Trước khi là Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An, ông Phạm Thành Chung từng đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An. Ông Chung đã có nhiều cách thức, nhiều hình thức để đưa luật đến gần với người dân, người dân tiếp cận luật một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất. Ví dụ như cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền luật”.
Phát động người dân sáng tác kịch bản tuyên truyền pháp luật
Sinh năm 1971, ông Phạm Thành Chung, Thạc sĩ Luật, là người đã nhiều năm gắn bó với ngành Tư pháp và đã có những sáng kiến để việc đưa pháp luật vào cuộc sống cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đạt hiệu quả nhất.
Trong những năm gần đây khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cá nhân ông cũng đã có những chỉ đạo linh hoạt để tuyên truyền pháp luật sao cho hiệu quả nhất trong thời điểm dịch Covid-19.
Trên cương vị là Phó Giám đốc Sở Tư pháp (từ năm 2016-2021), ông đã có những đóng góp tích cực, mang dấu ấn cá nhân trong hoạt động của ngành. Đặc biệt, trong việc tổ chức cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền luật về các quyền dân sự chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2018”, Sở Tư pháp Nghệ An là đơn vị đầu tiên tổ chức thành công được UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Tư pháp đánh giá cao.
Tại cuộc thi này, dấu ấn cá nhân của ông Phạm Thành Chung và Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp được thể hiện rõ. Ông Chung là Phó Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cuộc thi, lên Kế hoạch về việc tổ chức cuộc thi, các Quyết định thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký; xây dựng Thể lệ cuộc thi, Quy chế chấm thi và Tuyên truyền phát động cuộc thi.
Bộ tài liệu này được cấp phát đến 42 Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 21 UBND cấp huyện; 480 UBND cấp xã để tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị. Những nội dung trên cũng được cấp phát cho các trường cấp 2 và 3 trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền cho giáo viên, học sinh.
Bởi đây vừa là đối tượng tiếp thu, nhận thức, thực hiện kiến thức về pháp luật tốt, vừa là các tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền pháp luật cho gia đình và người dân ở thôn, bản...
Chỉ trong một thời gian ngắn phát động, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được tới 233 tác phẩm dự thi. Qua cuộc thi đã phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về quyền dân sự, chính trị đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, trong phạm vi toàn tỉnh, tạo sự chuyển biến về nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để từ đó mỗi công dân tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quyền dân sự, chính trị của mình.
Theo ông Chung, điều quan trọng của cuộc thi là đã tạo nguồn kịch bản tiểu phẩm tốt, có chất lượng để sử dụng trên hệ thống phát thanh, truyền hình và phục vụ cho công tác tuyên truyền lưu động, góp phần vào mục tiêu không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống…
Linh hoạt tuyên truyền pháp luật trong thời điểm dịch Covid-19
Trong những năm công tác tại Sở Tư pháp, với cương vị Phó Giám đốc, ông Phạm Thành Chung luôn làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao.
Ông là người trực tiếp chỉ đạo Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật tham mưu xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015 - 2020” trình lên UBND tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh cũng đánh giá cao quá trình thực hiện Đề án này.
Trong hai năm 2020 và 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp khó thực hiện. Trước thực tế đó, ông Chung đã có những sáng kiến mới để phù hợp với tình hình thực tiễn. Ông là người đã biên soạn 12.000 tờ gấp có nội dung quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền dân sự, chính trị và một số quy định về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân để cấp phát miễn phí cho nhân dân. Hơn 4.000 cuốn sách hỏi đáp về một số quy định của pháp luật Việt Nam cấp phát miễn phí cho các phóng viên, biên tập viên, giáo viên, cũng được ông chỉ đạo thực hiện nhằm mục đích tuyên truyền rộng rãi.
Song song với đó, với cương vị Phó Giám đốc Sở, ông Chung còn chỉ đạo lồng ghép, đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật trong các Ngày Pháp luật hàng tháng thông qua các trò chơi, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, cuộc thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm... Trong đó, số tài liệu đăng tải trên Internet gồm 920.879 bản tin. Tổ chức được 464 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 199.659 lượt người dự thi.
Để pháp luật đến gần hơn với người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khó khăn, ông Chung đã đề xuất với lãnh đạo Sở Tư pháp và UBND tỉnh tổ chức những cuộc thi: hòa giải viên, báo cáo viên tuyên truyền pháp luật được Bộ Tư pháp đánh giá cao.
Ông Chung cũng là người đã có đóng góp lớn trong việc triển khai về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn cho thành viên Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã về nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường chức năng giám sát
Tháng 6/2021 vừa qua, ông Phạm Thành Chung được điều động giữ chức Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An. Trên cương vị mới, ông đã kịp thời bắt tay vào công việc, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, triển khai tốt chương trình, công tác đã đề ra.
Mới đây, tại cuộc họp thẩm tra, trên cơ sở thảo luận của các thành viên tham gia dự họp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh thống nhất trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định đưa vào chương trình, nội dung Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa 18 dự thảo nghị quyết về xử lý kết quả rà soát các nghị quyết quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh ban hành từ ngày 31/12/2020 trở về trước đang còn hiệu lực thi hành.
Theo đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh thống nhất với kết quả rà soát của UBND tỉnh với tổng số 172 nghị quyết. Trong đó có 150 nghị quyết còn hiệu lực, 2 nghị quyết hết hiệu lực; 21 nghị quyết đề xuất bãi bỏ do hết thời gian thực hiện hoặc trái với quy định luật hiện hành.
Thông qua việc giám sát, Ban sẽ tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh ban hành báo cáo kết quả giám sát, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan, chủ quan, dự báo những “điểm nóng” phức tạp. Đồng thời, kiến nghị những giải pháp cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trên cương vị Trưởng ban Pháp chế, ông Chung cho hay sẽ kịp thời có những kiến nghị để xử lý trong vi phạm hành chính. Làm tốt việc thẩm tra các văn bản, xây dựng dự thảo trình HĐND tỉnh; ban hành các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, các cơ quan tham mưu xây dựng nghị quyết trình hội đồng.
Ngoài nhiệm vụ giám sát theo pháp luật, Ban Pháp chế còn cố gắng hoàn thành tốt việc thẩm tra các báo cáo của ban ngành như: công an, viện kiểm soát, tòa án, tổ chức cán bộ...
Trong chức năng, quyền hạn của mình, ông Chung cho hay sẽ tiếp tục giám sát, thẩm tra, tiếp xúc cử tri.... Bên cạnh đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An khẳng định sẽ tìm tòi để xây dựng các cơ chế chính sách thuộc HĐND tỉnh kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các chính sách đảm bảo an ninh quốc phòng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để các doanh nghiệp khắc phục khó khăn.
Ông Phạm Thành Chung có quá trình công tác giữ nhiều cương vị trong ngành Tư pháp. Từ 1995, ông là chuyên viên Phòng THADS Sở Tư pháp Nghệ An; Chấp hành viên THADS huyện Hưng Nguyên; Phó phòng Hành chính Tư pháp Sở Tư pháp.
Từ 2013, ông là Bí thư Chi bộ Văn phòng – Phòng Phổ biến Giáo dục pháp luật; Phó Chánh Văn phòng Sở Tư pháp; rồi Chánh Văn phòng. Từ 2016 đến 2020, ông là Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An.