Hà Nam: hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác cải cách thể chế

Tin tức

Hà Nam: hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác cải cách thể chế

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện 5 Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong đó có Nghị quyết 08 - NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị giai đoạn 2016 – 2020.

Trong mục tiêu cải cách hành chính có phần nhiệm vụ quan trọng là cải cách thể chế. Xác định rõ vấn đề này, ngay từ cuối năm 2015, Sở Tư pháp đã sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng để thực hiện, nhằm tăng cường đẩy mạnh cải cách thể chế của địa phương và nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện kế hoạch.
Các cơ quan chuyên môn cũng tham gia tích cực hơn trong việc chủ động tham mưu, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Số dự thảo góp ý, thẩm định tăng trên 20% so với cùng kỳ. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật mang lại chất lượng hiệu quả cao đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Bên cạnh việc thẩm định tốt các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, để phục vụ tốt việc cải cách thể chế, cần thực hiện tốt công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thông qua công tác rà soát văn bản nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, thông qua công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật được hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng thể chế cũng còn một số hạn chế. Một trong số đó là chất lượng tham mưu soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan còn hạn chế, chưa chủ động tham mưu để xây dựng văn bản QPPL trong lĩnh vực quản lý; Trách nhiệm tổ chức rà soát văn bản QPPL trong lĩnh vực quản lý của nhiều cơ quan chưa được quan tâm, còn hay ỷ lại vào cơ quan tư pháp. Nguyên nhân chính là lãnh đạo một số cơ quan chưa quan tâm đúng mức trong công tác này, không bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách để tham mưu thực hiện, hoặc cán bộ pháp chế không bảo đảm yêu cầu
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách thể chế, trong thời gian tới, các sở, ngành cần chủ động sớm tham mưu, sớm soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp chặt ché với cơ quan liên quan như Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở nội vụ... ngay từ giai đoạn đề xuất chính sách, soạn thảo dự thảo văn bản; đăng tải toàn bộ hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cổng Thông tin điện tử của tỉnh, của cơ quan mình để lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt là đối với đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Bên cạnh đó chủ động thường xuyên rà soát văn bản QPPL trong lĩnh vực quản lý để kịp thời phối hợp với Sở Tư pháp để kịp thời kiến nghị đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ.