NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài
_____________________________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu; các hoạt động ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu, đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa.
2. Hàng hoá là tài sản di chuyển, hàng hoá phục vụ nhu cầu của cá nhân có thân phận ngoại giao và hành lý cá nhân theo quy định của pháp luật, thực hiện theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thương nhân Việt Nam; các tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại quy định tại Luật Thương mại.
Chương II
XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ
Điều 3. Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):
Trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.
2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam:
Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan và các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết hoặc gia nhập.
Căn cứ pháp luật hiện hành và các Điều ước quốc tế, Bộ trưởng Bộ Thương mại công bố lộ trình và phạm vi hoạt động kinh doanh của thương nhân quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 4. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành.
2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn, chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan.
3. Các hàng hóa khác không thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và các hàng hóa không thuộc quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, chỉ phải làm thủ tục thông quan tại Hải quan cửa khẩu.
Điều 5. Hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
1. Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (Phụ lục số 01).
2. Việc điều chỉnh Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
3. Trong trường hợp cần thiết, việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc Danh mục tại Phụ lục số 01 nêu trên do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 6. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại
1. Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại (Phụ lục số 02).
2. Đối với hàng hoá xuất khẩu theo hạn ngạch do nước ngoài quy định, Bộ Thương mại thống nhất với các Bộ quản lý sản xuất và Hiệp hội ngành hàng để xác định phương thức giao hạn ngạch bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, hợp lý.
3. Đối với hàng hóa thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, Bộ Thương mại công bố lượng hạn ngạch thuế quan, phương thức điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng sau khi tham khảo ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ quản lý sản xuất liên quan; Việc xác định mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch và mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan quản lý sản xuất và Bộ Thương mại để quyết định và công bố theo luật định.
4. Đối với hàng hoá thuộc Danh mục xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép tự động, Bộ Thương mại công bố và tổ chức thực hiện trong từng thời kỳ.
Điều 7. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của các Bộ quản lý chuyên ngành
1. Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành và nguyên tắc quản lý áp dụng Danh mục này trong từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành (Phụ lục số 03).
2. Cơ quan cấp phép phải công bố công khai tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp phép; thủ tục cấp phép được thực hiện theo đúng Quy chế về thủ tục cấp phép nhập khẩu hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Điều 8. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch động thực vật, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng trước khi thông quan
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Danh mục hàng hóa phải tiến hành kiểm dịch động thực vật trước khi thông quan và quy định tiêu chuẩn cụ thể các loại hàng hóa thuộc danh mục này.
2. Bộ Y tế công bố Danh mục các loại hàng hóa phải kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi thông quan và quy định tiêu chuẩn cụ thể của các loại hàng hóa thuộc danh mục này.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ công bố danh mục các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng bắt buộc trước khi thông quan và quy định tiêu chuẩn cụ thể của các loại hàng hóa thuộc danh mục này.
Điều 9. Công bố danh mục hàng hóa theo mã số HS và điều chỉnh danh mục hàng hóa tại các phụ lục 01, 02, 03
1. Bộ Thương mại, các Bộ quản lý chuyên ngành thống nhất với Bộ Tài chính để công bố mã số HS của hàng hóa trong Biểu thuế xuất nhập khẩu đối với danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục số 01, 02, 03 Nghị định này.
2. Việc điều chỉnh danh mục hàng hóa quy định tại các Phụ lục số 02, 03 do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Thương mại và các Bộ quản lý chuyên ngành.
Điều 10. Một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định riêng
1. Xuất khẩu gạo các loại và lúa hàng hoá.
Thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đều được phép xuất khẩu gạo, lúa hàng hoá.
Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, điều hành việc xuất khẩu gạo hàng năm theo nguyên tắc: bảo đảm về an ninh lương thực; tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hoá trong nước; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý khi các nguyên tắc này không được bảo đảm hài hoà.
Đối với những hợp đồng xuất khẩu theo thoả thuận của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài (hợp đồng Chính phủ), Bộ Thương mại trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam để Hiệp hội thống nhất việc tổ chức giao dịch, ký kết hợp đồng và giao hàng.
Bộ Thương mại xây dựng Quy chế để từng bước tổ chức đấu thầu thực hiện các hợp đồng này.
2. Nhập khẩu xăng dầu, nhiên liệu.
Việc nhập khẩu xăng dầu, nhiên liệu thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.
3. Nhập khẩu ô tô các loại đã qua sử dụng.
Ô tô các loại đã qua sử dụng được nhập khẩu phải bảo đảm điều kiện: loại đã qua sử dụng không quá 05 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.
