QUY?T Đ?NHQUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Ban bành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng
cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em
bị buôn bán từ nước ngoài trở về
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 17/01/2007
của Thủ tướng Chính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về trình tự, thủ tục, chế độ chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng đối với phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.
Điều 2. Đối tượng tiếp nhận
1. Phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về (sau đây gọi tắt là nạn nhân) có quốc tịch Việt Nam trước khi bị buôn bán ra nước ngoài đã có nơi thường trú tại Việt Nam.
2. Trẻ em là con của nạn nhân được quy định tại khoản 1 Điều này, có quốc tịch Việt Nam.
Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng
1. Việc tiếp nhận đối với nạn nhân do phía nước ngoài trao trả phải qua xác minh của Bộ Công an (hoặc Công an tỉnh biên giới do Bộ Công an uỷ quyền). Đối với nạn nhân được giải cứu và nạn nhân trở về qua biên giới mà không do nước ngoài trao trả thì phải được Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh xác minh.
2. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không phân biệt đối xử đối với nạn nhân.
3. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Nạn nhân quy định trong Quy chế này là phụ nữ, trẻ em bị một người hay một nhóm người sử dụng vũ lực, đe dọa sử dựng vũ lực hay những hình thức ép buộc khác, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hay địa vị, tình trạng dễ bị tổn thương để mua bán (giao, nhận tiền hoặc giao, nhận một lợi ích vật chất khác) đưa ra nước ngoài nhằm mục đích bóc lột (cưỡng bức bán dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc làm việc như tình trạng nô lệ hoặc lấy đi các bộ phận trên cơ thể).
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TIẾP NHẬN NẠN NHÂN
Điều 5. Cơ quan tiếp nhận thông tin về nạn nhân
Cơ quan đại điện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý thông tin về nạn nhân do phía nước ngoài cung cấp.
Điều 6. Xử lý thông tin về nạn nhân
1. Bộ Công an (hoặc Công an tỉnh biên giới được Bộ Công an uỷ quyền) chịu trách nhiệm xác minh, trả lời đối với những thông tin về nạn nhân đang ở nước ngoài theo văn bản đề nghị của phía nước ngoài hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian xác minh, trả lời không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
2. Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm xác minh đối với những thông tin về nạn nhân được giải cứu hoặc nạn nhân tự trở về qua biên giới mà không do nước ngoài trao trả. Thời gian xác minh, trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nạn nhân được giải cứu hoặc được phát hiện.
Điều 7. Thủ tục tiếp nhận
1. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ khi nhận được kết quả xác minh, Bộ Công an (hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Công an uỷ quyền), Bộ đội Biên phòng tỉnh phải thông báo cho cơ quan quy định tại Điều 5 Quy chế này để trả lời cho phía nước ngoài danh sách nạn nhân đồng ý tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận (ghi rõ lý do không tiếp nhận), thống nhất thời gian, địa điểm và tổ chức tiếp nhận.
2. Sau khi tiếp nhận nạn nhân trở về, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm tiến hành các thủ tục làm rõ nhân thân, lai lịch, lý do bị mua bán; lập hồ sơ cá nhân của từng nạn nhân để quản lý, thống kê, theo dõi.
3. Bộ Công an (hoặc Công an tỉnh biên giới được Bộ Công an ủy quyền) cấp giấy chứng nhận về nước cho nạn nhân để sử dụng đi đường và về địa phương làm thủ tục đăng ký lại hộ khẩu thường trú.
Điều 8. Xác nhận đối với nạn nhân tự trở về không qua tiếp nhận
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân tự trở về không qua tiếp nhận có trách nhiệm thu thập thông tin, lập hồ sơ và làm văn bản chuyển Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện xác nhận, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị xác định nạn nhân.
2. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ và văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp danh sách nạn nhân và làm văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời chính thức bằng văn bản kết quả xác minh để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, ra quyết định giải quyết theo thẩm quyền.
