Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn: “Nhân dân Thủ đô luôn đề cao tinh thần trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, pháp luật”

06/11/2014
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn: “Nhân dân Thủ đô luôn đề cao tinh thần trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, pháp luật”
Là địa phương khởi phát sáng kiến về Ngày Pháp luật, những năm qua, Hà Nội không chỉ đi đầu trong việc duy trì và hưởng ứng Ngày Pháp luật mà còn là địa phương rất năng động với những mô hình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) hay và hiệu quả. Nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 năm nay (sau đây gọi là Ngày Pháp luật), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố về vấn đề này.

* Năm nay người dân Thủ đô Hà Nội đón nhận nhiều sự kiện trọng đại, trong đó có dịp Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô. Trong không khí tưng bừng, náo nức ấy, người dân Thủ đô Hà Nội đón nhận Ngày Pháp luật như thế nào và có kỳ vọng gì vào ngày này, thưa ông?

- Có thể thấy, người dân Thủ đô Hà Nội, hầu hết mọi thành phần đều rất quan tâm đón nhận Ngày Pháp luật năm nay. Năm 2014 là năm Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực, năm thứ hai Ngày pháp luật đi vào cuộc sống, là năm Hà Nội tưng bừng kỷ niêm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Phản ánh của người dân cho thấy, tự hào là người dân của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, là địa phương đầu tiên có sáng kiến tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua mô hình“Ngày pháp luật” hàng tháng, nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày pháp luật Việt Nam, nhân dân Hà Nội luôn mong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến đời sống, đến quyền và nghĩa vụ của người dân được Thành phố tiếp tục quan tâm làm tốt, đặc biệt là những người dân ở địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhân dân cũng mong muốn cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô luôn chấp hành đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật trong thực thi công vụ; các cơ quan hành chính Nhà nước tăng cường cải cách các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, cá nhân và người dân Thủ đô khi có việc đến cơ quan có thẩm quyền...

Người dân Thủ đô luôn đề cao trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Tin rằng, những hoạt động thiết thực Kỷ niệm Ngày pháp luật trên địa bàn Thành phố sẽ mang lại tình cảm, niềm tin của người dân đối với pháp luật, góp phần tích cực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân và trong thực hiện pháp luật các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố.

* Năm nay là năm thứ 2 Ngày Pháp luật đi vào cuộc sống, xin Phó Chủ tịch cho biết Thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện Ngày pháp luật Việt Nam như thế nào?

- Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Ngày Pháp luật đến các cấp, các ngành trên địa bàn, quán triệt trách nhiệm vụ thể và hướng dẫn chi tiết các hình thức triển khai thực hiện. UBND thành phố xác định việc triển khai Ngày Pháp luật năm 2014 phải trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên địa bàn Thủ đô, tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về mục đích, ý nghĩa Ngày Pháp luật, qua đó giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người, tạo sự chuyển biến mới về hiệu quả thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố, đến thời điểm trước ngày 25/10, hầu hết các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai nhiều hoạt động thực hiện Ngày Pháp luật tại đơn vị, địa phương mình. Nhiều hoạt động tuyên truyền, trong đó có Hội thi “Hòa giải viên giỏi”, các Hội nghị, tọa đàm giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành... thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ, công chức và nhân dân, tạo nên một luồng không khí sôi động mới cho công tác PBGDPL.

Đặc biệt, Thành phố đã gắn Ngày Pháp luật với thực hiện Chủ đề “Năm trật tự văn minh đô thị”, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh... Một kết quả phấn khởi là chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Hà Nội không ngừng được nâng cao, năm 2013 đã xếp thứ 5 trong số các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 2 bậc so với năm 2012.   

* Từng là Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi triển khai Ngày Pháp luật đầu tiên theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, nay đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cảm xúc của ông khi triển khai Ngày Pháp luật năm 2014 thế nào?

-Tôi rất xúc động khi thấy Ngày Pháp luật ngày càng nhận được sự quan tâm hưởng ứng của cả Hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Tôi rất tâm đắc với với phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ công bố Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2013: “Việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, vì vậy cần phải coi trọng cả việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Việc tổ chức Ngày pháp luật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước”. Với nhiệm vụ mới, tôi đã chỉ đạo tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm nay với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân, về hiệu quả thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

                                  Hồng Thúy

  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text