4. Tái xuất khẩu các loại vật tư nhập khẩu chủ yếu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ để nhập khẩu.
Các mặt hàng nhập khẩu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu, chỉ được tái xuất khẩu thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Bộ Thương mại công bố cụ thể Danh mục hàng hoá này trong từng thời kỳ và tổ chức thực hiện.
5. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà.
Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điều các loại và các cam kết quốc tế có liên quan, Bộ Thương mại chủ trì cùng Bộ Công nghiệp quy định cụ thể việc nhập khẩu mặt hàng này.
6. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng phục vụ an ninh, quốc phòng
Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ an ninh, quốc phòng, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng quy định việc cấp phép để thực hiện.
7. Nhập khẩu gỗ các loại từ các nước có chung đường biên giới.
Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể việc nhập khẩu phù hợp luật pháp của Việt Nam và các nước cũng như các thoả thuận có liên quan của Việt Nam với các nước.
Điều 11. Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá
Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu với những thị trường nhất định hoặc với những mặt hàng nhất định để bảo vệ an ninh và các lợi ích quốc gia, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết hoặc gia nhập. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được công bố công khai để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước biết.
Bộ Thương mại thông báo với các tổ chức kinh tế quốc tế, các nước có liên quan theo thủ tục đã thoả thuận, khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá nêu tại Điều này.
Chương III
TẠM NHẬP TÁI XUẤT, TẠM XUẤT TÁI NHẬP, CHUYỂN KHẨU HÀNG HOÁ
Điều 12. Tạm nhập tái xuất hàng hóa
1. Thương nhân được quyền kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa theo các quy định sau đây:
a) Việc tạm nhập tái xuất hàng hoá thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hoá thuộc Phụ lục số 02, số 03 kèm theo Nghị định này (nếu có quy định cấp phép) thương nhân phải có giấy phép của Bộ Thương mại.
b) Đối với các loại hàng hoá khác không thuộc điểm a khoản 1 Điều này, thương nhân chỉ cần làm thủ tục tạm nhập tái xuất tại Hải quan cửa khẩu.
2. Hàng hóa tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn thương nhân có văn bản gửi Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục đề nghị gia hạn; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá ba mươi ngày và không quá hai lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất.
3. Hàng tạm nhập tái xuất phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
4. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
5. Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.
Điều 13. Các hình thức tạm nhập tái xuất khác
1. Hàng hóa là thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, khuôn, mẫu không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, được phép tạm nhập tái xuất theo các hợp đồng thuê, mượn của thương nhân Việt Nam ký với bên nước ngoài để sản xuất, thi công. Thủ tục tạm nhập tái xuất giải quyết tại Hải quan cửa khẩu. Việc tạm nhập tái xuất các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý bằng giấy phép thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12.
2. Thời hạn tạm nhập tái xuất thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Hải quan cửa khẩu.
3. Thương nhân được quyền tạm nhập hàng hóa mà thương nhân đã xuất khẩu để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và tái xuất khẩu trả lại thương nhân nước ngoài. Thủ tục tạm nhập tái xuất giải quyết tại Hải quan cửa khẩu.
Điều 14. Tạm xuất tái nhập hàng hóa
1. Thương nhân được tạm xuất tái nhập các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải để sửa chữa, bảo hành, sản xuất, thi công, cho thuê, theo các hợp đồng sửa chữa, bảo hành, sản xuất, thi công, cho thuê với nước ngoài. Thủ tục tạm xuất tái nhập quy định như sau:
a) Hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng hoá thuộc Phụ lục số 02, số 03 kèm theo Nghị định này (nếu có quy định cấp phép) phải có giấy phép của Bộ Thương mại.
b) Các loại hàng hóa khác không thuộc điểm a khoản 1 Điều này, thương nhân chỉ cần làm thủ tục tạm xuất tái nhập tại Hải quan cửa khẩu.
2. Thời hạn tạm xuất tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Hải quan cửa khẩu.
3. Hàng hóa tạm xuất quy định tại Điều này được phép nhượng bán, biếu tặng, trả lại khách hàng nước ngoài hoặc dùng làm tài sản để góp vốn vào liên doanh đầu tư ở nước ngoài theo thỏa thuận trong hợp đồng của thương nhân với bên nước ngoài, trừ hàng hoá tạm xuất tái nhập thuộc điểm a khoản 1 Điều này phải có giấy phép của Bộ Thương mại trước khi thực hiện thoả thuận với bên nước ngoài. Thủ tục thanh khoản lô hàng tạm xuất đó giải quyết tại Hải quan cửa khẩu, nơi làm thủ tục tạm xuất khẩu.
