SắC LệNHSẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 1945
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Chiểu theo lời tuyên bố của Chính phủ lâm thời ngày 2 tháng 9 năm 1945 huỷ bỏ tất cả các hiệp ước giữa nước Việt Nam và nước Pháp;
Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả luận ngày 4-10-1945;
SẮC LỆNH:
CHƯƠNG THỨ NHẤT - NGUYÊN TẮC
Điều thứ 1:
Cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam bộ vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong sắc lệnh này.
Từ nay đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất nói trên, những điều sửa đổi cần kíp sẽ do sắc lệnh ban bố sau.
CHƯƠNG THỨ II - LUẬT HỘ
Điều thứ 2:
Bộ Dân luật ban bố tại Bắc bộ do nghị định của nguyên Thống sứ Bắc kỳ ngày 30 tháng 3 năm 1931 và nghị định của nguyên Toàn quyền Đông Dương ngày 1 tháng 4 năm 1931, cùng những nghị định và Dụ sửa đổi bộ Dân luật ấy sẽ thi hành trong toàn cõi Bắc bộ kể cả Hà Nội và Hải Phòng.
Điều thứ 3: Bộ Dân luật ban bố tại Trung bộ do những Dụ ngày 13 tháng 7 năm 1936, 8 tháng 1 năm 1938, 28 tháng 9 năm 1939, và những Dụ sửa đổi Bộ dân luật ấy, sẽ thi hành trong toàn cõi Trung bộ kể cả Đà Nẵng.
Điều thứ 4: Tại Nam bộ các luật hộ vẫn giữ nguyên như cũ.
Điều thứ 5: Trái với điều thứ 2 và 3, các sắc lệnh ngày 21 tháng 7 năm 1925, 23 tháng 11 năm 1926, 29 tháng 3 năm 1939 và Dụ ngày 22 tháng 11 năm 1940 vẫn thi hành ở những nơi nào mà việc quản thủ bảo thủ điền thổ đã tổ chức rồi.
CHƯƠNG THỨ III - LUẬT THƯƠNG MẠI
Điều thứ 6:
Điều thứ 114 sắc lệnh ngày 16 tháng 2 năm 1921 vẫn thi hành ở Bắc bộ và Nam bộ.
Điều thứ 7: Bộ Thương luật ban bố tại Trung bộ do Dụ ngày 12 tháng 6 năm 1942 sẽ thi hành trong toàn cõi Trung bộ kể cả Đà Nẵng.
CHƯƠNG THỨ IV - LUẬT HÌNH
Điều thứ 8:
Bộ "Luật Hình An Nam" ban bố tại Bắc bộ do Dụ ngày 25 tháng 8 năm 1921 và nghị định của nguyên Toàn quyền Đông Dương ngày 2 tháng 12 năm 1921 cùng những Dụ và nghị định sửa đổi bộ luật ấy sẽ thi hành trong toàn cõi Bắc bộ kể cả Hà Nội và Hải Phòng.
Điều thứ 9: Bộ "Hoàng Việt Hình Luật" ban bố tại Trung bộ do Dụ ngày 3 tháng 7 năm 1933 và nghị định của nguyên Toàn quyền Đông Dương ngày 4 tháng 7 năm 1933 cũng những Dụ và nghị định sửa đổi Bộ luật ấy sẽ thi hành trong toàn cõi Trung bộ kể cả Đà Nẵng.
Điều thứ 10: Bộ hình luật pháp tu chỉnh do sắc lệnh ngày 31 tháng 12 năm 1912 cùng những sắc lệnh sửa đổi sắc lệnh ấy vẫn thi hành ở Nam bộ.
CHƯƠNG THỨ V - TỐ TỤNG THỦ TỤC
Điều thứ 11:
Trước các toà án ở Nam bộ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng sẽ áp dụng thủ tục ấn định trong nghị định ngày 16 tháng 3 năm 1910 của nguyên Toàn quyền Đông Dương và những nghị định sửa đổi nghị định ấy. Bộ luật dân sự tố tụng thủ tục Pháp (Code de Procédure civile franổaise) không thi hành nữa.
CHƯƠNG THỨ VI - KHOẢN CHUNG
Điều thứ 12:
Những điều khoản trong các luật lệ cũ được tạm giữ lại do sắc luật này, chỉ thi hành khi nào không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hoà.
Điều thứ 13: Các điều luật ban bố sẽ đăng vào Công báo và thi hành:
Ở
các thị xã, hai ngày sau khi toà thị-chính nhận được số Công báo có đăng những điều luật ấy;Ở
các tỉnh, ba ngày sau khi nhà chức trách tỉnh lỵ nhận được số Công báo nói trên.Điều thứ 14: Trong những trường hợp khẩn cấp, những điều luật có thể thi hành ngay trước khi đăng vào Công Báo.
Gặp những trường hợp ấy, Chính phủ sẽ dùng cách nào nhanh chóng nhất (điện tín, hoả bài, v.v...) để gửi sắc-văn đến các Uỷ ban Bắc, Trung và Nam bộ.
Sau khi tiếp được sắc-văn, các Uỷ ban nói trên phải lập tức chuyển cho các Uỷ ban địa phương (tỉnh và thành phố) để thi hành ngay sau khi đã niêm yết cho nhân dân đều biết.
Điều thứ 15: Sắc lệnh này sẽ công bố và thi hành theo thủ tục khẩn cấp đã định ở điều thứ 14.
Điều thứ 16: Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiểu sắc lệnh thi hành./.