Nghị địnhNGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi một số mức lãi suất tiền gửi và cho vay
của Ngân hàng Nhà nước và hợp tác xã tín dụng
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Để động viên, khuyến khích nhân dân gửi tiền nhàn rỗi vào Ngân hàng và hợp tác xã tín dụng, tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn tín dụng;
Tiếp theo Nghị định số 165-HĐBT ngày 23-9-1982 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành biểu lãi suất tiền gửi và cho vay của Ngân hàng Nhà nước và hợp tác xã tín dụng;
Căn cứ đề nghị của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1
.- Nay sửa đổi một số mức lãi suất tiền gửi và cho vay của Ngân hàng Nhà nước và Hợp tác xã tín dụng như sau:
a. Lãi xuất tiền gửi tiết kiệm xã hội chủ nghĩa:
- Loại không kỳ hạn (trả lãi, không quay thưởng): 24%/năm;
- Loại kỳ hạn 3 năm: 30%/năm; - Loại kỳ hạn 5 năm: 36%/năm;
- Loại định mức 500 đồng, 1000 đồng (dùng 1%/tháng quay thưởng, mỗi tháng một lần và trả lãi, lãi suất 1%/tháng): 24%/năm.
b. Lãi suất cho vay đối với nhân dân:
- Đối với người lao động cá thể vay để phát triển sản xuất: 24-54%/năm;
- Đối với xã viên, công nhân, viên chức vay để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết khó khăn về đời sống: 24-48%/năm;
Đối với các đối tượng khác: 36-60%/năm;
c. Lãi suất tiền gửi và cho vay của hợp tác xã tín dụng:
- Lãi suất tiền gửi tối đa: 60%/năm;
- Lãi suất cho vay tối đa: 72%/năm.
Điều 2.- Mức lãi suất này áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 1985. Các khoản tiền gửi và cho vay nói ở Điều 1 còn số dư tại Ngân hàng Nhà nước đến cuối ngày 31-12-1984 chuyển sang, cũng tính lãi theo mức lãi suất này.
Điều 3.- Ngân hàng Nhà nước được sử dụng lợi nhuận Ngân hàng để trả lãi và tiền thưởng cho người gửi tiền tiết kiệm xã hội chủ nghĩa.
Hợp tác xã tín dụng cần vận dụng linh hoạt mức lãi suất tiền gửi và cho vay trong phạm vi khung lãi suất cho phép để đẩy mạnh huy động vốn đi đôi với mở rộng cho vay, bảo đảm hạch toán kinh tế.
Điều 4.- Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định này.