“Ngày Pháp luật đã và đang thẩm thấu trong đời sống, trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước”

09/11/2020
“Ngày Pháp luật đã và đang thẩm thấu trong đời sống, trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước”
Năm 2020 là năm thứ 07 thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam theo tinh thần của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Ngày Pháp luật đã được triển khai trên phạm vi cả nước như thế nào, đâu là điểm nhấn trong năm nay và để Ngày Pháp luật ngày càng thực chất, hiệu quả cần những giải pháp gì trong thời gian tới? Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.

Tập trung những vấn đề dư luận xã hội quan tâm
-Thưa Thứ trưởng, năm 2020 là năm thứ 07 hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Xin Thứ trưởng cho biết những hoạt động điểm nhấn trong hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 ?
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh:
Qua 07 năm triển khai hưởng ứng, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam) đã và đang thẩm thấu trong đời sống, trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Năm nay, Bộ Tư pháp nhận thấy hầu hết cácthiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
 
Điểm mới trong hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 là các hoạt động triển khai rộng khắp, được các bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, địa phương tích cực tham gia với nhiều hình thức phong phú, có điểm nhấn như: Tổ chức Lễ mít tinh (Bộ Công an, TP Hà Nội, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh…); Chương trình tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên dưới hình thức sân khấu hoá (Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia); Thi, giao lưu pháp luật và tổng kết các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật (Bộ Tư pháp, Uỷ ban Dân tộc, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ …);
 
Bên cạnh đó, điểm nhấn quan trọng trong hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay là chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật như: Tọa đàm về “Sự cần thiết, mô hình và giải pháp xây dựng hệ sinh thái PBGDPL trên thiết bị di động tại Việt Nam” gắn với chủ trương hướng tới phổ cập thiết bị di động thông minh cho toàn dân (Bộ Tư pháp); tổ chức các Cuộc thi trực tuyến như “Pháp luật học đường”, “Pháp luật với mọi người” (Bộ Tư pháp, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, TP Hà Nội…) qua đó đã lan toả sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước.
 
PV: Xin Thứ trưởng đánh giá về sự tham gia của những người làm công tác pháp luật đối với công tác PBDGPL nói chung, hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng trong thời gian vừa qua?
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh:
Thời gian vừa qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã có sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, trong đó có những người làm công tác pháp luật. Người làm công tác pháp luật có thể là cán bộ nội chính, tư pháp, tòa án, kiểm sát, thanh tra; cán bộ làm công tác pháp luật trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân; cán bộ pháp chế các cấp; luật sư, luật gia, công chứng viên, thừa phát lại… Đội ngũ những người làm công tác pháp luật là những những người có kiến thức chuyên sâu, có kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực pháp luật. Sự tham gia PBGDPL của đội ngũ này trước tiên là trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; tham mưu quản lý nhà nước về PBGDPL; tham gia với vai trò là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thông qua hoạt động phổ biến pháp luật trực tiếp; hoặc có thể thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ công tác hoà giải ở cơ sở, nhưng quan trọng hơn, họ là những người gắn kết công tác PBGDPL với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn pháp luật hằng ngày, nhất là trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đây chính là giải pháp căn cơ, hiệu quả, thực chất và lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL mà sự tham gia vào các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chỉ là đợt cao điểm trong năm nhằm tạo ra điểm nhấn tôn vinh Hiến pháp và pháp luật.

Ngày Pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, toàn diện.
PV: Để Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng thực chất, hiệu quả, theo Thứ trưởng cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gì trong thời gian tới theo tinh thần đổi mới của Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân?
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh:
Trong những năm tới, Đảng ta chủ trương “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”; đồng thời, cần gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, Ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ có mục tiêu rất quan trọng là tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà sâu xa hơn là đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng, chấp hành pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; lối sống văn hoá, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, thiết thực đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, cần tập trung triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Một là, tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển xã hội cũng như ý nghĩa của việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam cần bám sát theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.

- Hai là, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, đa dạng hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với đổi mới nội dung, hình thức triển khai công tác PBGDPL, tránh phô trương, hình thức để đây thực sự trở thành việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Nội dung, hình thức tổ chức thực hiện cần phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; gắn việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, báo chí, các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở, cổ động trực quan; chú trọng tổ chức đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trong hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

- Ba là, Ngày Pháp luật Việt Nam phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, toàn diện; không chờ đến ngày này mới tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Ngày 09 tháng 11 chỉ là điểm cao trào tổ chức các hoạt động trong năm, là dịp để nhìn nhận, xem xét, đánh giá những việc đã làm, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả; từ đó đề ra các nhiệm vụ tiếp theo; bên cạnh đó cũng cần quan tâm khen thưởng, tôn vinh những tấm gương sáng, điển hình trong xây dựng pháp luật, tuyên truyền, PBGDPL, tổ chức thi hành pháp luật. Phát huy vị trí, vai trò, nâng cao năng lực, kỹ năng PBGDPL của người làm công tác pháp luật nói chung, nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL nói riêng, nhất là đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động trong tìm hiểu và gương mẫu trong thực thi pháp luật; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với thông tin, phổ biến pháp luật tới Nhân dân; đồng thời, vận động, khuyến khích công dân tìm hiểu, sử dụng, chấp hành, tuân thủ pháp luật, coi đây là nhu cầu tự thân hằng ngày.

- Bốn là, Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, PBGDPL; trực tiếp phục vụ cho quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng pháp luật ngày càng đầy đủ, phù hợp với thực tế, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, có chi phí tuân thủ thấp; nâng cao hiệu quả, hiệu lực thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát; tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, triệt để loại bỏ tham nhũng, mọi hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

- Năm là, xây dựng các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật cần hướng tới nhóm đối tượng đặc thù bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, sáng tạo, phong phú để mọi người đều được tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật; dễ dàng tiếp cận pháp luật; gắn với phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng, công tác PBGDPL nói chung; tiếp tục phát huy các sáng kiến trong việc triển khai, xây dựng và phát triển các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm; phát huy vai trò của nhà trường, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, các tổ chức hành nghề luật tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

- Sáu là, tăng cường các biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả thi hành Luật PBGDPL để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả trong triển khai công tác PBGDPL nói chung, tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng. Phát huy dân chủ, vận động, thu hút quần chúng nhân dân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện, bảo vệ pháp luật; khuyến khích, hỗ trợ cho việc thành lập các tổ chức tự quản ở cơ sở có mục đích bảo vệ an ninh trật tự, tăng cường chấp hành pháp luật. Đây là những việc làm thiết thực động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam./.

-Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
PV Thu Hằng - Báo PLVN


  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text