SắC LệNHSẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
SỐ 149/SL NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 1953
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận,
RA SẮC LỆNH:
Điều 1
Để bồi dưỡng lực lượng cho nông dân về mặt vật chất và tinh thần, đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến, nay định chính sách ruộng đất như sau:
CHƯƠNG I
NỘI DUNG CHÍNH SÁCH RUỘNG ĐẤT
MỤC I - GIẢM TÔ VÀ LĨNH CANH RUỘNG ĐẤT
A- GIẢM TÔ:
Điều 2
Các địa chủ, các đoàn thể có ruộng đất cho phát canh thu tô đều phải giảm tô. Phú nông có ruộng đất cho phát canh thu tô cũng phải giảm tô.
Điều 3
Bất kỳ tô rẽ hay tô đóng đều phải giảm 25%, căn cứ vào mức tô trước Cách mạng tháng Tám (không kể khoản tô mà các chủ ruộng đất đã tăng lên hồi phải nộp thóc cho Nhật).
Nhưng nếu tô trước quá nặng, thì phải giảm hơn 25% để cho khi đã giảm rồi, số địa tô còn được thu không quá 1/3 số thu hoạch. Trong trường hợp vì ruộng xấu, đất xấu hoặc khó làm, tốn nhiều công, thì có thể phải giảm tới 50% hoặc hơn nữa. Việc này sẽ do Nông hội hoặc hội nghị nông dân bình nghị và quyết định.
Điều 4
Ngoài địa tô chính, chủ ruộng không được thu một thứ địa tô phụ nào khác. Cấm lấy tô đồng loạt và thu tô trước vụ canh tác. Cấm lấy tô khống, tô nhân công, tô đất thổ cũ.
Điều 5
Chủ ruộng không được vì một lý do gì mà tăng tô.
Điều 6
Kể từ ngày có sắc lệnh giảm tô số 78-SL ngày 14 tháng 7 năm 1949, chủ ruộng đất nào chưa giảm, hoặc chưa giảm đúng mức, hoặc đã tăng tô, đều phải tính cho đúng để trả cho nông dân số tô đã lấy thừa (thoái tô).
Điều 7
Ngoài việc thoái tô nói trên, các chủ ruộng nào đã quịt tiền công của nông dân đều phải trả lại hết cho nông dân.
Điều 8
Nếu tá điền gặp thiên tai địch hoạ, thu hoạch bị tổn thất thì chủ ruộng phải giảm tô thêm nữa, hoặc miễn hẳn tô. Miễn, giảm bao nhiêu do Nông hội hoặc hội nghị nông dân bình nghị.
Điều 9
Đối với những người có ít ruộng, không tự cày lấy được, phải phát canh thu tô, mà mức sinh hoạt chỉ bằng trung nông trở xuống (gia đình tử sĩ, thương binh, bệnh binh, chiến sĩ thoát ly nghèo; người già cả, tàn tật, mồ côi, goá bụa, gia đình trung bần nông thiếu sức lao động; công nhân, tiểu thương, tiểu chủ, người làm nghề tự do bận làm nghề chính của mình) thì việc giảm tô do Nông hội dàn xếp, hai bên chủ ruộng và người cày thoả thuận và chỉ phải giảm ít hay không phải giảm. Việc thoái tô không đặt ra đối với những trường hợp trên đây.
Điều 10
Sau khi chủ ruộng đã thi hành đúng việc giảm tô thì tá điền phải nộp tô đúng cho chủ ruộng.
B- LĨNH CANH RUỘNG ĐẤT:
Điều 11
Chủ ruộng cho phát canh phải cùng với tá điền làm giao kèo lĩnh canh. Mỗi thời hạn lĩnh canh ít nhất là 5 năm.
Việc làm giao kèo lĩnh canh này không áp dụng với những trường hợp kể ở Điều 9.
Điều 12
Khi cho lĩnh canh, chủ ruộng không được bắt tá điền nộp các khoản đặt cọc.
Điều 13
Cấm chế độ quá điền.
Điều 14
Khi chủ ruộng bán ruộng đất:
a) Tá điền đang lĩnh canh có quyền mua trước và trả tiền dần.
b) Tá điền có quyền đòi chủ ruộng đất trả công khai phá, kiến thiết thuỷ lợi hoặc đã có công làm tăng năng suất ruộng đất.
Điều 15
Bất kỳ chủ ruộng bán hay chuyển dịch ruộng đất bằng mọi hình thức nào, tá điền đang lĩnh canh vẫn có quyền được tiếp tục cày cấy đến hết hạn lĩnh canh.
