Ngày Pháp luật tạo chuyển biến trong học tập, chấp hành luật pháp luật ở Lâm Đồng

24/10/2021
Ngày Pháp luật tạo chuyển biến trong học tập, chấp hành luật pháp luật ở Lâm Đồng
Từ chỗ mới mẻ, chưa được nhiều người dân quan tâm, Ngày Pháp luật (9/11) hàng năm đến nay đã thẩm thấu vào đời sống xã hội, tạo chuyển biến trong ý thức tự giác học tập, tìm hiểu và chấp hành tốt pháp luật, góp phần vào sự ổn định, phát triển của tỉnh Lâm Đồng.
Thực hiện Ngày Pháp luật thiết thực, hiệu quả
Được triển khai từ năm 2013 đến nay, Ngày Pháp luật đã hướng tới mục tiêu thực chất hơn, nhằm tạo chuyển biến trong ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Qua đó phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn; đáp ứng nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Năm 2021, theo Kế hoạch số 7347/KH-UBND hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam của UBND tỉnh Lâm Đồng, các hoạt động phải đảm bảo mục đích và yêu cầu trong công tác xây dựng phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Qua đó tạo chuyển biến trong ý thức tự giác tìm hiểu, học tập pháp luật, tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu triển khai các nội dung theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 03/9/2020 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Kế hoạch của UBND tỉnh đã xác định cụ thể từng chủ đề để tổ chức, thực hiện Ngày Pháp luật sao cho thiết thực, hiệu quả. Theo đó, tùy vào điều kiện, tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và tình hình diễn biến dịch Covid-19 để lựa chọn hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật phù hợp.

Để ý nghĩa của Ngày Pháp luật được lan toả sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, UBND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới, đa dạng các hình thức hưởng ứng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức.
 
Nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, ngành
Theo UBND tỉnh, thực hiện tốt, có hiệu quả Ngày Pháp luật là gắn với đổi mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Bởi công tác PBGDPL là khâu đầu tiên của quá trình thi hành Hiến pháp và pháp luật. Hoạt động PBGDPL có vai trò quan trọng trong việc tăng cường pháp chế XHCN và xây dựng con người XHCN có ý thức chấp hành pháp luật, hình thành nếp sống theo Hiến pháp, pháp luật.

Hiện nay, vai trò làm chủ của người dân ngày càng được khẳng định; Đảng, Nhà nước luôn xem đó là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng trở thành chuẩn mực trong ứng xử của người dân, đồng thời nhu cầu tham gia của người dân vào hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật ngày càng gia tăng.

Trên địa bàn Lâm Đồng, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật luôn được tỉnh quan tâm, quán triệt đến các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn. Sở Tư pháp Lâm Đồng cũng đã tích cực tuyên truyền, tham mưu, hướng dẫn các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, để sự kiện này trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật ngày càng có vai trò đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc, an toàn xã hội và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Đặc biệt là ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là tuân thủ, chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ; tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền địa phương và cán bộ, công chức, viên chức.

Với những ý nghĩa như vậy, Lâm Đồng xác định tiếp tục đổi mới hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần vào thành công chung của sự nghiệp phát triển địa phương.

Tập trung tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Tỉnh đoàn Lâm Đồng phối hợp Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch liên tịch “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông bằng mô hình Chibi” hưởng ứng chủ đề Năm An toàn giao thông (ATGT) 2021 với nội dung cụ thể như sau: Tập trung tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ATGT, chủ đề Năm ATGT 2021 và tuyên truyền về tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó chú trọng tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông để hình thành văn hóa tham gia giao thông, nhất là đối với giao thông đường bộ; cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, người dân; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, ATGT; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATGT tại các địa phương và cả nước.

Đồng thời tuyên truyền về quy tắc tham gia giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả do tai nạn giao thông gây ra…; tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; các mức độ nguy cơ gây tai nạn giao thông khi uống rượu, bia nhằm nâng cao ý thức của tất cả người tham gia giao thông: “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử 


  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text