Thông tư THÔNG TƯ
LIÊN NGÀNH CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN TỐI CAO, BỘ TƯ PHÁP, BỘ NỘI VỤ SỐ 04-TTLN
NGÀY 26 THÁNG 12 NĂM 1986 HƯỚNG DẪN VIỆC ÁP DỤNG
THỜI HIỆU THI HÀNH BẢN ÁN HÌNH SỰ
Để thi hành Điều 46 Bộ Luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án hình sự được đúng đắn và thống nhất, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp hướng dẫn như sau:
I- Ý NGHĨA CỦA QUY ĐỊNH VỀ THỜI HIỆU THI HÀNH
BẢN ÁN HÌNH SỰ
Về nguyên tắc, các bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh, cho nên các các Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Công an phải thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình và phải phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo đảm những người bị kết án phải thi hành đầy đủ các quyết định của bản án. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng có một số trường hợp do thiếu sót của các cơ quan thi hành án, có một số bản án bị bỏ quên hoặc bị thất lạc, không được thi hành. Nếu trong một thời gian dài, người bị kết án đã làm ăn lương thiện, không phạm tội mới, không trốn tránh pháp luật, thì không cần thiết phải bắt họ thi hành bản án nữa. Vì vậy, pháp luật quy định thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn bản án có hiệu lực thi hành, hết thời hạn đó, nếu chưa thi hành thì không được thi hành nữa. Quy định đó thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta đối với người bị kết án.
Việc áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự phải chặt chẽ, để đề phòng những sơ hở hoặc hiện tượng tiêu cực trong khi thực hiện.
II- ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI BỊ PHẠT TÙ ĐƯỢC HƯỞNG
THỜI HIỆU THI HÀNH BẢN ÁN
Theo khoản 1 Điều 46 Bộ Luật Hình sự thì người bị phạt tù có thời hạn không bị buộc phải chấp hành bản án khi có đủ ba điều kiện sau đây:
1. Tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (ngày tuyên bản án sơ thẩm đồng thời chung thẩm; ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị nếu bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị; ngày tuyên án phúc thẩm hoặc ngày hết hạn kháng án vắng mặt(*) đối với người được kháng án vắng mặt bản án phúc thẩm) đã qua những thời hạn sau đây:
(*) Bộ Luật Tố tụng hình sự không quy định thủ tục kháng án vắng mặt.
a) Năm năm đối với các trường hợp xử phạt từ 5 năm tù trở xuống;
b) Mười năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm;
c) Mười lăm năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm.
Đối với các bản án có tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì căn cứ để tính thời hiệu là hình phạt tổng hợp và thời hiệu tính từ ngày bản án này có hiệu lực pháp luật. Nếu trong bản án có nhiều người bị kết án thì mỗi người được áp dụng thời hiệu riêng phù hợp với mức hình phạt của họ.
Theo Điều 44 Bộ Luật Hình sự thì người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời gian thử thách thì được đương nhiên xoá án(**). Vì vậy, không áp dụng thời hiệu thi hành án 5 năm đối với người được hưởng án treo mà chỉ cần họ không phạm tội mới trong thời gian thử thách thì bản án phạt tù không được thi hành đối với họ.
(**) Được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự ngày 28-12-1989...
2. Trong các thời hạn nói trên, người bị kết án không bị xử phạt về một tội phạm mới. Nếu bị xử phạt về một tội phạm mới, thì thời hiệu tính theo bản án mới trong đó có tổng hợp hình phạt mới với hình phạt của bản án cũ. Trường hợp phạm tội mới mà chỉ bị phạt cảnh cáo, thì thời hiệu bản án cũ vẫn tính từ ngày bản án cũ đó có hiệu lực pháp luật.
3. Trong các thời hạn nói trên người bị án không cố tình trốn tránh việc thi hành án và không có lệnh truy nã. Nếu cố tình trốn tránh và có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu sẽ tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt. Cố tình trốn tránh là: cố tình giấu địa chỉ, ẩn náu làm cho các cơ quan thi hành án không biết họ ở đâu, hoặc trốn ra nước ngoài.
Thời hiệu thi hành bản án chỉ áp dụng đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành vì bị bỏ quên hoặc bị thất lạc. Trường hợp người bị kết án được tạm hoãn thi hành bản án trong một thời gian thì sau khi hết hạn tạm hoãn họ phải chấp hành án. Tuy nhiên, đối với những người phạm tội nhẹ, chỉ bị xử phạt từ 5 năm tù trở xuống mà vì bệnh tật, sinh đẻ hoặc hoàn cảnh quá khó khăn, được tạm hoãn thi hành án nhiều lần, thời gian tạm hoãn đã bằng thời hiệu thi hành án mà trong thời gian đó, họ không phạm tội mới, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì Toà án ra quyết định miễn chấp hành hình phạt tù. Trong trường hợp bản án chậm được thi hành, nhưng khi đưa ra thi hành án, lại phải tạm hoãn nhiều lần thì thời gian trước khi bản án được đưa ra thi hành cũng được tính vào thời gian tạm hoãn. Trường hợp người bị kết án được tạm ngừng thụ hình thì phần hình phạt còn lại cũng được giải quyết như trường hợp tạm hoãn.
III- ÁP DỤNG THỜI HIỆU ĐỐI VỚI CÁC HÌNH PHẠT CHÍNH KHÁC, CÁC HÌNH PHẠT BỔ SUNG VÀ BỒI THƯỜNG
1. Điểm a Điều 46 không nói đến phạt tiền, cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của Quân đội nhưng các hình phạt này đều nhẹ hơn hình phạt tù nên cũng áp dụng thời hiệu thi hành án như đối với trường hợp phạt tù từ 5 năm trở xuống.
Trường hợp bản án đã được đưa ra thi hành mà người bị kết án không có khả năng nộp phạt, đã cho tạm hoãn nhiều lần và kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật đã quá 10 năm mà người bị kết án vẫn không có khả năng nộp phạt, được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xác nhận thì Toà án sẽ xét cho họ miễn chấp hành hình phạt.
2. Hình phạt chính đã hết thời hiệu thi hành phạt bổ sung không thi hành nữa.
Đối với các hình phạt bổ sung là quản chế hoặc cấm cư trú thì thời hạn thi hành kể từ ngày thi hành xong hình phạt tù. Nếu kể từ ngày đó mà thời gian phải thi hành hình phạt bổ sung đã hết, thì người bị kết án không phải thi hành hình phạt bổ sung nữa; nếu thời gian phải thi hành hình phạt bổ sung vẫn còn thì họ chỉ phải chấp hành phần còn lại.
3. Pháp luật chưa quy định thời hiệu thi hành bản án dân sự, do đó chưa áp dụng thời hiệu đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại trong bản án hình sự. Tuy nhiên, nếu người có trách nhiệm bồi thường không có khả năng bồi thường, đã cho tạm hoãn nhiều lần và kể từ ngày bản án hình sự có hiệu lực pháp luật đã quá 10 năm, mà họ vẫn không có khả năng bồi thường thì Toà án xét cho miễn các khoản bồi thường cho Nhà nước hoặc cho tập thể. Riêng khoản bồi thường thiệt hại cho tư nhân thì việc miễn phải được sự đồng ý của bên bị thiệt hại.
IV- CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG ÁP DỤNG THỜI HIỆU
1. Theo khoản 2 Điều 46 Bộ Luật Hình sự, những người bị kết án về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia thì bị phạt tù từ 15 năm trở xuống và những người bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm không kể về tội gì, nếu có lý do đặc biệt thì theo kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao có thể quyết định không áp dụng thời hiệu. Lý do đặc biệt có thể là người bị kết án thuộc loại rất nguy hiểm cho an ninh chính trị hoặc trật tự xã hội (như những tên chủ mưu, cầm đầu tổ chức phản cách mạng, những tên có nhiều tội ác, những tên lưu manh chuyên nghiệp...) mà vẫn còn có thái độ chống đối.
2. Các quy định về thời hiệu thi hành bản án hình sự được áp dụng đối với các bản án hình sự đã có hiệu lực trước cũng như sau ngày 1-1-1986.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Toà án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện cần rà soát lại tất cả các bản án hình sự mà cấp mình có trách nhiệm thi hành nhưng chưa thi hành, phân thành các loại: phải thi hành ngay; cho tạm hoãn; cho miễn chấp hành hình phạt hoặc cho hưởng thời hiệu thi hành bản án. Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Công an trao đổi thống nhất về các danh sách đó rồi mỗi cơ quan thực hiện những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Những người phải thi hành ngay thì Toà án ra lệnh bắt để thi hành. Những người được tạm hoãn hoặc được miễn chấp hành hình phạt thì Toà án ra quyết định. Quyết định miễn chấp hành hình phạt do Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh ký. Nếu người bị kết án được hưởng thời hiệu thi hành án thì Toà án thông báo cho họ biết.
Những trường hợp giữa ba cơ quan không nhất trí về chủ trương giải quyết, thì mỗi cơ quan phải báo cáo với cấp trên theo ngành dọc của mình để cơ quan cấp trên giải quyết.
Mỗi cơ quan gửi danh sách những người bị kết án đã phân loại nói trên lên cơ quan cấp trên theo ngành dọc của mình trước ngày 30-6-1987.
2. Cùng với việc rà soát các bản án hình sự chưa được thi hành, các Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Công an cấp tỉnh và cấp huyện phải thường xuyên làm tốt chức năng của mình đối với công tác thi hành án. Ba tháng một lần, mỗi cơ quan phải báo cáo với cấp trên trực tiếp về những trường hợp cho tạm hoãn, cho miễn chấp hành hình phạt hoặc cho hưởng thời hiệu thi hành bản án.
3. Người đã được hưởng thời hiệu thi hành bản án nếu muốn được xoá án thì áp dụng thủ tục về xoá án đã được hướng dẫn trong Thông tư liên ngành số 02-TTLN ngày 1-8-1986.
Các Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan Công an địa phương và các Toà án quân sự, Viện Kiểm sát quân sự cần nghiên cứu và thực hiện đúng Thông tư liên ngành này. Nếu có vấn đề chưa rõ thì báo cáo ngay với lãnh đạo của ngành ở Trung ương để hướng dẫn thêm.