tiên trong lĩnh vực pháp luật của Chính phủ Việt Nam cho Bộ Tư pháp Lào; các hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào do Bộ Tư pháp hai nước chủ trì cùng với nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương có chung đường biên giới đã được tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả... Với Campuchia, năm 2017 đánh dấu việc hai Bộ Tư pháp tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất tại Tây Ninh (2017) và lần thứ 2 tại Siêm Riệp (2019) đạt kết quả thiết thực.

Bộ trưởng Lê Thành Long tiếp kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND LàoBun-nhăng Vo-la-chít (ngày 6/12/2019)
Quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục được thúc đẩy với nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả thông qua thành lập Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Liên bang Nga; ký kết Chương trình hợp tác 3 năm (giai đoạn 2019 - 4/2022) với Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng Liên bang Đức; trình Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản thông qua dự án hợp tác pháp luật và tư pháp giai đoạn 2021-2026; thống nhất nhiều định hướng hợp tác về pháp luật với Cu-Ba nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cu-Ba vào cuối năm 2019. Cùng với đó, hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu tiếp tục được đẩy mạnh theo phương châm chủ động, trách nhiệm và hiệu quả với các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN (thông qua cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN ALAWMM và Hội nghị Quan chức Pháp luật cao cấp ASEAN ASLOM), với Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc ( Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp do EU và UN đồng tài trợ); vớicác tổ chức của Liên hợp quốc; gia nhập và từng bước khai thác hiệu quả hoạt động hợp tác trong các thiết chế pháp luật và tư pháp mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Tổ chức phát triển về Luật quốc tế (IDLO).

Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Đặng Hoàng Oanh (nay là Thứ trưởng Bộ Tư pháp) tham dự Hội nghị thường niên của Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO) và nộp hồ sơ Văn kiện gia nhập IDLO cho Bộ Ngoại giao Italia để lưu chiểu ( 2016)
Công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp được triển khai với ý thức chính trị cao về việc giữ vững các nguyên tắc và đảm bảo linh hoạt nhằm khai thác sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế phục vụ các mục tiêu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu giúp Bộ trưởng triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật theo Nghị định 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế của Bộ, ngành Tư pháp và hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế. 
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên – Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 18 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (2018)
Nhóm quan hệ đối tác pháp luật được thành lập năm 2016 để thực hiện nhiệm vụ vận động, thu hút viện trợ trong lĩnh vực pháp luật theo Nghị định 113/2014/NĐ-CP với trọng tâm là tổ chức Diễn đàn pháp luật nhằm chia sẻ thông tin về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, thúc đẩy hợp tác của các đối tác quốc tế.
Đặc  biệt, trong giai đoạn này, Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháptriển khai tổng kết, đánh giá 10 năm việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở kết quả tổng kết, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, trong đó xác định các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển, quan hệ hợp tác quốc tế của Bộ, ngành Tư pháp trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được phát triển lên tầm cao mới với những kết quả nổi bật trong quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác truyền thống, các nước trong khu vực, các đối tác song phương và đa phương. Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp không ngừng được tăng cường, mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả; Bộ, Ngành Tư pháp đã có bước trưởng thành trong việc tiếp thu có chọn lọc tri thức, tinh hoa và kinh nghiệm quốc tế phù hợp với truyền thống, thực tiễn Việt Nam để hoàn thiện pháp luật và cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước. Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của hợp tác quốc tế về pháp luật, chúng ta cũng đã đào tạo được một lực lượng cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và ngoại ngữ tốt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời bạn bè quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn, ủng hộ những nỗ lực hoàn thiện pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam. Công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và cải cách tư pháp ngày càng đi vào nền nếp.
Trong thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương, hy vọng rằng công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp sẽ ngày càng phát triển, đóng góp hiệu quả, thiết thực vào công tác xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động cải cách tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhâ, phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước./.
 
Bài và ảnh: Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp
 
 
[1] Biên niên sử ngành Tư pháp tập 1, tr. 195
[2] Biên niên sử ngành Tư pháp tập 1, tr. 199
[3] Biên niên sử ngành Tư pháp tập 1, tr. 206
[4] Biên niên sử ngành Tư pháp tập 1, tr. 208
[5] Biên niên sử ngành Tư pháp tập 1, tr. 209
[6]Từ năm 1981 đến năm 1987, Bộ Tư pháp đã soạn thảo và ký kết xong 4 bản Hiệp định tương trợ tư pháp với Bộ Tư pháp các nước Liên Xô, Tiệp Khắc, Hungary và Cu-Ba, đồng thời xúc tiến việc nghiên cứu Hiệp định tương trợ tư pháp với Bộ Tư pháp các nước Bulgary, Ba Lan  và Mông Cổ. Năm 1983, Hiệp định hợp tác tư pháp và pháp lý giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp nước CHND Campuchia được ký kết đánh dấu bước phát triển trong quan hệ hợp tác với Campuchia.