SắC LệNHSẮC LỆNH
SỐ: 242 NGÀY 12 THÁNG 10 NĂM 1948
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-47 đặt ra "Hưu bổng thương tật" và "Tiền tuất cho than nhân tử sĩ";
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Sau khi đã hỏi ý kiến Ban thường trực Quốc hội và sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận;
RA SẮC LỆNH:
Điều 1
Điều 2, chương thứ nhất của sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947m nay bổ khuyết như sau:
"Những quân nhân thuộc các ngành Quân đội Quốc gia Việt Nam, nếu trong lúc tại ngũ, vì giao chiến với quân địch, vì thừa hành công vụ, vì tận tâm với một việc ích chung hoặc vì cứu một hay nhiều người mà bị thương tật thì gọi là Thương binh và được lương hưu thương tật".
Điều 2
Điều 3, chương thứ nhất của sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947, nay sửa đổi như sau:
"Lương hưu thương tật không tính theo hạng thâm niên của binh sĩ, chỉ căn cứ vào tật bệnh nặng hay nhẹ do Hội đồng Quân y Bộ Quốc phòng xét định.
Hiện nay số tiền lương hưu ba tháng một theo độ tật bệnh ấn định trong ba khoản dưới đây, áp dụng cho:
1- Binh và sĩ,
2- Uý và tá,
3- Tướng.
Bệnh tật xếp thành các độ (bắt đầu từ 5% đến 100%).
Các số tiền lương hưu sẽ do một nghị định của ông Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh ấn định sau khi đã thoả thuận với ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tài chính".
Điều 3
Điều 5, chương thứ nhất của sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947, sửa đổi như sau:
"Những quân nhân bị thương tật từ 50% trở lên, nếu có con đủ điều kiện trong điều thứ 8 sau này, sẽ được lĩnh gia cấp bất cứ là được hưởng lương hưu vĩnh viễn hay tạm thời. Gia cấp cho mỗi xuất con, ba tháng một, sẽ do một nghị định của ông Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh ấn định sau khi đã thoả thuận với ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tài chính."
Điều 4
Điều 6, chương thứ hai sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947, bổ khuyết như sau:
"Những quân nhân đã được hưởng hưu thương tật tạm thời trong một thời gian rồi vì thương tật cũ mà chết, sau khi được Bác sĩ khám nghiệm và chứng nhân, cũng được coi là Tử sĩ."
Điều 5
Điều 7, chương hai của sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947, nay sửa đổi như sau:
"Cha, mẹ, vợ, con cá Tử sĩ được cấp tiền tuất. Tiền tuất cho vợ,
con, cha, mẹ sẽ do một nghị định của ông Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh ấn định sau khi thoả thuận cùng ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Bộ trưởng Bộ Tài chính."
Điều 6
Điều 14, chương thứ ba của sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947, nay sửa đổi như sau:
"Việc chuẩn cấp sẽ do Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh nghị định thoả thuận với Bộ trưởng Bộ Tài chính."
Điều 7
Điều 15, chương thứ ba của sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947 nay sửa đổi như sau:
"Một nghị định liên bộ Thương binh, Quốc phòng và Tài chính sẽ ấn định thể cách thi hành sắc lệnh này."
Điều 8
Điều 16, chương thứ ba của sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947 nay sửa đổi như sau:
"Các ông Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tài chính chiểu sắc lệnh thi hành."
Điều 9
Lương Hưu thương tật hay tiền tuất cho thân nhân tử sĩ không thể đem nhượng bán hoặc khấu trừ, ngoài những trường hợp sau đây:
a) Nếu người hưởng lương hưu hay tiền tuất mắc nợ Chính phủ hoặc phải trả tiền ăn của người ấy, hoặc tiền thầy thuốc khám chữa và thuốc men thì chỉ có thể khấu trừ cữ mỗi ba tháng 1/4 (một phần tư) số tiền người ấy được lĩnh;
b) Nếu người ấy phải cấp dưỡng cho một thân nhân về hàng cha, mẹ, vợ, con, thì chỉ có thể khấu trừ ba tháng 1/4 số tiền người ấy lĩnh.
Hai số 1/4 và 1/4 trên này có thể cộng lại mà trừ một lần trong ba tháng.
Điều 10
Các ông Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính chiểu sắc lệnh thi hành.