Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của “Người gác cổng”
Với vai trò là người “gác cổng” cho UBND tỉnh trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở địa phương, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh tổ chức triển khai thi hành có hiệu quả Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật không ngừng nâng cao; 100% VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh ban hành được ngành Tư pháp thẩm định đều đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, khả thi và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương; gắn kết chặt chẽ hoạt động thẩm định văn bản với kiểm soát việc đề xuất ban hành thủ tục hành chính, qua đó đã tham góp nhiều vấn đề, đề nghị bổ sung nhiều chính sách nhằm thu hút nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội, kiên quyết đề nghị loại bỏ 398 nội dung, 29 thủ tục hành chính và chỉnh sửa đối với 927 nội dung, 65 thủ tục hành chính không hợp hiến, hợp pháp, không thống nhất, không khả thi, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong 271 dự thảo VBQPPL , 11 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh.
Giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi, nhanh chóng, chính xác
Trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người dân, xác định cải cách hành chính thực chất, không chạy theo thành tích, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, Sở Tư pháp đã thành lập và đưa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở Tư pháp đi vào hoạt động sớm nhất trong các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; chủ động triển khai dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công bưu chính công ích, cắt giảm từ 33,3% đến 83,3% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Khắc phục triệt để việc trậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp, hiện Sở Tư pháp không có hồ sơ trễ hẹn với người dân, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trước hạn đạt 99,4%. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng, chính xác, không tiêu cực, không nhũng nhiễu, được người dân, các cơ quan, tổ chức đến giao dịch đánh giá cao về thái độ niềm nở, nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ của Sở Tư pháp.
Tinh gọn tổ chức bộ máy
Để việc tinh gọn tổ chức bộ máy được thuận lợi, ngay sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Giám đốc Sở Tư pháp đã có chủ trương dừng việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp phòng, thuộc Sở; đồng thời mạnh dạn, chủ động đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp. Cơ cấu tổ chức của Sở sau khi sắp xếp lại có 04 phòng, đơn vị chuyên môn và 03 đơn vị sự nghiệp, giảm 03 phòng chuyên môn thuộc Sở, 03 chức danh trưởng phòng, 11 chức danh cấp phó phòng thuộc Sở, giảm 02 phòng thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Sở Tư pháp là cơ quan hành chính đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang thực hiện tinh gọn theo chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Với nguồn nhân lực ít, Giám đốc Sở Tư pháp đã rất linh hoạt trong điều hành, bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường theo từng vị trí việc làm; tăng cường cán bộ hỗ trợ Bộ phận Một Cửa mỗi khi phát sinh nhiều hồ sơ thủ tục hành chính, đảm bảo việc giải quyết thuận tiện, nhanh chóng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là việc “đào tạo” trực tiếp các kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng “mềm” cho cán bộ, xây dựng được một đội ngũ cán bộ làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tình, chu đáo, không nhũng nhiễu, không tiêu cực.v.v.; biểu dương khen thưởng kịp thời, phê bình cụ thể, nghiêm túc.
Quyết liệt trong ứng dung công nghệ thông tin
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, Sở Tư pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là một trong những hoạt động nổi bật của ngành trong những năm qua, bắt đầu với việc triển khai xây dựng Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp từ năm 2009 và quyết tâm ứng dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đến Phòng Tư pháp huyện, thành phố từ năm 2013, thực hiện trao đổi 100% văn bản điện tử (trừ văn bản mật), đến nay Sở Tư pháp đã xây dựng, duy trì, khai thác, sử dụng, quản lý 12 phần mềm ứng dụng chuyên ngành trong quản lý các lĩnh vực công tác tư pháp. Khai thác tối đa lợi thế của mạng xã hội Facebook, Zalo để trao đổi công việc, điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; sắp xếp lại các phòng làm việc để tiết kiệm điện khi sử dụng máy điều hòa và các thiết bị dùng chung và đã tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng từ các giải pháp này.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực công tác tư pháp
Cùng với đó, Sở Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp các lĩnh vực công tác tư pháp ở địa phương. Các phong trào thi đua hàng năm và theo chuyên đề của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh phát động được triển khai bài bản, sâu rộng; chính sách khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được thực hiện kịp thời, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, cán bộ làm việc trực tiếp; từ năm 2015 đến nay, có 547 lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng thành tích công tác tư pháp và 20 lượt tập thể, cá nhân được công nhận điển hình tiên tiến cấp cở. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn tích cực trong các hoạt động xã hội như tổ chức tặng 76 suất quà với tổng giá trị gần 57 triệu đồng cho người cao tuổi, hộ gia đình nghèo, chính sách, học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; tham gia hiến máu nhân đạo; ủng hộ 145 triệu đồng các quỹ từ thiện; xây dựng 02 công trình đường điện “Thắp sáng đường quê” với tổng chiều dài 1,9km, chi phí hơn 80 triệu đồng cho Nhân dân 02 xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Với sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu, vượt khó trong giai đoạn 2015-2020, tập thể Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ Tư pháp ghi nhận với 03 năm xếp hạng A (Xuất sắc), được tặng 02 Cờ thi đua ngành Tư pháp, 02 Bằng khen và công nhận là tập thể điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020; được UBND tỉnh tặng 01 Cờ thi đua, 13 Bằng khen và trở thành “điểm sáng” trong công tác cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang với 06 năm liên tục (từ năm 2014 đến 2019) là đơn vị dẫn đầu các cơ quan sở, ngành cấp tỉnh về Chỉ số cải cách hành chính; 05 năm liên tục là đơn vị được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chỉ số hài lòng (DCI) trong tốp dẫn đầu. Đây là những thành tích hết sức tự hào của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang và thực sự thiết thực chào mừng 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam 28/8/1945-28/8/2020./.
Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang