Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Doanh nhân Xuân Trường và những công trình để đời

Với quan niệm sống “để lại gì cho đời”, doanh nhân Nguyễn Văn Trường cho biết đã, đang và sẽ tiếp tục xây các công trình nổi tiếng, để đời; như một cách “ghi danh” cho thế hệ mai sau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Trường (còn gọi là Xuân Trường, SN 1963, ngụ Ninh Bình) là chủ của nhiều DNTN, trong đó có tiếng nhất là DNTN xây dựng Xuân Trường.

Từ những năm 2000, ông Trường được biết đến với việc mạnh tay đầu tư Khu Du lịch Tràng An – chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng. Hiện DN của ông đang đầu tư vào những dự án lớn như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) 15.000 tỷ đồng; Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng) 10.000 tỷ đồng; Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) 11.000 tỷ đồng...

Trong nhiều năm qua, ông Trường đã đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng vào các công trình văn hóa tâm linh ở Ninh Bình, Hà Nam bởi quan niệm: “Chùa chiền như là những mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Năm 2006, ông bỏ ra cả nghìn tỷ đồng đầu tư vào Khu du lịch Tràng An – chùa Bái Đính, với 500 nghệ nhân đến từ những các làng nghề nổi tiếng, sử dụng tay nghề và các vật liệu địa phương để tạo ra nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính. Năm 2014, chùa được UNESSCO công nhận di sản văn hoá thế giới kép, Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Bái Đính – Tràng An là một trong những dự án khẳng định tên tuổi Xuân Trường. Ngôi chùa rộng 539ha, lập nhiều kỷ lục: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Việt Nam 36 tấn, nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m), giếng ngọc lớn nhất Việt Nam; có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam…

Bên cạnh đó, Xuân Trường đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng xây dựng Khu du lịch Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) kỳ vọng đưa quần thể này thành di sản thế giới. Ông Trường kể: “Trước khi bắt tay vào khởi công, xây dựng, tôi luôn nghĩ nếu Bái Đính mang kiến trúc của một ngôi chùa lớn thì Tam Chúc - Ba Sao sau khi hoàn thành sẽ có hàng trăm chùa tháp với nghìn bức tượng Phật”.

“Nơi đây còn có cả một không gian tâm linh phụ trợ như Động Vòng, Động Cô Đôi, Chùa Thiên Phúc và khu vườn Phật 300ha - nơi ngự của tứ Thánh đế với hàng ngàn đệ tử chắp tay hướng tới cõi niết bàn, nghĩa là đến đây du khách như đến một trung tâm Phật giáo quy mô lớn nhất châu lục”, ông Trường nói.

Dự án này có diện tích 5.100ha, năm 2019 được đưa vào hoạt động phục vụ Đại lễ Phật giáo thế giới và phục vụ du khách chiêm bái, tham quan, du lịch. Tháng 5/2019, chùa Tam Chúc đã đăng cai Đại lễ Vesak, có khoảng 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học… tại cả trăm quốc gia, vùng lãnh thổ và khoảng 10.000 Phật tử, người dân tham dự. Đây cũng là thời điểm khánh thành giai đoạn 1 của dự án. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2048 (xây dựng trong gần 50 năm).

Ông Trường còn đầu tư tâm sức, tiền của xây dựng 3 công trình tâm linh ngoài quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Theo thống kê ông đang là doanh nhân đạt kỷ lục về số lần và thời gian ra Trường Sa, với nhiều lần lên tàu vượt biển, khảo sát, thiết kế tham gia lập phương án thi công, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, gỗ, tượng, chuông, đồ thờ từ đất liền ra đảo.

Trùng tu, xây chùa trong đất liền đã kỳ công thì ở ngoài đảo còn gian nan, vất vả gấp nhiều lần. Thế nhưng ông cùng các cộng sự đã xây dựng, trùng tu nhiều ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa nơi biển khơi xa xôi, nắng gió. Chùa Trường Sa Lớn, chùa Sinh Tồn, chùa Nam Yết, chùa Sơn Ca, chùa Phan Vinh, chùa Song Tử Tây nay đã ngày đêm văng vẳng tiếng chuông chùa giữa bão tố phong ba.

Khi đề xuất các kế hoạch xây dựng công trình du lịch – văn hóa - tâm linh, ông Trường đều cho biết sau khi xây dựng xong, công trình này sẽ do Giáo hội Phật giáo quản lý chứ DN không kinh doanh thu lợi.

