THÔNG TƯ
Hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế
Thực hiện Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập, sau khi có sự thoả thuận của Bộ Nội vụ tại Công văn số 1735/ BNV-TL ngày 13/7/2005 và Bộ Tài chính tại Công văn số 8363/ BTC-PC ngày 05/7/2005, Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng:
Các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc hệ thống y tế nhà nước đều được xem xét, xếp hạng:
a) Các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương và bệnh viện thuộc các Bộ, ngành;
b) Các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương và các Bộ ngành.
2. Mục đích của việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế:
a) Hoàn chỉnh về tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật và chất lượng công tác;
b) Đầu tư phát triển các đơn vị sự nghiệp y tế trong từng giai đoạn thích hợp;
c) Phân tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế;
d) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí lao động và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức trong ngành Y tế.
3. Số hạng đơn vị sự nghiệp y tế
Các đơn vị sự nghiệp y tế được chia thành 5 hạng: Hạng đặc biệt (chỉ áp dụng đối với một số bệnh viện lớn), Hạng I, Hạng II và Hạng III và hạng IV.
II. NGUYÊN TẮC VÀ TIÊU CHUẨN XẾP HẠNG
A. Nguyên tắc xếp hạng
1. Việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế được xác định trên nguyên tắc đánh giá chấm điểm theo 5 nhóm tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư này:
- Nhóm tiêu chuẩn I:Vị trí, chức năng và nhiệm vụ.
- Nhóm tiêu chuẩn II:Quy mô và nội dung hoạt động.
- Nhóm tiêu chuẩn III: Cơ cấu lao động và trình độ cán bộ.
- Nhóm tiêu chuẩn IV:Khả năng chuyên môn, hiệu quả chất lượng công việc.
- Nhóm tiêu chuẩn V:Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
2. Căn cứ vào tổng số điểm đơn vị đạt được theo các nhóm tiêu chuẩn nêu trên để xếp hạng tổ chức.
3. Tất cả các đơn vị đã xếp hạng và chưa xếp hạng, đều thực hiện xem xét để xếp hạng, xếp hạng lại theo quy định tại Thông tư này.
4. Sau 5 năm (đủ 60 tháng), kể từ ngày có quyết định xếp hạng, các cơ quan ra quyết định xếp hạng có trách nhiệm xem xét, xếp lại hạng của đơn vị.
B. Tiêu chuẩn xếp hạng:
Căn cứ để xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế dựa trên Tiêu chuẩn và Bảng điểm xếp hạng quy định tại Phụ lục 1 (đối với bệnh viện) và Phụ lục 2 (đối với hệ y tế dự phòng) ban hành kèm theo Thông tư này.
C. Điểm số và xếp hạng:
Xếp hạng |
Hạng đặc biệt | Hạng I | Hạng II | Hạng III | Hạng IV |
Điểm xếp hạng | Đạt 100 điểm và các tiêu chuẩn của hạng đặc biệt | Từ 90 đến 100 | Từ 70 đến dưới 90 | Từ 40 đến dưới 70 | Dưới 40 |
D. Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo
TT | Chức danh lãnh đạo | Hạng đặc biệt | Hạng I | Hạng II | Hạng III | Hạng IV |
1 | Giám đốc, Viện trưởng | 1,1 | 1,0 | 0,8 | 0,7 | 0,6 |
2 | Phó giám đốc, Phó viện trưởng | 0,9 | 0,8 | 0,6 | 0,5 | 0,4 |
3 | Trưởng khoa, phòng và các chức vụ tương đương | 0,7 | 0,6 | 0,5 | 0,4 | 0,3 |
4 | Phó trưởng khoa, phòng; Y tá trưởng, Kỹ thuật viên trưởng, Nữ hộ sinh trưởng khoa và các chức vụ tương đương | 0,6 | 0,5 | 0,4 | 0,3 | 0,2 |
5 | Trưởng trạm y tế | | | | | 0,2 |
6 | Phó trưởng trạm y tế | | | | | 0,15 |
III. THẨM QUYỀN, HỒ SƠ, THỦ TỤC XẾP HẠNG TỔ CHỨC
1. Thẩm quyền quyết định công nhận xếp hạng
1.1. Thẩm quyền của Bộ Nội vụ:
a) Các đơn vị xếp hạng đặc biệt.
b) Các đơn vị khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ.
1.2. Thẩm quyền của Bộ Y tế:
a) Quyết định công nhận xếp hạng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế (trừ các đơn vị xếp hạng đặc biệt và các đơn vị khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ).
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng các tiêu chí xếp hạng đối với các đơn vị sự nghiệp y tế.
1.3. Thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Quyết định công nhận xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc thẩm quyền quản lý từ hạng I trở xuống và gửi báo cáo về Bộ Nội vụ, Bộ Y tế.
1.4. Thẩm quyền của các Bộ, ngành khác:
Quyết định công nhận xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc thẩm quyền quản lý từ hạng I trở xuống và gửi báo cáo về Bộ Nội vụ, Bộ Y tế.
2. Hồ sơ đề nghị xếp hạng
2.1. Công văn đề nghị xếp hạng của đơn vị.
2.2. Bảng phân tích, chấm điểm theo các nhóm tiêu chuẩn và các văn bản, tài liệu chứng minh số điểm đã đạt được kèm theo (lấy số liệu của 02 năm trước liền kề năm đề nghị xếp hạng và các tài liệu kế hoạch thực hiện của năm đề nghị xếp hạng).
IV. HIỆU LỰC THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 13/BYT-TT ngày 27/11/1993 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế; Thông tư số 03/2004/TT-BYT ngày 03/03/2004 của Bộ Y tế hướng dẫn xếp hạng bệnh viện; Thông tư số 21/BYT/TT ngày 02/12/1994 của Bộ Y tế hướng dẫn xếp hạng các viện không có giường bệnh trong ngành Y tế; Thông tư số 11/2002/TT-BYT ngày 8/7/2002 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ phụ cấp chức vụ đối với trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa thuộc các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 đến trước ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định xếp hạng đơn vị sự nghiệp y tế theo hướng dẫn tại Thông tư này, cán bộ, viên chức lãnh đạo được truy lĩnh và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch giữa mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới so với mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số cũ (nếu có) của chức danh hiện đảm nhiệm theo hạng cũ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Tổ chức cán bộ) để nghiên cứu và giải quyết./.