Dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các nội dung về (1) khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập phòng trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; (2) đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, đấu giá, đẩy mạnh thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP, Luật công chứng và Luật đấu giá tài sản với lộ trình phù hợp, bảo đảm sự dẫn dắt, định hướng hoạt động sự nghiệp cũng như an toàn pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư, kịp thời ban hành ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh góp ý về nội dung dự thảo Thông tư và các tài liệu kèm theo, đặc biệt là cho ý kiến đối với các Phương án kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan tư pháp địa phương và định hướng phát triển của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp.
Văn bản góp ý xin gửi về Bộ Tư pháp (qua Vụ Tổ chức cán bộ)
trước ngày 30/7/2018 để tổng hợp, chỉnh lý, kịp thời ban hành theo quy định.