Uỷ BAN NHÂN DÂNCHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Về việc thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đối với
hoạt động vận tải thuỷ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ngày 05/07/1996 Chính phủ ra Nghị định 40/CP về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Do đặc điểm địa lý ở tỉnh Lâm Đồng giao thông chủ yếu là đường bộ, vận tải đường thuỷ phần lớn chỉ diễn ra dưới dạng tự phát ở sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên và một số hồ ở các huyện và thành phố Đàlạt. Cũng chính vì vậy, mà trong thời gian qua công tác quản lý vận tải thuỷ chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Hiện nay hầu hết các phương tiện vận tải thuỷ cơ giới và thô sơ tham gia vận tải hàng hoá và hành khách công cộng; tham gia vận chuyển khách du lịch ở các tụ điểm tham quan du lịch. Một số phương tiện chở khách nhỏ vui chơi giải trí trên các mặt hồ đều thiếu các thủ tục theo quy định, thiếu an toàn và chưa được quản lý chặt chẽ. Hầu hết các phương tiện thuỷ chưa có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (thuyền máy), chưa được đăng kiểm và không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Chưa có giấy phép vận tải, chưa có thiết bị phao cứu sinh để bảo đảm an toàn cho khách và thuyền viên (Một số ít canô có phao nhưng số lượng rất hạn chế không đủ cho mỗi người). Tất cả các chủ phương tiện cũng như người lái đều chưa được học luật giao thông đường thuỷ, chưa qua lớp đào tạo thuyền viên. Đối với tình trạng của bến đò và luồng lạch, chưa nơi nào có giấy phép mở Bến đò theo đúng tinh thần quyết định 1138/QĐ-PC-VT ngày 6/5/1997 của Bộ Giao thông vận tải; tình hình bến và nơi neo đậu rất tuỳ tiện. Một vài nơi có cầu lên xuống cho khách, nhưng độ an toàn chưa cao, không có nội quy cụ thể, chưa có biển báo "Bến đò", bảng hướng dẫn an toàn và niêm yết giá vé. Luồng lạch và phạm vi hoạt động của các tuyến vận tải, chưa được các cơ quan chức năng khảo sát và cho phép. Chiều rộng tuyến, độ nông sâu, vật cản ngầm và tình hình thuỷ văn, hệ thống biển báo hiệu đường thuỷ chưa có.
Để đưa hoạt động vận tải thuỷ của tỉnh ta đi vào nề nếp theo tinh thần Nghị định 40/CP và chỉ thị 545/Ttg của Chính phủ , đồng thời thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và của Cục đường sông về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ thị các ngành và địa phương có liên quan thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:
1. Sở Giao thông vận tải:
a- Chủ trì phối hợp với các địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng mở đợt tuyên truyền Nghị định 40/CP và chỉ thị 454/Ttg ngày 5/7/1996 của Chính phủ. Tổ chức hướng dẫn cho các đơn vị quản lý và cá nhân chủ phương tiện vận tải thuỷ nắm vững thủ tục có liên quan về đăng ký phương tiện, hành nghề và đăng ký kinh doanh để tham gia vận tải thuỷ công cộng và vận tải khách du lịch đường thuỷ nội địa.
b- Phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố Đà Lạt và các ngành, đơn vị có liên quan lập kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát tại các địa phương trên toàn tỉnh về tình hình tổ chức khai thác kinh doanh bằng hoạt động vận tải thuỷ đối với các đơn vị Nhà nước và cá nhân để có cơ sở chấn chỉnh, qui hoạch hệ thống quản lý kinh doanh, hành nghề phù hợp theo quy định.
c- Chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Trường Công nhân lái xe Lâm Đồng liên kết với các Trường Đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ Hàng hải (hoặc đường thuỷ) tổ chức mở lớp đào tạo lái đò, thuyền, ca nô cho các đối tượng có phương tiện vận tải thuỷ cần hoạt động. Kết hợp với việc dạy nghiệp vụ vận tải thuỷ để làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề cho những chủ phương tiện có nhu cầu kinh doanh vận tải đường thuỷ công cộng.
d- Chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Trạm đăng kiểm chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để tổ chức đăng kiểm phương tiện đường thuỷ. Tiến hành kiểm định an toàn kỹ thuật, làm thủ tục trình Sở Giao thông vận tải cấp đăng ký và biển số cho những phương tiện có nhu cầu hoạt động.
e- Tổ chức cấp phép sử dụng vùng nước có liên quan đến giao thông đường thuỷ. Cùng với UBND các huyện, thành phố nghiên cứu thành lập và cấp phép mở bến đò ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện quy định. Tổ chức cấp phép vận tải hàng hoá, hành khách, du lịch trên đường thuỷ nội địa trong tỉnh; căn cứ vào các văn bản của Nhà nước tiến hành kế hoạch xây dựng hành lang bảo vệ đường thuỷ trình UBND tỉnh xem xét ra quyết định làm cơ sở tổ chức cắm mốc giới; triển khai khảo sát cắm thẻ phao tiêu biển báo hiệu đường thuỷ cho những luồng lạch vùng nước cần khai thác.
2. UBND các huyện, thị và thành phố Đà Lạt cần tiến hành kiểm tra, khảo sát để nắm vững năng lực, hiện trạng vận tải thuỷ của địa phương như: luồng lạch, bến bãi, phương tiện. Trên cơ sở đó đề ra các biện pháp tổ chức quản lý phù hợp. Hướng dẫn các chủ phương tiện vào các tổ chức kinh doanh như tổ, đội hoặc hợp tác xã để quản lý, đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông đường thuỷ và thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước. Căn cứ vào các văn bản quy định của Nhà nước và các điều kiện kinh doanh vận tải đường thuỷ theo quy định tại Nghị định 40/CP liên hệ với Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan để tiến hành cấp phép kinh doanh cho các chủ phương tiện đã có đầy đủ thủ tục.
Căn cứ vào kết quả khảo sát và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và Cục đường sông ban hành quyết định hành lang bảo vệ đường thuỷ, chỉ đạo công tác cắm mốc lộ giới và giải toả những vi phạm hành lang bảo vệ đường thuỷ tại địa phương quản lý. Khẩn trương chỉ đạo phòng XDGT huyện liên hệ với các ngành, các đơn vị có chức năng liên quan để giải quyết việc kiểm định an toàn kỹ thuật, đăng ký phương tiện, cấp bằng lái đò, canô và các thủ tục giấy tờ cần thiết khác theo quy định để hợp thức hoá cho những phương tiện vận tải thuỷ hiện đang hoạt động.
3. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường biện pháp kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thuỷ xử lý nghiêm minh các trường hợp kinh doanh vận tải thuỷ trái phép hoặc các phương tiện kinh doanh chở quá tải, thiếu các thiết bị an toàn, thiếu phao cứu hộ v.v…
Công an các huyện, thị và thành phố Đà Lạt phối hợp với Phòng kinh tế-Giao thông vận tải tăng cường việc kiểm tra hành lang bảo vệ đường thuỷ kịp thời giải toả những hành vi vi phạm hoặc tái chiếm. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
4. Sở Du lịch và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước mắt cần tổ chức kiểm tra các hồ có hoạt động vui chơi du lịch đường thuỷ, xem xét tình hình luồng, lạch, bến bãi, phương tiện và các điều kiện an toàn cho hành khách, Kịp thời phối hợp với các phòng Kinh tế, Giao thông vận tải của địa phương tổ chức cắm thẻ phao tiêu biển báo hướng dẫn luồng tuyến hoạt động. Hoàn chỉnh các thiết bị an toàn cho phương tiện, quản lý chặt chẽ các hoạt động du lịch trên hồ, đảm bảo an toàn cho hành khách du lịch vui chơi giải trí nhất là thời điểm tết Nguyên đán Mậu dần sắp tới. Đình chỉ ngay hoạt động của các phương tiện không có phao cứu hộ, không đảm bảo kỹ thuật và điều kiện an toàn.
Trên đây là một số nội dung cần triển khai thực hiện Nghị định 40/CP và chỉ thị 454/TTg ngày 5/7/1996. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố Đà Lạt và các ngành chức năng Giao thông vận tải, Công an, Du lịch, Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương tổ chức thực hiện./.