SắC LệNHSẮC LỆNH
SỐ: 136/SL NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 1949
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
CHỦ TỊCH
CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu Sắc lệnh số 77 ngày 21.12.1945 và các Sắc lệnh, quy lệ tiếp sau thành lập và tổ chức bộ máy chính quyền nhân dân tại các thị xã và thành phố;
Chiểu sắc lệnh số 254 - SL ngày 19.11.1948 tổ chức chính quyền nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến; bổ khuyết do Sắc lệnh số 20 - SL ngày 25.4.1949;
Chiểu Sắc lệnh số 255 - SL ngày 19.11.1948 tổ chức chính quyền nhân dân trong vùng tạm thời bị địch kiểm soát hoặc uy hiếp;
Chiểu Sắc lệnh số 37 - SL ngày 11.5.1949 đặt UBKCHC Hà Nội trực thuộc chính phủ Trung ương;
Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Theo quyết nghị của Hội Đồng Chính Phủ sau khi Ban Thường Trực Quốc Hội thoả thuận;
RA SẮC LỆNH
Điều 1
Trong thời kỳ kháng chiến, đối với Hội đồng nhân dân thị xã và Hội đồng nhân dân thành phố, những điều khoản trong Sắc lệnh số 77 - SL ngày 21.12.45 và các Sắc lệnh và quy lệ tiếp sau vẫn thi hành, trừ những sửa đổi sau đây.
Điều 2
Cho đến khi có lệnh mới, tạm hoãn việc bầu cử vào HĐND thị xã và HĐND thành phố.
Nếu số hội viên trong HĐND thị xã thiếu, UBKCHC Liên khu có thể theo đề nghị của UBKCHC tỉnh, chỉ định thêm một số hội viên.
Nếu số hội viên trong HĐND thành phố thiếu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thể, theo đề nghị của UBKCHC liên khu, hoặc UBKCHC Hà Nội, chỉ định thêm một số hội viên.
Nhưng tổng số hội viên HĐND thị xã hay thành phố cử và chỉ định không được quá tổng số đã định trong Sắc lệnh số 77 ngày 21.12.1945 và các Sắc lệnh quy lệ tiếp sau.
Điều 3
Nếu có điều kiện thuận tiện cho việc tổ chức bầu cử:
1 - UBKCHC liên khu có thể, theo đề nghị của UBKCHC tỉnh, cho phép bầu lại toàn thể HĐND thị xã.
2 - Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thể, theo đề nghị của UBKCHC liên khu hay UBKCHC Hà Nội, cho phép bầu lại toàn thể HĐND thành phố.
Trong trường hợp này, việc bầu ở HĐND thị xã và thành phố vẫn theo thể lệ cũ như đã định trong Sắc lệnh số 77 ngày 21.12.1945. Khi bầu hội viên HĐND thị xã và thành phố không cần bầu thêm hội viên dự khuyết.
Điều 4
Sau khi được chỉ định, những uỷ viên UBKCHC thị xã hay thành phố mà trước đây không có chân trong HĐND đều coi như hội viên HĐND cấp tương đương.
Điều 5
Chỉ thị nào có mặt quá nửa số hội viên (kể cả số hội viên được chỉ định) thì HĐND thị xã hay thành phố mới có thể thảo luận và biểu quyết được.
Nếu lần họp đầu không có mặt quá nửa số hội viên thì phải triệu tập lần thứ hai.
Trong kỳ họp lần thứ hai này chỉ khi nào có mặt ít nhất là 1/3 số hội viên thì HĐND thị xã hay thành phố mới có thể thảo luận và biểu quyết được.
Nếu lần thứ hai không có mặt ít nhất là 1/3 số hội viên thì:
- đối với HĐND thị xã, UBKCHC tỉnh phải trình lên UBKCHC liên khu.
- đối với HĐND thành phố, UBKCHC liên khu phải trình lên Bộ trưởng Bội Nội vụ.
- đối với HĐND thành phố Hà Nội, UBKCHC Hà Nội phải trình lên Bộ Nội vụ.
Điều 6
Thư ký HĐND thị xã hay thành phố là một uỷ viên trong UBKCHC cấp tương đương do uỷ ban ấy bầu ra.
Điều 7
Hạn 15 ngày nói trong điều 15 Sắc lệnh số 77 ngày 21.12.1945 về việc duyệt các nghị quyết của HĐND thành phố có thể do Bộ trưởng Bộ Nội vụ tạm thời tăng lên theo đề nghị của UBKCHC liên khu hay UBKCHC Hà Nội.
Điều 8
Những nhiệm vụ và quyền hạn của UBKCHC tỉnh, kỳ đối với HĐND thị xã, thành phố, ấn định trong Sắc lệnh số 77 ngày 21. 12. 1945 và các Sắc lệnh quy lệ tiếp thì nay là nhiệm vụ, quyền hạn của UBKCHC tỉnh, liên khu.
Điều 9
Trong những vùng tạm thời bị địch kiểm soát hoặc uy hiếp, khi số hội viên HĐND thị xã hay thành phố còn lại quá 1/3 số đã định thì HĐND đó vẫn đủ thẩm quyền làm việc.
Nếu số hội viên HĐND còn lại không quá 1/3 số đã định thì có thể chỉ định thêm hội viên để tiếp tục làm việc theo thủ tục sau đây:
- Thị xã: Những hội viên HĐND còn lại (kể cả những hội viên là uỷ viên trong UBKCHC thị xã) đề nghị lên UBKCHC tỉnh, UBKCHC tỉnh đề nghị lên UBKCHC liên khu quyết định.
- Thành phố: Những hội viên HĐND còn lại (kể cả những hội viên là uỷ viên trong UBKCHC thành phố) đề nghị lên UBKCHC liên khu, UBKCHC liên khu lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định.
Điều 10
Nếu những nơi tạm thời bị địch kiểm soát hoặc uy hiếp, chưa có HĐND thị xã hay thành phố thì có thể chỉ định ra một HĐND lâm thời, theo thủ tục sau đây:
- Thị xã: HĐND lâm thời do UBKCHC thị xã đề nghị qua UBKCHC tỉnh lên UBKCHC Liên khu quyết định.
- Thành phố: HĐND lâm thời do UBKCHC thành phố đề nghị lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ qua UBKCHC Liên khu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Chủ tịch Chính phủ rồi quyết định.
- Hà Nội: HĐND lâm thời do UBKCHC Hà Nội đề nghị lên Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình lên Chủ tịch Chính phủ rồi quyết định.
Điều 11
Số hội viên HĐND lâm thời thị xã gồm từ 7 đến 15 người, số hội viên HĐND lâm thời thành phố gồm từ 10 đến 20 người.
Số hội viên HĐND lâm thời mỗi cấp sẽ do cấp có quyền chỉ định ấn định.
Điều 12
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiểu Sắc lệnh thi hành.