Ngày 9 tháng 11: Ngày tôn vinh hiến pháp và pháp luật

06/11/2014
Ngày 9 tháng 11:  Ngày tôn vinh hiến pháp và pháp luật
Ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, văn bản luật này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2013. Tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “ Ngày 9 tháng 11 hàng năm là ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Việc Quốc hội chọn ngày 9 tháng 11 làm ngày pháp luật Việt Nam không phải là điều ngẫu nhiên. Cách đây 68 năm, ngày 9 tháng 11 năm 1946 Quốc hội Khóa 1 của nước ta (Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) đã  thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Hiến pháp năm 1946.

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến. Không có độc lập, tự do, tất nhiên, nước ta lúc đó không thể có Hiến pháp. Hiến pháp đầu tiên của nước ta ra đời là thành quả của cuộc cách mạng tháng 8 giành lại độc lập tự do cho dân tộc và giành chính quyền về tay nhân dân. Mặc dù Hiến pháp đầu tiên của nước ta ra đời năm 1946 nhưng tư tưởng lập hiến đã xuất hiện ở Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX. Đầu năm 1919, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã gửi yêu sách của nhân dân An Nam cho Hội nghị Vessailles của các nước Đồng Minh, trong đó đã thể hiện rõ tư tưởng lập hiến của người. Sau đó Nguyễn Ái Quốc lại dịch  và diễn thành lời ca bản Yêu sách đó với tựa đề : “ Việt Nam yêu cầu ca” để tuyên truyền  trong đồng bào Việt Kiều sống trên đất Pháp. Trong tám yêu sách, đáng lưu ý là điều thứ bảy, đó là yêu cầu lập hiến cho nhân dân Việt Nam:

“ Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thành linh pháp quyền”

Hiến pháp được các nước phương Tây gọi là “ basic law” là luật cơ sở, luật cơ bản, còn Nguyễn Ái Quốc đã coi đó là “thần linh pháp quyền”. Trong quan niệm của người Việt Nam thần linh là sự phù hộ độ trì cho cuộc sống tốt đẹp. Sự phù hộ, độ trì của thần linh là vô hình nhưng hiệu quả, hiệu nghiệm. Có thể nói rằng khi so sánh Hiến pháp với thần linh pháp quyền chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng coi trọng Hiến pháp, tin tưởng Hiến pháp, thờ tụng Hiến pháp, tôn vinh Hiến pháp. Khi nước nhà độc lập, là Chủ tịch nước đầu tiên, cũng là trưởng ban dự thảo Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam - Hiến pháp 1946, tư tưởng Hồ Chí Minh về một bản Hiến pháp dân chủ đã trở thành hiện thực. Sau này, cùng với thời gian có thể chúng ta còn có những bản Hiến pháp mới nhưng Hiến pháp 1946 mãi mãi là mốc son lịch sử trong tư duy lập hiến Việt Nam.

Kể từ năm 2013 ngày 9 tháng 11 được tôn vinh là ngày  pháp luật Việt Nam. Ý nghĩa xã hội của ngày quan trọng này là ngày để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, ngày để nhắc nhở mọi người, mọi công dân nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật. Hãy xây dựng nhà nước pháp quyền, hãy coi Hiến pháp và pháp luật là vị thần hộ mệnh của chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta hãy tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật vì đó là công cụ hiệu nghiệm bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền con người và công dân, bảo vệ công bằng và công lý trong xã hội.

                             GS-TS Thái Vĩnh Thắng

                                              Đại học luật Hà Nội



  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text