4. Việc thanh toán tiền hàng máy móc, thiết bị thi công, phương tiện vận tải nhượng bán hoặc dùng làm tài sản để góp vốn vào liên doanh đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc các quy định hiện hành về đầu tư ra nước ngoài của thương nhân Việt Nam.
Điều 15. Chuyển khẩu hàng hóa
Thương nhân được quyền kinh doanh chuyển khẩu hàng hoá theo quy định sau đây:
1.Trừ hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều này, các loại hàng hóa khác đều được phép kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu; thủ tục chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam giải quyết tại Hải quan cửa khẩu.
2. Đối với hàng hóa thuộc thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân được thực hiện chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam sau khi có giấy phép của Bộ Thương mại. Trường hợp việc chuyển khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam, thương nhân không cần xin giấy phép của Bộ Thương mại.
3. Hàng hóa chuyển khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
4. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức kinh doanh chuyển khẩu phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
5. Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.
Điều 16. Chống chuyển tải bất hợp pháp
Để ngăn ngừa tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại, bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ Thương mại báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi công bố danh mục mặt hàng tạm ngừng kinh doanh theo các phương thức tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; quy định điều kiện đối với một số mặt hàng hoặc ban hành danh mục mặt hàng kinh doanh theo các phương thức này phải có giấy phép của Bộ Thương mại.
Chương IV
ỦY THÁC VÀ NHẬN ỦY THÁC XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ
Điều 17. Ủy thác và nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa
Thương nhân được ủy thác cho thương nhân khác xuất khẩu, nhập khẩu hoặc được nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu từ thương nhân khác các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Điều 18. Ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép quy định tại Nghị định này, bên ủy thác hoặc bên nhận ủy thác phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu trước khi ký hợp đồng ủy thác hoặc nhận ủy thác.
Điều 19. Ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của tổ chức, cá nhân không phải thương nhân
Các tổ chức, cá nhân Việt Nam không phải thương nhân trên cơ sở hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật, được ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Điều 20. Quyền lợi và nghĩa vụ của Bên ủy thác, Bên nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu do các bên tự thoả thuận trong hợp đồng ủy thác, nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
Chương V
ĐẠI LÝ MUA, BÁN HÀNG HOÁ VỚI NƯỚC NGOÀI
Mục 1
ĐẠI LÝ MUA, BÁN HÀNG HOÁ CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
Điều 21. Thương nhân làm đại lý mua, bán hàng hoá cho thương nhân nước ngoài
1. Thương nhân được làm đại lý mua, bán các loại hàng hoá cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được Bộ Thương mại cấp phép.
2. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì thương nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.
3. Thương nhân được thanh toán tiền bán hàng đại lý bằng Việt Nam đồng hoặc bằng ngoại tệ cho thương nhân nước ngoài theo quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc thanh toán bằng hàng hóa không thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu; trong trường hợp thanh toán bằng hàng hóa thuộc Danh mục hàng hoá xuất khẩu theo giấy phép phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
4. Thương nhân làm đại lý mua hàng phải yêu cầu thương nhân nước ngoài chuyển tiền bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng để mua hàng theo hợp đồng đại lý.
Điều 22. Nghĩa vụ về thuế
1. Hàng hoá thuộc hợp đồng đại lý mua, bán phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Thương nhân Việt Nam có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp các loại thuế và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hàng hoá thuộc hợp đồng đại lý mua bán và hoạt động kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu
Hàng hoá thuộc hợp đồng đại lý mua, bán với thương nhân nước ngoài khi xuất khẩu, nhập khẩu phải được làm thủ tục theo đúng quy định như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 4 Nghị định này.
Điều 24. Trả lại hàng
Hàng hoá thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài được tái xuất khẩu nếu không tiêu thụ được tại Việt Nam. Việc hoàn thuế được thực hiện theo các quy định của Bộ Tài chính.
Mục 2
THUÊ THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI LÀM ĐẠI LÝ BÁN HÀNG TẠI NƯỚC NGOÀI
Điều 25. Thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán hàng tại nước ngoài
1. Thương nhân được thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán hàng tại nước ngoài các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép quy định tại Nghị định này, thương nhân chỉ được ký hợp đồng thuê đại lý bán hàng tại nước ngoài sau khi được Bộ Thương mại cho phép.
2. Thương nhân thuê đại lý bán hàng tại nước ngoài phải ký hợp đồng đại lý với thương nhân nước ngoài và phải chuyển các khoản tiền thu được từ hợp đồng bán hàng về nước theo quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Trường hợp nhận tiền bán hàng bằng hàng hóa, thương nhân phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về hàng hóa nhập khẩu.