Điều 16
Chủ ruộng không được vì giảm tô mà lấy lại ruộng đất, vườn tược, trâu bò, hoặc nhà cửa, mà tá điền đã lĩnh của chủ ruộng.
MỤC II - GIẢM TỨC
Điều 17
Nay xoá bỏ không trả những món nợ như sau:
1- Nợ mà nông dân vay từ trước Cách mạng tháng Tám.
2- Nợ mà đến ngày ban hành sắc lệnh này nông dân đã trả gấp đôi số vốn.
3- Nợ mà nông dân vay những người đã bị kết án là Việt gian.
4- Nợ mà chiến sĩ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích, cán bộ chính quyền, đoàn thể, thanh niên xung phong, dân công đã vay, nếu những người này đã tử trận hay bị hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ.
Điều 18
Được hoãn các món nợ như sau, và suốt trong thời gian được hoãn không phải trả lại:
1- Nợ mà nông dân vay những người hiện ở trong vùng tạm bị chiếm;
2- Nợ mà các chiến sĩ đang tòng ngũ và cán bộ quân, dân, chính nghèo đã vay từ trước ngày ban hành sắc lệnh này: được hoãn suốt trong thời kỳ tòng ngũ hoặc suốt trong thời gian làm công tác;
3- Nợ mà người vay là nông dân bị thiệt hại vì thiên tai, địch hoạ, không thể trả được: được hoãn từ một đến ba năm.
Điều 19
Đối với những món nợ mà nông dân đã vay của địa chủ từ trước ngày ban hành sắc lệnh này và không thuộc những trường hợp nói ở điều 17 và điều 18, thì được giảm lợi suất xuống: 18% nếu là vay tiền, 20% nếu là vay thóc. Tổng số lãi phải trả chỉ được bằng số vốn.
Đối với những món nợ mà nông dân vay của phú nông thì việc giảm tức kể từ ngày ban hành sắc lệnh giảm tức số 89-SL ngày 22 tháng 5 năm 1950 trở về trước. Mức giảm cũng như đối với nợ vay của địa chủ.
Điều 20
Sau khi các món nợ đã được xoá, được hoãn, được giảm, thì chủ nợ phải trả lại hết cho người vay những tài sản, đồ vật mà người vay đã đem cầm nợ hoặc chủ nợ đã bắt nợ của người vay.
Điều 21
Sự vay mượn giữa trung nông, bần nông, cố nông với nhau và sự vay mượn để làm ăn về công thương nghiệp đều không kể trong phạm vi các điều quy định về giảm tức nói trên.
Điều 22
Từ nay về sau, đối với việc vay mượn, do hai bên thoả thuận, theo nguyên tắc có vay có trả, có vốn có lãi. Chính phủ không quy định mức lãi, nhưng cấm mọi thủ đoạn man trá để bóc lột người đi vay một cách quá đáng.
MỤC III - TỊCH THU RUỘNG ĐẤT CỦA THỰC DÂN PHÁP,
VIỆT GIAN, PHẢN ĐỘNG CHIA CHO DÂN CÀY
KHÔNG CÓ RUỘNG HOẶC ÍT RUỘNG
Điều 23
Những ruộng đất, trâu bò và các tài sản khác của thực dân Pháp, Việt gian, phản động đều tịch thu đem chia hẳn cho nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng làm của riêng.
Những nơi đã chia hợp lý rồi, quần chúng nông dân đều bằng lòng, thì tuyên bố chia hẳn ngay.
Những nơi đã chia rồi, nhưng chưa hợp lý và quần chúng nông dân chưa bằng lòng, thì phải điều chỉnh lại và chia hẳn.
Những nơi chưa chia thì phải xúc tiến việc chia hẳn.
Điều 24
Ruộng đất sẽ chia theo nhân khẩu không tính tuổi. Gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, chiến sĩ được quyền ưu tiên.
Điều 25
Số ruộng chia cho mỗi nhân khẩu nhiều nhất không quá mức sản lượng bình quân và diện tích trung bình của mỗi nhân khẩu trong xã.
Điều 26
Phải chia hết cho nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng những tài sản tịch thu của thực dân Pháp, Việt gian, phản động, như ruộng đất, trâu bò, nhà cửa, nông cụ và các thứ ăn dùng được, trừ những tài sản về công nghệ, kiến trúc lớn, những di vật cổ tích, những tài liệu chính trị, kinh tế và những tác phẩm văn hoá.
