Chỉ thịCHỈ THỊ
Về việc xét duyệt kết
quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1984.
Việc xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1983, theo chỉ thị số 347-CT ngày 13-12-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có tác dụng đề cao tinh thần trách nhiệm của các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố và các đơn vị cơ sở trong việc lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Để tiếp tục thi hành nghị quyết hội nghị lần thứ sáu, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước theo nghị quyết hội nghị lần thứ bẩy của Ban Chấp hành trung ương Đảng (khoá V), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị các ngành, các cấp làm đúng các quy định sau đây trong việc kiểm tra, xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1984.
I. ĐỐI TƯỢNG XÉT DUYỆT KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
Các đối tượng được xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1984, ngoài 4 đối tượng như đã quy định trong chỉ thị số 347-CT ngày 13-12-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay thêm Uỷ ban Nhân dân các huyện (quận).
II. CĂN CỨ VÀ THẨM QUYỀN XÉT DUYỆT KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Căn cứ để xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước gồm:
a. Các chỉ tiêu pháp lệnh đã được các cấp có thẩm quyền chính thức giao từ đầu năm, hoặc đã được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh (nếu có).
Đối với các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp quốc doanh và công tư hợp doanh thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp do các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và huyện, quận quản lý sẽ căn cứ vào những chỉ tiêu sau đây để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước:
- Giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện (có phần cho xuất khẩu).
- Sản phẩm giao nộp (có phần cho xuất khẩu) theo chỉ tiêu chất lượng quy định trong hợp đồng.
- Mức giảm giá thành.
- Lợi nhuận; các khoản nộp ngân sách,
- Những vật tư chủ yếu do Nhà nước cung ứng.
Đối với các đơn vị cơ sở kinh tế tập thể thuộc các ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, sẽ căn cứ vào chỉ tiêu:
- Khối lượng sản phẩm hợp tác xã có nghĩa vụ giao nộp và bán cho Nhà nước theo chất lượng và giá cả được xác định trong hợp đồng kinh tế (trong đó có phần dành cho xuất khẩu).
- Các điều kiện vật chất (năng lượng, vật tư, nguyên liệu, máy móc, dịch vụ...) Nhà nước cung ứng cho hợp tác xã theo số lượng, chất lượng, giá cả, địa điểm, thời gian quy định và tiền ứng trước.
Căn cứ hệ thống chỉ tiêu quy định cho các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp ngành công nghiệp và các điều quy định trong chỉ thị này, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm cùng Tổng cục Thống kê xác định danh mục các chỉ tiêu xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước cho các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố, các huyện, quận, liên hiệp các xí nghiệp và các đơn vị cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh trong các ngành và lĩnh vực khác như xây dựng, vận tải, thương nghiệp, cung ứng vật tư và dịch vụ.
b. Các hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa các đơn vị theo chế độ hiện hành.
c. Các số liệu kế toán - thống kê phải là số liệu chính thức, tính theo đúng phương pháp quy định của Nhà nước.
d. Báo cáo quyết toán vật tư theo Quyết định số 195-HĐBT ngày 14-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.
2. Chỉ cấp giao kế hoạch mới có thẩm quyền xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch và thưởng phạt. Tất cả các cấp không được tự ý ra quyết định công nhận hoàn thành kế hoạch và mức độ khen thưởng hoặc xử phạt trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước cho cấp mình, đơn vị mình.
3. Thành lập hội đồng xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước ở các cấp, theo đúng như Chỉ thị số 347-CT ngày 13-12-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quy định.
III. PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
1. Khi kiểm tra, xét duyệt, phải đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch của từng chỉ tiêu và phải đánh giá, phân loại các đơn vị thuộc đối tượng xét duyệt.
2. Việc xét duyệt, phân loại các đơn vị (kể cả đơn vị cơ sở và cấp trên cơ sở) như sau:
- Hoàn thành toàn diện kế hoạch Nhà nước.
- Hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu (nhất là các chỉ tiêu giao nộp sản phẩm) có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Các đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu cũng cần được xem xét khen thưởng thoả đáng.
