THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh
không nhằm mục đích thương mại
_______________
Căn cứ Luật Hải quan ngày 26/9/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Hải quan ngày 14/06/2005;
Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 30/07/1994 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho Cơ quan Đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự và Cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 211/1999/QĐ-TTg ngày 31/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh không nhằm mục đích thương mại như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh:
1.1. Thông tư này hướng dẫn việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh không nhằm mục đích thương mại (01 chiếc xe), từ chiếc xe thứ 02 trở lên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
1.2. Xe gắn máy hai bánh bao gồm xe máy hai bánh có dung tích xilanh dưới 50 cm3, xe môtô hai bánh có dung tích xilanh từ 50 cm3 trở lên.
- Xe gắn máy hai bánh thuộc nhóm 8711 mã số hàng hóa trong Biểu Thuế xuất nhập khẩu (có hiệu lực với Thông tư này).
2. Đối tượng điều chỉnh:
2.1. Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân được nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh không nhằm mục đích thương mại, mới 100%.
2.2. Các đối tượng dưới đây được nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh đã qua sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển (xe gắn máy hai bánh được sản xuất trong thời hạn tối đa là 03 năm tính đến thời điểm nhập khẩu):
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao;
b) Cá nhân được hưởng ưu đãi về chính sách thuế theo quy định của nhà nước Việt Nam;
c) Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép trở về định cư ở Việt Nam;
d) Công dân Việt Nam được cơ quan Nhà nước (bao gồm Quốc Hôị, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cáo, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) cử đi công tác, làm việc, làm chuyên gia ở nước ngoài với thời hạn 3 năm trở lên (không bao gồm người đi học tập, lao động).
3. Chính sách thuế:
Nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh thực hiện theo chính sách thuế hiện hành áp dụng cho từng đối tượng cụ thể.
II. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC NHẬP KHẨU, TẠM NHẬP KHẨU XE GẮN MÁY HAI BÁNH
1. Về hồ sơ hải quan:
1.1. Tờ khai hải quan xuất khẩu/nhập khẩu phi mậu dịch: 02 bản chính.
1.2. Vận tải đơn: 02 bản copy;
1.3. Văn bản đề nghị nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh và các giấy tờ liên quan khác theo quy định hiện hành đối với từng đối tượng cụ thể (như công hàm đề nghị và các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu đối với xe gắn máy hai bánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao quy định tại Nghị định số 73/CP ngày 30/07/1994 của Chính phủ; văn bản xác nhận của cơ quan Nhà nước Việt Nam mời người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc quy định tại Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản xác nhận là đối tượng chuyên gia ODA quy định tại Quyết định số 211/1999/QĐ-TTg ngày 31/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ...)
1.4. Riêng đối tượng nêu tại điểm 2.2.c, 2.2.d mục I Thông tư này nếu nhập khẩu xe gắn máy hai bánh đã qua sử dụng phải bổ sung thêm các giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị nhập khẩu xe gắn máy hai bánh có xác nhận địa chỉ cư trú của chính quyền địa phương (đối tượng nêu tại điểm 2.2.c) hoặc xác nhận kết thúc thời hạn công tác, làm việc, làm chuyên gia của cơ quan chủ quản (đối tượng nêu tại điểm 2.2.d);
- Quyết định của cơ quan Nhà nước cử đi công tác, làm việc, làm chuyên gia ở nước ngoài (đối tượng nêu tại điểm 2.2.d): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu;
- Quyết định hoặc Giấy báo tin của cơ quan Công an cho phép cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép trở về định cư ở Việt Nam (đối tượng nêu tại điểm 2.2.c theo quy định tại Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp cơ quan công an cấp Quyết định hoặc Giấy báo tin hồi hương): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu;
- Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn có giá trị về nước thường trú (đối tượng nêu tại điểm 2.2.c theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 ngày 01/07/2007 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Cư trú) có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu (trường hợp cơ quan Công an không cấp Quyết định hoặc Giấy báo tin hồi hương theo Luật Cư trú): 01 bản sao kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu;
- Hộ chiếu: 01 bản sao kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu;
- Sổ hộ khẩu do cơ quan Công an Việt Nam cấp: 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu;
- Giấy tờ chứng minh đã được phía nước ngoài cho phép thường trú hoặc cư trú vĩnh viễn hoặc vô thời hạn (đối tượng nêu tại điềm 2.2.c theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 ngày 01/07/2007 của Bộ Công an): 01 bản dịch có công chứng;
- Giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu của bản thân đối với xe gắn máy hai bánh như: giấy đăng ký xe hoặc giấy xác nhận thu hồi đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp, bằng lái xe (theo quy định của nước sở tại - nếu có): 01 bản sao kèm bản dịch tiếng Việt có công chứng;
2. Về thủ tục hải quan:
- Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp nhận hồ sơ hải quan để cấp, quản lý giấy phép cho các đối tượng có địa chỉ cư trú trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi cơ quan Hải quan đóng trụ sở chính. Nếu đối tượng ở tỉnh, thành phố không có tổ chức Hải quan thì đề nghị Cục Hải quan tỉnh, thành phố thuận tiện cấp giấy phép.
- Thủ tục hải quan nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.
3. Đối tượng nêu tại các điểm 2.2.c, 2.2.d thực hiện việc gửi xe gắn máy hai bánh đã qua sử dụng về nước trước khi làm thủ tục xuất cảnh và gửi từ chính nước mà đối tượng thường trú, cư trú hoặc công tác, làm việc, làm chuyên gia.
4. Kết thúc thủ tục thông quan đối với xe gắn máy hai bánh, cơ quan Hải quan xác nhận vào Tờ khai hải quan xuất khẩu/nhập khâu phi mậu dịch và không cấp Tờ khai nguồn gốc đối với xe gắn máy hai bánh nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
III. XỬ LÝ VI PHẠM
Mọi hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Đối tượng là cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BCT-BTC-BNG ngày 15/10/2007 của liên Bộ Công Thương - Tài chính - Ngoại giao hướng dẫn việc tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam, xuất khẩu, tái xuất khẩu, chuyển nhượng và tiêu hủy những vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của các Cơ quan Đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự và Cơ quan Đại diện các Tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam khi tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam xe gắn máy hai bánh thực hiện theo quy định tại Thông tư này và các văn bản liên quan khác.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý, theo dõi và thực hiện thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe môtô hai bánh.
4. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./