“Đại gia” giản dị

Xuân Trường được xem là một trong những doanh nhân hàng đầu Việt Nam, từng đoạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều Bằng khen, Giấy khen về những đóng góp xây dựng quê hương…. Ông cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); sở hữu nhiều DNTN như Xuân Trường Ninh Bình, Cty CP Du lịch Hoa Lư, Khách sạn Hoa Lư, Cty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An, sân Golf Tràng An, khu du lịch hồ Đồng Chương (Ninh Bình)…

Thế nhưng doanh nhân này sống rất giản dị, ăn chay trường suốt nhiều năm. Ông nói ăn chay vì thấy đồ ăn chay hoàn toàn thay thế được thực phẩm thông thường và hợp với bản thân. Ông ít nói, hiếm khi xuất hiện trước truyền thông, báo chí. Kể cả với những người bạn thân thiết, ông cũng từ chối chụp hình.

Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời doanh nhân Xuân Trường là nhìn thấy mọi người có việc làm ổn định, cuộc sống được cải thiện khi các dự án ông thực hiện đi vào hoạt động. Ông tâm sự: “Có người đã đúc kết rất đúng rằng: “Đại gia cũng chỉ ăn cơm 3 bữa một ngày thôi. Cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời”. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý”.

Mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch COVID-19”, Xuân Trường đã ủng hộ số tiền 112 tỷ đồng; trong đó 100 tỷ đồng đã chuyển thông qua VietinBank chi nhánh Ninh Bình tới Trung ương MTTQ Việt Nam; và 12 tỷ đồng trao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình gồm 2 máy lọc máu, 4 máy thở, trao tặng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Bình 1 máy xét nghiệm chẩn đoán Covid-19. Theo ông Trường: “Đây là hành động thiết thực, góp phần sát cánh cùng Chính phủ và nhân dân trong cuộc chiến chống lại đại dịch”.

Hàng năm, DNTN xây dựng Xuân Trường đóng góp cho ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm có thu nhập cho nhiều người. DN này đang cố gắng nỗ lực hoạt động sản xuất cao nhất, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất phục vụ phát triển kinh tế.

Để tạo dựng được uy tín, thành công như ngày hôm nay, ông Trường cho hay đã phải đi nhiều nơi thực tế, vượt qua nhiều chông gai, nỗ lực học hỏi kinh nghiệm nhiều mô hình trên thế giới… Nói về bí quyết của những thành công hiện tại, ông khiêm nhường: “Những gì tôi có được ngày hôm nay phần lớn đến từ may mắn và sự nỗ lực vươn lên của cả tập thể người lao động. Sự thông minh, nhanh nhạy, bản lĩnh của người đứng đầu và sự trung thực tuân thủ các chính sách pháp luật cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của DN”.

Tháng 10/2018, Xuân Trường mua đấu giá mảnh thiên thạch “Mảnh ghép Mặt Trăng” tại Mỹ, giá 612.500 USD (khoảng 14,3 tỷ đồng), tặng cho chùa Tam Chúc.

Ông Trường còn đích thân mang ngọc xá lợi về Việt Nam, kiếm những chiếc xe cao cấp nhất chở xá lợi và cao tăng tới Ninh Bình. Nhắc lại chuyện này, ông Trường nói: “Cùng Giáo hội Phật giáo rước xá lợi Phật về thì bỏ ra hàng triệu USD cũng không tiếc, cũng thể mua được cái tâm của những người hướng Phật”.

Bất cứ việc nào có lợi cho di sản và du lịch, ông Trường đều sẵn sàng làm. Hội thảo về cố đô Hoa Lư, lễ hội, hội nghị xúc tiến, ông âm thầm đứng sau tài trợ. Ông từng đầu tư 200 tỷ đồng để hoàn thiện nhà khách 5 sao mang phong cách Á Đông cổ điển với diện tích 20.000m2.

Xuân Trường được biết đến đã trúng thầu và đang thi công dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn chiều dài hơn 15,2km, tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng, chuẩn bị gấp rút hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng. Đây được xem là tuyến đường có vai trò kết nối các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giúp Ninh Bình và Nam Định phát triển cả về kinh tế lẫn du lịch.

Dự án còn góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; giảm thiểu ùn tắc tai nạn giao thông; kết nối phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có dự án đi qua.


Gia Hồng