Điều 9. Hỗ trợ sau khi tiếp nhận
Trong thời hạn tối đa 03 ngày, kể từ ngày tiếp nhận nạn nhân, cơ quan tiếp nhận phải tiến hành giải quyết việc hỗ trợ nạn nhân như sau:
1. Nạn nhân có nguyện vọng trở về gia đình thì thông báo cho gia đình, chính quyền (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) nơi người đó cư trú và hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đường để họ tự trở về.
2. Nạn nhân cần chăm sóc về sức khỏe, tâm lý trước khi tái hòa nhập cộng đồng, nạn nhân là trẻ em thì cơ quan tiếp nhận bàn giao cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tiếp nhận để tiếp tục chăm sóc tại các cơ sở hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân (sau đây gọi tắt là cơ sở hỗ trợ nạn nhân).
Riêng đối với nạn nhân là trẻ em, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm thông báo cho thân nhân nhận hoặc bố trí người đưa về nơi thân nhân cư trú; trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa thì phối hợp với các cơ quan liên quan làm thủ tục chuyển sang cơ sở bảo trợ xã hội quản lý, nuôi dưỡng.
Chương III
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ TIẾP NHẬN,
CƠ SỞ HỖ TRỢ NẠN NHÂN
Điều 10. Cơ sở tiếp nhận nạn nhân
1. Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế, Công an huyện biên giới do Công an tỉnh, thành phố được Bộ Công an ủy quyền lựa chọn, đồn Biên phòng cửa khẩu tổ chức cơ sở tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài trở về.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể và quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của cơ sở tiếp nhận nạn nhân theo quy định tại Quy chế này.
Điều 11. Nhiệm vụ của cơ sở tiếp nhận nạn nhân
1. Tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài trở về.
2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Hội Phụ nữ nơi tiếp nhận tổ chức hỗ trợ ban đầu về ăn, ở, sức khỏe và tư vấn cho nạn nhân; bàn giao nạn nhân cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tiếp nhận.
Điều 12. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân
1. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân là đơn vị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cửa khẩu biên giới thành lập. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thống nhất quản lý nhà nước đối với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc sử dụng các cơ sở xã hội, cơ sở chữa bệnh thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương để phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân.
3. Tùy điều kiện, tình hình thực tế của công tác tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định quy mô, nội quy và biên chế cán bộ (hoặc sử đụng đội ngũ cán bộ của cơ sở xã hội, cơ sở chữa bệnh) để phục vụ cho công tác này.
Điều 13. Nhiệm vụ của cơ sở hỗ trợ nạn nhân
1. Tổ chức hỗ trợ về sức khỏe, tâm lý, giáo dục cho nạn nhân sau khi tiếp nhận phù hợp với lứa tuổi, nguyện vọng của nạn nhân và khả năng đáp ứng của cơ sở.
2. Giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho nạn nhân.
3. Đánh giá khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân, cung cấp các thông tin về chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng.
4. Hỗ trợ các cơ quan liên quan tiếp tục xác minh nhân thân, địa chỉ và đưa nạn nhân trở về gia đình, cộng đồng.
Điều 14. Thời gian lưu trú của nạn nhân tại cơ sở tiếp nhận nạn nhân và cơ sở hỗ trợ nạn nhân
1. Thời gian nạn nhân lưu trú tại các cơ sở tiếp nhận nạn nhân không quá 15 ngày, kể từ ngày được tiếp nhận.
2. Thời gian nạn nhân lưu trú tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân không quá 30 ngày; đối với nạn nhân cần hỗ trợ về sức khoẻ, giáo dục, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì thời gian lưu trú có thể dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày được tiếp nhận.
