THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp
Căn cứ Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp;
Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện như sau:
Điều 1. Hướng dẫn một số khái niệm quy định tại khoản 3, Điều 1; khoản 2, khoản 3, Điều 2; khoản 5, Điều 3; khoản 2, Điều 4 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg
1. Người được cơ quan có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt trong thời gian thực hiện khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi quy định tại khoản 3, Điều 1 và khoản 2, Điều 4 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg là điều tra viên, kiểm sát viên được Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát các cấp phân công thực hiện nhiệm vụ điều tra, kiểm sát trong quá trình khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.
2. Việc giám định phức tạp quy định tại khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg là việc giám định có tình tiết rắc rối hoặc tình tiết khó, đòi hỏi người thực hiện giám định phải là người có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cao ở lĩnh vực cần giám định.
3. Môi trường bị ô nhiễm quy định tại khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg là môi trường có chỉ số vượt quá mức an toàn vệ sinh lao động cho phép theo quy định của Bộ Y tế về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 2 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg.
4. Môi trường bị ô nhiễm bởi các chất nguy hiểm đến sức khoẻ quy định tại khoản 3 Điều 2 và môi trường có chất nguy hiểm khi giám định không mổ tử thi, giám định mổ tử thi quy định tại khoản 5, Điều 3 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg là môi trường có chất phóng xạ, acid, bazơ hoặc chất khác gây nguy hại đến sức khoẻ của người thực hiện giám định theo quy định của Bộ Y tế về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động.
5. Vùng đang có dịch bệnh nguy hiểm quy định tại khoản 3, Điều 2 và khoản 5, Điều 3 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg là khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm thuộc nhóm A hoặc nhóm B và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
6. Trường hợp thời gian thực hiện một việc giám định không đủ 8 tiếng thì số tiền bồi dưỡng thực hiện việc giám định đó được tính theo công thức sau đây:
Thời gian làm giám định x mức tiền bồi dưỡng
|
8 tiếng thực hiện giám định
|
Điều 2. Nguồn kinh phí chi trả
1. Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ án hình sự do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính được tính trong chi phí giám định do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật tố tụng hành chính.
Điều 3. Lập dự toán, quản lý và thanh quyết toán tiền bồi dưỡng giám định tư pháp
1. Cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm tạm ứng tiền bồi dưỡng giám định cho tổ chức, cá nhân tiếp nhận trưng cầu giám định khi trưng cầu giám định và phải thanh toán tiền bồi dưỡng giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.
Trong trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi thì sau khi thanh toán việc chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp, cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm chi trả bồi dưỡng giám định cho người tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg.
2.Việc lập dự toán, quản lý và thanh quyết toán kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến chế độ tài chính bảo đảm thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
3. Các cơ quan trưng cầu giám định, các tổ chức, cá nhân được trưng cầu và thực hiện giám định, các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Đối với các việc giám định tư pháp được trưng cầu và tiếp nhận thực hiện kể từ ngày 01/7/2009 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì chế độ bồi dưỡng giám định được tính theo mức bồi dưỡng quy định tại Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg.
Trong trường hợp việc giám định đã được cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán tiền bồi dưỡng giám định tư pháp theo mức bồi dưỡng quy định tại Quyết định số 160/TTg, Quyết định số 57/1998/QĐ-TTg ngày 5 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 160/TTg ngày 15 tháng 3 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp và các văn bản hướng dẫn thì cơ quan trưng cầu giám định đó có trách nhiệm chi trả tiếp phần tiền bồi dưỡng giám định chênh lệch so với mức bồi dưỡng quy định tại Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg.
3. Bãi bỏ Thông tư liên bộ số 355/TT-LB ngày 12/10/1996 của Liên Bộ Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Tài chính - Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 160/TTg ngày 15/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp; Thông tư liên tịch số 04/1998/TTLT/TCCP-TC-TP ngày 23/7/1998 của Ban Tổ chức - Cán bộ chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 57/1998/QĐ-TTg ngày 05/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 160/TTg ngày 15/3/1996.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp để phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ nghiên cứu, giải quyết./.