MỤC IV - CHIA RUỘNG ĐẤT HIẾN
Điều 27
Ruộng đất mà chủ ruộng đã hiến hẳn cho Chính phủ đều đem chia hẳn cho nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng theo cách thức định ở mục III.
MỤC V - CHIA RUỘNG ĐẤT CÔNG
Điều 28
Tất cả công điền, công thổ, bãi sa bồi trồng trọt được đều do Nông hội xã đem chia hẳn cho nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng, không được để lại làm bất cứ một thứ quỹ nào.
Việc chia công điền công thổ này cũng làm theo cách thức định ở mục III.
Điều 29
Đối với những ruộng đất nửa tư nửa công, ruộng phe, ruộng giáp, ruộng xóm, ruộng tự văn, ruộng tự vũ, binh điền, lộc điền, thái điền, v.v...:
a) Nếu trước kia nguyên là trích ở công điền công thổ ra thì nay lấy lại đem chia hẳn cho nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng.
b) Nếu là của những tư nhân đã góp lại thì để tuỳ theo ý nguyện của những người đó, nếu họ đồng ý thì sẽ nhập vào công điền công thổ để chia.
Điều 30
Những ruộng đất công nào trước kia bị địa chủ, cường hào hoặc tập đoàn nào chiếm đoạt thì nay phải lấy lại để chia.
MỤC VI - SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT VẮNG CHỦ
Điều 31
Những ruộng đất mà chủ ở trong vùng tạm bị chiếm hay vắng mặt không rõ tông tích, trừ trường hợp chủ ruộng là trung bần nông, đều đem tạm giao cho nông dân cày cấy, không thu tô. Cách thức tạm giao theo như cách thức chia ruộng định ở mục III.
Khi nào chủ ruộng trở về và nếu xét chưa từng hành động phản quốc, thì sẽ được hoàn lại ruộng đất ấy.
Điều 32
Những ruộng đất mà chủ ruộng phải vắng mặt vì bận công tác của Chính phủ, đoàn thể hoặc phải vắng mặt vì hoàn cảnh kháng chiến và không có vợ con, bố mẹ trông nom thì đem cho nông dân nghèo lĩnh canh nộp tô nhẹ hơn mức tô thường ở địa phương.
MỤC VII - SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT CỦA TƯ NHÂN BỎ HOANG
Điều 33
Nay sung vào quốc gia công thổ:
1- Đất và rừng núi hoang của tư nhân, đoàn thể, tôn giáo đến nay vẫn chưa khai khẩn.
2- Ruộng đất trước có trồng trọt, nay bỏ hoang không có lý do chính đáng quá hai năm.
Những ruộng đất sung công trên đây đều đem chia cho nông dân.
Điều 34
Những ruộng đất của tư nhân bỏ hoang mà nông dân khai phá được từ sau Cách mạng tháng Tám đều thuộc quyền sở hữu của người khai phá.
CHƯƠNG II
CƠ QUAN THI HÀNH
Điều 35
Để giúp Chính phủ và các cấp chính quyền ở khu, tỉnh lãnh đạo, đôn đốc việc thi hành sắc lệnh ruộng đất này, sẽ thành lập các ban ruộng đất:
1- ở trung ương, gồm Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một đại biểu Mặt trận Liên Việt và hai đại biểu Ban liên lạc nông dân toàn quốc.
2- ở khu, tỉnh, gồm một đại biểu Uỷ ban kháng chiến hành chính, một đại biểu Mặt trận Liên Việt và 5 đại biểu Nông hội, trong đó đa số là bần cố nông. Trưởng ban sẽ do toàn ban cử ra.
ở cấp huyện và xã, việc thi hành sắc lệnh ruộng đất sẽ giao cho Nông hội phụ trách.
Điều 36
Đại hội toàn thể nông dân xã hay thôn, hội nghị đại biểu nông dân các cấp và các Ban chấp hành Nông hội là những cơ quan hợp pháp chấp hành sắc lệnh ruộng đất của Chính phủ.
Điều 37
Một nghị định của Thủ tướng Chính phủ sẽ giải thích và ấn định chi tiết thi hành sắc lệnh này.
Điều 38
Những sắc lệnh về ruộng đất ban hành trước sắc lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 39
Sắc lệnh này không thi hành đối với ruộng muối và nói chung đối với ruộng đất ở những miền dân tộc thiểu số. Sẽ có quy định sau về các loại ruộng đất đó.
Điều 40
Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp chiểu sắc lệnh thi hành.