Điều 26. Nghĩa vụ về thuế
1. Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại nước ngoài phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Thương nhân có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp các loại thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hoạt động thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán hàng tại nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 27. Nhận lại hàng
1. Hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng đại lý bán hàng tại nước ngoài được nhập khẩu trở lại Việt Nam trong trường hợp không tiêu thụ được tại nước ngoài.
2. Hàng hóa nhập khẩu trở lại Việt Nam nêu tại khoản 1 Điều này không phải chịu thuế nhập khẩu và được hoàn thuế xuất khẩu (nếu có) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 28. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu
Hàng hoá xuất khẩu thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại nước ngoài khi xuất khẩu, nhập khẩu trở lại Việt Nam theo quy định tại Điều 27 Nghị định này phải làm thủ tục theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 4 Nghị định này.
Chương VI
GIA CÔNG HÀNG HOÁ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Mục 1
NHẬN GIA CÔNG CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
Điều 29. Thương nhân nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài
Thương nhân, kể cả thương nhân có vốn đầu tư của nước ngoài được nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng sau khi được Bộ Thương mại cấp phép.
Điều 30. Hợp đồng gia công
Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương và có thể bao gồm các điều khoản sau:
a) Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp;
b) Tên, số lượng sản phẩm gia công;
c) Giá gia công;
d) Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán;
đ) Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công;
e) Danh mục và trị giá máy móc thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có);
g) Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê mượn, nguyên liệu, phụ liệu vật tư dư thừa sau khi kết thức hợp đồng gia công.
h) Địa điểm và thời gian giao hàng;
i) Nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá;
k) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Điều 31. Định mức sử dụng, định mức tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư
Định mức sử dụng, định mức tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư do các bên thoả thuận trong hợp đồng gia công, có tính đến các định mức, tỷ lệ hao hụt được hình thành trong các ngành sản xuất, gia công có liên quan của Việt Nam tại thời điểm ký hợp đồng. Người đứng đầu thương nhân nhận gia công trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu vào đúng mục đích gia công và tính chính xác của định mức sử dụng, định mức tiêu hao và tỷ lệ hao hụt của nguyên phụ liệu gia công.
Điều 32. Thuê, mượn, nhập khẩu máy móc thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công
Bên nhận gia công được thuê, mượn máy móc, thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công. Việc thuê, mượn hoặc tặng máy móc, thiết bị phải được thoả thuận trong hợp đồng gia công.
Điều 33. Quyền, nghĩa vụ của bên đặt và nhận gia công
1. Đối với bên đặt gia công:
a) Giao toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu vật tư gia công theo thoả thuận tại hợp đồng gia công;
b) Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho bên nhận gia công thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp được phép xuất khẩu tại chỗ, tiêu huỷ, biếu, tặng theo quy định tại Nghị định này;
c) Được cử chuyên gia đến Việt Nam để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công;
d) Chịu trách nhiệm về quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá;
đ) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động gia công và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết;
e) Được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các Bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với bên nhận gia công:
a) Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công; được miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gia công.
b) Được thuê thương nhân khác gia công;
c) Được cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công và phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với phần nguyên, phụ liệu, vật tư mua trong nước;
d) Được nhận tiền thanh toán của bên đặt gia công bằng sản phẩm gia công, trừ sản phẩm thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với sản phẩm thuộc Danh mục hàng hoá nhập khẩu có giấy phép phải được Bộ Thương mại hoặc tổ chức được Bộ Thương mại ủy quyền cấp phép.
đ) Phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động gia công xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất hàng hoá trong nước và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết;
e) Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của Bên đặt gia công.
3. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu:
a) Phải tuân thủ quy định về hàng hóa nhập khẩu, về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
b) Phải có hợp đồng mua bán ký giữa thương nhân nước ngoài hoặc người ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài với thương nhân nhập khẩu.
Điều 34. Gia công chuyển tiếp
Thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp. Theo đó:
1. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.
2. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo.
Điều 35. Thanh lý, thanh khoản hợp đồng gia công
1. Khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký hợp đồng gia công phải thanh lý hợp đồng và làm thủ tục thanh khoản hợp đồng với cơ quan Hải quan.
Đối với các hợp đồng gia công có thời hạn trên một năm thì hàng năm, bên nhận gia công phải thanh khoản hợp đồng với cơ quan Hải quan.
2. Căn cứ để thanh lý và thanh khoản hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt đã được thỏa thuận tại hợp đồng gia công.
3. Sau khi kết thúc hợp đồng gia công, máy móc thiết bị thuê, mượn theo hợp đồng, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu được xử lý theo thoả thuận của hợp đồng gia công nhưng phải phù hợp với luật pháp Việt Nam.
4. Việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên - Môi trường và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công.
5. Việc tặng máy móc thiết bị, nguyên, phụ liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm được quy định như sau:
a) Bên đặt gia công phải có văn bản tặng;
b) Bên được tặng phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định hiện hành về xuất nhập khẩu; phải nộp thuế nhập khẩu, thuế khác (nếu có) và đăng ký tài sản theo quy định hiện hành.
Điều 36. Thủ tục Hải quan
Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan và nghĩa vụ tài chính đối với hàng gia công xuất khẩu và theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến hợp đồng gia công.
Mục 2
ĐẶT GIA CÔNG HÀNG HÓA Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 37. Quy định chung
1. Thương nhân được đặt gia công ở nước ngoài các loại hàng hoá đã được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam để kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Việc xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công và nhập khẩu sản phẩm gia công phải tuân thủ các quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Hợp đồng đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài và thủ tục hải quan đối với xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá đặt gia công theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 Nghị định này.
Điều 38. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài
1. Được tạm xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư hoặc chuyển khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, từ nước thứ 3 cho bên nhận gia công để thực hiện hợp đồng gia công.
2. Được tái nhập khẩu sản phẩm đã gia công. Khi kết thúc hợp đồng đặt gia công, được tái nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa.
3. Được bán sản phẩm gia công và máy móc thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đã xuất khẩu để thực hiện hợp đồng gia công tại thị trường nước nhận gia công hoặc thị trường khác và phải nộp thuế theo quy định hiện hành.
4. Được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nếu không tái nhập khẩu thì phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu .
5. Được cử chuyên gia, công nhân kỹ thuật ra nước ngoài để kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm gia công.
6. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với sản phẩm gia công nhập khẩu phục vụ tiêu dùng trong nước.
Chương VII
QUÁ CẢNH HÀNG HÓA QUA LÃNH THỔ VIỆT NAM
Điều 39. Thương nhân làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh hàng hóa
Thương nhân có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận, vận tải được làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho chủ hàng nước ngoài quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.
Điều 40. Quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam
1. Các loại hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và các loại hàng hóa có độ nguy hiểm cao và hàng hóa thuộc Danh mục cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Thủ tục quá cảnh được giải quyết tại Hải quan cửa khẩu, nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia không có quy định khác.
Giao Bộ Thương mại công bố danh mục hàng hóa có độ nguy hiểm cao sau khi tham khảo ý kiến các Bộ, ngành liên quan.
2. Hàng hóa là các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và các loại hàng hóa có độ nguy hiểm cao chỉ được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
3. Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép được phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Bộ Thương mại cho phép, trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập có quy định khác thì thực hiện theo các quy định của điều ước quốc tế đó.
4. Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chịu sự giám sát của Hải quan Việt Nam trong suốt thời gian lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam, vào và ra khỏi Việt Nam theo đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; lượng hàng xuất ra phải đúng bằng lượng hàng nhập vào, nguyên đai, nguyên kiện.
5. Chủ hàng quá cảnh phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác áp dụng cho hàng hóa quá cảnh theo quy định hiện hành của Việt Nam.
6. Hàng hóa quá cảnh không được tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp cần thiết tiêu thụ tại Việt Nam phải xin phép Bộ Thương mại.
7. Bộ Thương mại hướng dẫn thủ tục thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam cho những Hiệp định quá cảnh có quy định khác với quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.
8. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục lưu kho, lưu bãi hàng hóa quá cảnh, thủ tục sang mạn, thay đổi phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh, gia hạn hàng hóa quá cảnh.
9. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn tuyến đường quá cảnh.
Chương VIII
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 41. Xử lý các vi phạm của thương nhân
Thương nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 42. Xử lý các vi phạm của cán bộ, công chức Nhà nước
Cán bộ, công chức Nhà nước nếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của Nghị định này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 43. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2006; thay thế Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với nước ngoài và Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998.
Mọi quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu trước đây trái với những quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện Nghị định này của các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan phải được ban hành để có hiệu lực thực hiện từ ngày 01 tháng 5 năm 2006.
2. Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan có kế hoạch cung cấp cho Bộ Thương mại và các Bộ, ngành liên quan tham gia công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất - nhập khẩu số liệu theo định kỳ và đột xuất về các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và các loại hình kinh doanh theo quy định của Nghị định này, số liệu về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo danh mục mặt hàng, thị trường và những số liệu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá liên quan cho Bộ Thương mại.
3. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định này; phát hiện và thông báo để các Bộ, ngành hữu quan điều chỉnh những quy định trái với Nghị định này nếu có trong các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này./.