Chương IV
CHẾ ĐỘ VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NẠN NHÂN
Mục 1
CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP TẠI CƠ SỞ TIẾP NHẬN NẠN NHÂN,
CƠ SỞ HỖ TRỢ NẠN NHÂN VÀ NẠN NHÂN ĐƯỢC NƯỚC NGOÀI TÀI TRỢ,
NẠN NHÂN ĐANG Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 15. Chế độ quản lý
Nạn nhân lưu trú tại cơ sở tiếp nhận nạn nhân và cơ sở hỗ trợ nạn nhân phải chịu sự quản lý, tuân thủ nội quy của cơ sở và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 16. Chế độ trợ cấp
1. Nạn nhân sau khi tiếp nhận được cấp một lần quần áo, chăn màn, vật dụng cá nhân cần thiết.
2. Định mức ăn hàng tháng của nạn nhân tại cơ sở tiếp nhận nạn nhân và cơ sở hỗ trợ nạn nhân được áp dụng như đối tượng tại các cơ sở xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
3. Trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận, nạn nhân được sắp xếp chỗ ở phù hợp với lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe.
4. Nạn nhân khi trở về địa phương được hỗ trợ tiền tàu xe, trợ cấp tiền ăn trong thời gian đi đường, được hưởng các chính sách hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng theo quy định.
Điều 17. Chế độ hỗ trợ y tế
1. Đối với nạn nhân phải điều trị để phục hồi sức khoẻ thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám bệnh, tiền thuốc chữa trị.
2. Chi phí điều trị trong thời gian nằm viện do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chi trả từ nguồn ngân sách hỗ trợ nạn nhân theo quy định về mức thu một phần viện phí tại các cơ sở y tế công lập.
Điều 18. Chế độ đối với nạn nhân bị chết trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ nạn nhân
Trong thời gian lưu trú, nếu nạn nhân bị chết thì cơ sở tiếp nhận nạn nhân hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân phải báo ngay cho cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan liên quan nơi sở tại, thân nhân (nếu có) để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Hỗ trợ đối với nạn nhân được tiếp nhận theo thoả thuận song phương và nạn nhân ở nước ngoài
1. Nạn nhân về nước có sự tài trợ của nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế thì được hưởng các chế độ theo quy định tại thỏa thuận với nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế liên quan.
2. Nạn nhân do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu xếp về nước mà không được phía nước ngoài tài trợ thì ngoài việc được hưởng các chế độ dành cho nạn nhân sau khi tiếp nhận sẽ được xem xét hỗ trợ chi phí về nước và chi phí ăn, ở trong thời gian chờ thu xếp về nước.
Mục 2
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG
Điều 20. Hỗ trợ về tâm lý
Các cơ quan chức năng khi thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân cần có các biện pháp nhằm giúp nạn nhân ổn định về tâm lý ngay từ khi tiếp nhận và trong suốt quá trình hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng.
Điều 21. Hỗ trợ về thủ tục pháp lý
Nạn nhân trở về nơi cư trú được xem xét cấp lại hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Trẻ em là con của nạn nhân đi cùng mẹ nếu chưa có giấy khai sinh thì được làm thủ tục khai sinh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 22. Hỗ trợ học văn hóa, học nghề
1. Nạn nhân là trẻ em nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên.
2. Nạn nhân khi trở về địa phương thì được xem xét, hỗ trợ học nghề. Việc tổ chức dạy nghề do hệ thống các Trung tâm Dạy nghề tại địa phương thực hiện.
Điều 23. Trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn
1. Nạn nhân khi trở về nếu thuộc hộ nghèo hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.
2. Nạn nhân nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo theo quy định của pháp luật.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Bộ Lao động - Thương binh và Xã bội
1. Chủ trì công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) thực hiện công tác hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân tại các cơ sở tiếp nhận.
2. Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trọ nạn nhân; hướng dẫn việc thành lập và tổ chức hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân, chế độ hỗ trợ học nghề, hỗ trợ vốn vay; chỉ đạo thực hiện các hoạt động hỗ trợ nạn nhân do Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng bàn giao; hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân tại các cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, xác nhận nạn nhân tự trở về không qua tiếp nhận.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức thực hiện việc thống kê, khảo sát tình hình nạn nhân trở về, đánh giá công tác tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân, định kỳ báo cáo Chính phủ.
