1- Bộ luật dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 1996.
2- Các pháp lệnh sau đây hết hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1996:
Pháp lệnh hợp đồng dân sự ngày 29 tháng 4 năm 1991;
Pháp lệnh nhà ở ngày 26 tháng 3 năm 1991;
Pháp lệnh thừa kế ngày 30 tháng 8 năm 1990;
Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 28 tháng 1 năm 1989;
Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả ngày 2 tháng 12 năm 1994;
Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam ngày 5 tháng 12 năm 1988.
Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức việc rà soát các quy định của pháp luật về dân sự hiện hành để tự mình huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, bảo đảm hiệu lực của Bộ luật từ ngày 1 tháng 7 năm 1996.
Trong những trường hợp cụ thể, quy định của các Pháp lệnh nói trên được áp dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ những giao dịch dân sự được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1996.
3- Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực, thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
a) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực hiện vẫn đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự;
b) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà nội dung và hình thức khác với quy định của Bộ luật dân sự nhưng không vi phạm điều cấm hoặc không trái với đạo đức xã hội theo quy định của Bộ luật dân sự, thì được thực hiện theo quy định của pháp luật khi giao dịch dân sự đó được xác lập;
c) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực và phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm xác lập mà nay vi phạm điều cấm hoặc trái với đạo đức xã hội theo quy định của Bộ luật dân sự, thì các bên phải tự huỷ bỏ giao dịch dân sự đó; nếu các bên không tự huỷ bỏ thì bị coi là vô hiệu;
d) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện xong trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra, thì áp dụng quy định của pháp luật có hiệu lực trước đây để giải quyết.
4- Các quy định của Bộ luật dân sự được áp dụng đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập từ ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực. Đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập từ ngày 1 tháng 7 năm 1991 đến ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực, thì thực hiện theo Pháp lệnh nhà ở và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991, thì sẽ được thực hiện theo quy định của Quốc hội.
5- Những quy định của Bộ luật dân sự về chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực áp dụng kể từ ngày Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực.
6- Việc áp dụng quy định pháp luật về thời hiệu được quy định như sau:
a) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định về thời hiệu của các văn bản pháp luật đó;
b) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây không quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu và thời điểm bắt đầu thời hiệu được tính từ ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực.
7- Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thực hiện Bộ luật dân sự.
Chính phủ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật dân sự nhằm phát huy vai trò, tác dụng của Bộ luật trong quản lý nhà nước, trong giao lưu dân sự, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995./.