Ngày Pháp luật năm nay gắn với việc thực hiện Hiến pháp 2013 với nhiều nội dung mới, tiến bộ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, đáp ứng yêu cầu cải cách và hội nhập sâu rộng. Lần đầu tiên các nguyên tắc tư pháp tiến bộ của nhân loại được quy định trong Hiến pháp 2013 như: Bảo đảm tranh tụng, suy đoán vô tội, đảm bảo xử lý các vụ án công khai, minh bạch, đúng thời hạn. Cũng lần đầu tiên hiến định việc kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đồng thời minh định tòa án là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp”.
Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, quyền tư pháp phát sinh từ hoạt động xét xử và chỉ có tòa án mới có quyền hạn chế quyền tự do, tước bỏ quyền sống của con người. Tòa án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lý. Các hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát là nhằm phục vụ cho hoạt động xét xử. Người dân hy vọng rằng với những quy định mới trong Hiến pháp, Tòa án thực sự là biểu tượng của công lý và phải là chỗ dựa của người dân trong hành trình tìm kiếm công lý, sẽ không còn tình trạng oan sai.
Trước Ngày Pháp luật 2014, dư luận càng phấn khởi trước thông tin Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị rà soát lại các đơn kêu oan của các phạm nhân, đặc biệt với những người bị án phạt cao. Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã thẳng thắn kiến nghị: "Cần đẩy nhanh rà soát những đơn thư kêu oan, nhất là các trường hợp có mức phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình... Cần thường xuyên thanh tra kiểm tra nội bộ, phát hiện kịp thời, xử lý cán bộ công chức, đặc biệt với những người có chức danh tư pháp vi phạm kỷ luật và pháp luật".
Theo Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình: “Không làm oan sai và không bỏ lọt tội phạm là hai yêu cầu quan trọng ngang nhau. Hậu quả nào, kể cả bỏ lọt hay oan, sai cũng mang đến những tác động tiêu cực rất lớn đối với xã hội. Nếu bỏ lọt tội phạm nhiều sẽ đe dọa đến cuộc sống bình yên của nhân dân, luật pháp không nghiêm, không công bằng; nhưng nếu để xảy ra oan sai thì hậu quả thật khó lường, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người bị oan mà niềm tin của xã hội vào pháp luật cũng bị giảm sút nghiêm trọng.”
Người dân kỳ vọng với tinh thần Ngày Pháp luật, người dân sẽ được hưởng một nền tư pháp văn minh, tiến bộ, bảo đảm tốt nhất quyền công dân, quyền con người.
Ông Hà Quang Dĩnh- Chánh án TAND tỉnh Hoà Bình: Mỗi ngày đều là Ngày Pháp luật!
Ngay từ năm 2011, khi Ngày Pháp luật chưa được luật hóa, TAND tỉnh Hòa Bình đã phát động thực hiện Ngày Pháp luật. Mỗi tháng chúng tôi chọn lấy một ngày làm Ngày Pháp luật, dành riêng một ngày để trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin văn bản pháp luật mới. Sau rồi thấy không chỉ tháng một lần mà ngày nào cán bộ tòa án tỉnh Hòa Bình cũng phải cập nhật kiến thức, nếu không mình sẽ bị lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Cũng giống như thời gian đầu thực hiện Nghị quyết 08 về cải cách tư pháp, chúng tôi đã triển khai các phiên toà mẫu. Sau này các phiên toà dần được chuẩn hoá, mọi phiên toà đều là phiên toà mẫu. Chúng tôi xác định tinh thần Ngày Pháp luật cũng sẽ phải được chuẩn hóa như vậy. Phải xác định ngày nào cũng là Ngày Pháp luật, mỗi cán bộ tự trau dồi, gương mẫu sẽ tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của nhà nước, bảo vệ pháp chế, thực hiện cải cách tư pháp sâu rộng và đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế.
Luật sư Đỗ Minh Thu, Giám đốc Cty Luật TNHH Minh Thu, Nam Định: Nêu cao sứ mệnh vì công lý!
Giới Luật sư vô cùng phấn khởi vì sau đợt cao điểm phát động các hoạt động tiêu biểu thiết thực chào mừng ngày truyền thống Luật sư Việt Nam lại đến đợt cao điểm chào mừng Ngày Pháp luật. Đây sẽ là dịp các Luật sư thực hiện việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý vì cộng đồng, nêu cao sứ mệnh vì công lý.
Theo kế hoạch, cả nước sẽ tổ chức các hoạt động Ngày Pháp luật năm 2014 trong thời gian 02 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10 đến hết ngày 30/11 năm 2014, cao điểm trong tuần lễ từ ngày 03 đến ngày 09/11/2014. Tuy nhiên thực tế thì việc tuyên truyền, trợ giúp pháp lý đối với giới luật sư là hoạt động thường nhật, tự thân các luật sư tự trau dồi kiến thức cho mình và giúp đỡ người dân, đương sự giải tỏa các vướng mắc pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tinh thần Ngày Pháp luật sẽ góp phần tạo chuyển biến mới về chất trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng, theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với mọi người dân.
Ông Hà Văn Tiến, Chánh án TAND tỉnh Lào Cai: Chú trọng triển khai tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn
Với đặc thù là tỉnh miền núi biên giới, địa hình phong phú, có 27 dân tộc anh em sinh sống trong đó đông nhất là đồng bào dân tộc Mông sống ở các vùng rẻo cao, trình độ nhận thức hạn chế và không đồng đều. Tình hình tội phạm tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp, một số vụ án nổi lên như tội phạm mua bán người, trọng án, ma túy.
Những năm qua, các đơn vị TAND trong tỉnh Lào Cai đã chú trọng công tác xét xử lưu động, tăng cường đưa vụ án về xét xử tại địa bàn xảy ra tội phạm để kết hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân. Một số huyện đã mạnh dạn tổ chức phiên tòa lưu động tại sân vận động, thậm chí tại phiên chợ vùng cao để đẩy mạnh tác dụng tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Qua theo dõi, tại các địa phương đã từng xét xử lưu động, trình độ nhận thức pháp luật cảu người dân được nâng cao, tình hình tội phạm có chuyển biến tích cực.
Do đặc thù riêng của tỉnh, không chỉ qua các phiên tòa mà ngay cả khi đi tống đạt văn bản, khi đi điều tra xác minh, cán bộ tòa án đều có trách nhiệm phải tuyên truyền, vận động, giải thích các quy định pháp luật tới người dân. Mỗi cán bộ trở thành một tuyên truyền viên pháp luật, chỗ dựa pháp luật cho người dân.
Nguyễn Lê (tổng hợp)