- Không hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Đối với những đơn vị không hoàn thành kế hoạch Nhà nước, cần được xem xét kỹ các yếu tố khách quan và chủ quan trong tổ chức chỉ đạo và quản lý để có kết luận chính xác.
3. Việc tính toán các chỉ tiêu quy định để xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước cho các cấp đều phải thống nhất về nội dung, về thời gian và phương pháp tính theo quy định trong chế độ báo cáo thống kê và chế độ kế toán của Nhà nước đã ban hành.
4. Việc đánh giá, phân loại đơn vị phải do hội đồng xét duyệt các cấp kết luận chính thức bằng văn bản; nếu trong hội đồng còn có những ý kiến khác nhau thì phải báo cáo để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc thủ trưởng các ngành, các cấp xem xét và quyết định.
IV. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
1. Đối với các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu, Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, nếu có nhiều cố gắng và tiến bộ trong việc chỉ đạo, đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu hoặc hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu quy định trong việc xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước, đều được xem xét khen thưởng về vật chất và tinh thần theo chế độ hiện hành.
2. Các đơn vị cơ sở thuộc khu vực tập thể, nếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước sẽ được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành hoặc huyện, quận khen thưởng thi đua hàng năm.
3. Trường hợp bị thiệt hại do thiên tai hoặc địch hoạ hoặc do các nguyên nhân khách quan khác, mặc dù các đơn vị (kể cả cấp trên cơ sở và cơ sở) đã có nhiều cố gắng về tổ chức chỉ đạo và quản lý, nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch Nhà nước thì tuỳ theo mức độ thực hiện kế hoạch và sự nỗ lực chủ quan mà được xem xét và khen thưởng.
4. Các đơn vị không hoàn thành kế hoạch Nhà nước do có thiếu sót trong tổ chức chỉ đạo và quản lý sẽ không được khen thưởng.
5. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu các cấp, các đơn vị có khuyết điểm nghiêm trọng trong việc chấp hành các chính sách, chế độ quản lý của Nhà nước về quản lý tài sản, vật tư, lao động, tiền lương, tài chính, giá cả, bảo hộ an toàn lao động, giao nộp sản phẩm, phân phối, thu mua, chế độ hạch toán kế toán, báo cáo thống kê, chế độ quyết toán vật tư v.v... thì tuỳ theo mức độ và tác hại sẽ không được khen thưởng và phải xử lý theo chế độ hiện hành.
6. Khi xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước cho các đơn vị, hội đồng xét duyệt các cấp phải đồng thời đề nghị hình thức và mức độ khen thưởng hoặc xử phạt để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng các ngành, các cấp xem xét và quyết định.
7. Để việc khen thưởng hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1984 được kịp thời, căn cứ vào việc kiểm tra, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh năm 1984 quy định trong chỉ thị này, các Bộ, các tỉnh, thành phố, huyện, quận có thể xét duyệt cho các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp và liên hiệp các xí nghiệp được tạm trích lập quỹ của xí nghiệp sau khi có ý kiến thoả thuận của cơ quan tài chính, ngân hàng và thống kê cùng cấp. Mức được tạm trích không quá 75% mức được trích của mỗi quý.
8. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp cùng Tổng cục Thống kê, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ban Thi đua Trung ương, Tổng Công đoàn và các ngành có liên quan khác hướng dẫn cụ thể việc khen thưởng và xử phạt về vật chất, tinh thần và về việc thi hành chế độ trích lập quỹ xí nghiệp trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, phù hợp với những điều quy định trong chỉ thị này và Nghị quyết số 156-HĐBT ngày 30-11-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề cải tiến quản lý công nghiệp quốc doanh.
V. QUY ĐỊNH PHẠM VI ÁP DỤNG
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, các ngành ở trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp và các đơn vị trực thuộc thực hiện.
Việc xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1984 cần được tiến hành khẩn trương, hết quý I năm 1985 phải tổ chức xét duyệt xong cho các đơn vị cơ sở (gồm các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp và các hợp tác xã) và liên hiệp các xí nghiệp, các huyện (quận); chậm nhất ngày 31-3-1985 phải xét duyệt xong cho các Bộ, Tổng cục và các tỉnh, thành phố.