4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hỗ trợ nạn nhân; lập dự án trình Chính phủ quyết định trong trường hợp có tài trợ của nước ngoài.
Điều 25. Bộ Công an
1. Chủ trì công tác tiếp nhận đối với nạn nhân trở về theo thoả thuận song phương với các nước hoặc thông qua đường ngoại giao; trực tiếp tiếp nhận tại cửa khẩu hàng không, phối hợp với Bộ Quốc nhòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) tiếp nhận tại cửa khẩu khu vực biên giới.
2. Chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân.
3. Chỉ đạo Công an các tỉnh biên giới bố trí nơi tiếp nhận và hướng dẫn công tác tiếp nhận nạn nhân do phía nước ngoài trao trả; chỉ đạo kiểm tra, rà soát số nạn nhân trở về để đăng ký lại hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân.
4. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo thống kê, xác nhận số nạn nhân tự trở về. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiếp nhận theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 26. Bộ Quốc phòng
1. Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì công tác tiếp nhận đối với nạn nhân được giải cứu, nạn nhân trở về qua biên giới mà không qua nước ngoài trao trả; trực tiếp hoặc phối hợp với Bộ Công an tiếp nhận nạn nhân do nước ngoài trao trả tại cửa khẩu khu vực biên giới theo thoả thuận song phương với các nước hoặc thông qua đường ngoại giao.
2. Chỉ đạo lực lượng Biên phòng cấp tỉnh có khu vực biên giới tổ chức cơ sở tiếp nhận tại các đồn Biên phòng.
Điều 27. Bộ Ngoại giao
Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan liên quan của nước ngoài trong việc xác minh, tiếp nhận và bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân đang ở nước ngoài, thực hiện việc hợp tác quốc tế trong việc tiếp nhận nạn nhân.
Điều 28. Bộ Tư pháp
1. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân; hướng dẫn về thủ tục khai sinh cho trẻ em là con của nạn nhân.
2. Phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
Điều 29. Bộ Tài chính
1. Bố trí kinh phí cho các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Bộ Ngoại giao quy định cụ thể về các mức hỗ trợ nạn nhân, chi phí cho các hoạt động xác minh, tiếp nhận nạn nhân và hướng dẫn sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài.
Điều 30. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí ngân sách trong kế hoạch kinh phí hàng năm, trình Thủ tướng Chỉnh phủ xem xét, phê duyệt. Xây dựng cơ chế hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách trong việc xây dựng, nâng cấp các cơ sở xã hội để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về.
Điều 31. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em
Chỉ đạo cơ quan Dân số, Gia đình và Trẻ em các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em là nạn nhân và trẻ em là con của phụ nữ bị buôn bán từ nước ngoài trở về; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quyền trẻ em (nạn nhân và con của nạn nhân) sau khi tái hòa nhập cộng đồng.
Điều 32. Bộ Y tế
Hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan ở địa phương tổ chức khám, chữa bệnh cho nạn nhân khi có yêu cầu của cơ sở tiếp nhận nạn nhân, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Điều 33. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội phối hợp với các ngành chức năng thực hiện địch vụ hỗ trợ nạn nhân trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Điều 34. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương thực hiện các hoạt động tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân.
2. Bố trí kinh phí cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng. Tổ chức huy động các nguồn lực ở địa phương để giúp nạn nhân ổn định cuộc sống.
3. Chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các quy định về báo cáo, thống kê trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân.
Điều 35. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí thực hiện hoạt động tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bao gồm:
a) Chi đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân;
b) Chi cho việc tổ chức các hoạt động xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân của các cơ quan chức năng;
c) Chi hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân theo quy định tại Mục 1 và 2 Chương IV Quy chế này.
2. Nguồn kinh phí chi cho các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật./.