*Điều ông tâm đắc nhất sau nhiều năm gắn bó với công tác PBGDPL là gì, thưa ông?
- Điều mà tôi tâm đắc chính là thấy công tác PBGDPL ngày càng được Đảng, Nhà nước, xã hội quan tâm và nhân dân ủng hộ. Nhìn lại lịch sử có thể thấy, công tác PBGDPL đã được nói đến từ nhiều năm, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 7, lần thứ 8 đã có chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL. Từ những năm 80 của thế kỷ 20 chúng ta đã có khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Khẩu hiệu đó đến nay vẫn hiện hữu ở các cơ quan, công sở. Nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác PBGDPL cũng ngày càng chuyển biến. Từ nhận thức rõ hơn thì sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư về con người, cơ sở vật chất, kinh phí… cho công tác BPGDPL cũng được quan tâm hơn.
Có thể thấy, hình thức PBGDPL từ trung ương tới cơ sở ngày càng đa dạng. Nhất là ở cấp tỉnh, cấp huyện, những người làm công tác PBGDPL luôn sáng tạo ra các hình thức PBGDPL mới cho phù hợp với thực tế địa phương.
Nhưng điều mà tôi tâm đắc nhất chính là thể chế trong công tác PBGDPL ngày càng được hoàn thiện, trong đó có việc Quốc hội thông qua Luật PBGDPL vào ngày 20/06/2012. Trước kia, tuy công tác PBGDPL đã được quan tâm nhưng thể chế cho công tác này chưa đồng bộ. Trước khi có Luật PBGDPL, chúng ta mới chỉ có một số câu trong các văn kiện Đại hội Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Chương trình của Chính phủ về công tác này. Nhưng để có 1 văn bản pháp lý điều chỉnh tất cả những vấn đề liên quan đến công tác PBGDPL thì phải đến Luật PBGDPL mới làm được. Luật PBGDPL đã quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác PBGDPL; các hình thức, nội dung PBGDPL; các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL… Sau khi Luật PBGDPL được thông qua, Chính phủ tiếp tục có Nghị định và các cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn chi tiếtviệc thực hiện các quy định của Luật nên công tác PBGDPL ngày càng hiệu quả. Một trong những ví dụ nhìn rõ nhất là việc triển khai Ngày Pháp luật theo quy định của Luật đang ngày càng đi vào nền nếp.
* Ông có kỷ niệm nào về Ngày Pháp luật không?
- Tôi có rất nhiều kỷ niệm về Ngày Pháp luật, bởi quá trình làm Luật PBGDPL rất khó khăn. Khi đó, tôi là Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật PBGDPL. Vì trên thế giới chưa có nước nào có Luật PBGDPL nên khi báo cáo với Chính phủ, kể cả sau này khi dự thảo Luật đã trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội, rồi Quốc hội, vẫn có ý kiến chất vấn tại sao các nước không có luật PBGDPL mà Việt Nam phải có. Rồi tại sao lại là Ngày Pháp luật chứ không phải là Ngày Hiến pháp như một số nước đã quy định? Quốc hội đã phải biểu quyết riêng điều về Ngày Pháp luật trước khi xin ý kiến thông qua toàn văn dự thảo luật. Kết quả là Quốc hội đã thống nhất rất cao với quy định phải có Ngày Pháp luật.
Thế điều gì đã thuyết phục được Quốc hội thông qua quy định về Ngày Pháp luật, thưa ông?
- Chính là hiệu quả từ thực tiễn triển khai Ngày Pháp luật ở các địa phương và nhu cầu PBGDPL của nhân dân. Ngày Pháp luật bắt nguồn từ sáng kiến của một vài địa phương như Hà Tây, Long An, Tiền Giang… trong quá trình tìm tòi những hình thức PBGDPL hiệu quả. Nhận thấy đây là một cách làm hay, năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Rất mừng là sau khi có hướng dẫn của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ thì 63/63 tỉnh, thành phố và 6 Bộ, ngành trung ương đã có văn bản hướng dẫn chỉ đạo và tổ chức Ngày pháp luật. Nhiều bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn nhưng vẫn tổ chức Ngày Pháp luật. Qua theo dõi thì Ngày Pháp luật đã được thực hiện rộng khắp và có hiệu quả. Đây chính là kết quả thuyết phục được Quốc hội thông qua điều luật này.
* Cá nhân ông có thấy vui không khi Ngày Pháp luật được quy định vào Luật?
- Không những vui mà tôi còn cảm thấy rất tự hào. Đi công tác ở nhiều địa phương, thấy nhiều cơ quan, trụ sở treo khẩu hiệu “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” hay tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, tôi rất xúc động.
* Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Ngày Pháp luật qua 2 năm được triển khai thực hiện?
- Ngày Pháp luật đang khẳng định một dấu ấn rõ nét trong công tác PBGDPL, tác động rất tích cực đến nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan chức năng. Tôi tin là Ngày Pháp luật sẽ được duy trì tổ chức thường xuyên, thành nền nếp. Rõ ràng có một ngày cao điểm để nhắc nhở mọi người tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật thì công tác PBGDPL sẽ được chú trọng hơn. Đó là một thành công.
* Nhưng có Luật PBGDPL, có một Ngày Pháp luật rồi, liệu công tác PBGDPl đã hết bất cập, hạn chế, thưa ông?
- Phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về pháp luật phải là một công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài. Hạn chế của chúng ta trong công tác PBGDPL hiện nay vẫn còn nhiều, đặc biệt là việc vươn tới cơ sở của công tác này vẫn còn chưa hiệu quả. Tôi cho rằng, muốn PBGDPL hiệu quả thì phải đi từ cái nhỏ, cái thiết thực nhất đối với người dân.
* Ông mong muốn gì trong Ngày Pháp luật năm nay?
- Trọng tâm của Ngày Pháp luật năm nay gắn với việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, bởi vậy, tôi mong các quy định của Hiến pháp được phổ biến sâu rộng tới tất cả nhân dân, đặc biệt là các quy định mới để nhân dân nghiêm túc thực hiện. Quan trọng nhất là Hiến pháp phải “ngấm” được vào mỗi người dân thì mới mong người dân tôn trọng và tự giác tuân thủ Hiến pháp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Thúy (thực hiện)