Kính gửi:
Các Bộ, các ngành thuộc khu vực sản xuất,
Các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố,
Các Sở, Ty, Phòng Lao động.
Theo thống kê tai nạn lao động xảy ra ở các ngành trong năm 1963, số người bị chết đuối chiếm một tỷ lệ cao. Loại tai nạn này đã xảy ra nhiều ở những ngành: Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Thuỷ lợi, Kiến trúc, Giao thông vận tải, là những ngành mà công nhân, cán bộ phải thường xuyên làm việc trên sông nước hoặc thường xuyên phải qua lại các sông, ngòi, khe, suối...
Trong số người bị chết đuối, ngoài cán bộ và công nhân viên chức Nhà nước, còn có cả dân công và sơn tràng. Một số bị chết vì khi ngã xuống nước không biết bơi, cũng có nhiều người tuy đã biết bơi nhưng gặp khi nước chảy xiết lại không mang phao an toàn, không có đường dây vững chắc để làm chỗ dựa, không được cấp cứu kịp thời lúc lâm nguy, nên cuối cùng vì kiệt sức cũng đã bị chết đuối.
Tai nạn lao động chết đuối sở dĩ xảy ra nhiều, vì có những nguyên nhân chính sau đây:
1.
những nơi công nhân làm việc gần sông nước, nhiều công trường và xí nghiệp khi xây dựng quy trình làm việc chưa chú ý đúng mức đến điều kiện sông nước để có những biện pháp an toàn cần thiết. Một số nơi tuy có xây dựng được quy trình làm việc an toàn đầy đủ nhưng do thiếu kiểm tra, đôn đốc nên việc chấp hành còn nhiều thiếu sót.Khi có lũ lụt nhiều nơi thường huy động cán bộ và công nhân chống lũ lụt một cách ồ ạt, thiếu kế hoạch làm việc an toàn trên sông nước, thiếu trang bị phòng hộ cần thiết, thiếu biện pháp để cấp cứu khi có người bị nước lũ cuốn đi.
2. Phương tiện để làm việc an toàn trên sông nước nhiều nơi chưa chú ý mua sắm đủ, cầu bắc tạm qua sông, suối, làm cẩu thả, không có thuyền và mảng vững chắc để công nhân qua lại sông ngòi làm việc; không có phao bơi và dây để công nhân dùng khi bất đắc dĩ phải lội qua những nơi có nước chảy xiết.
3. Bố trí những người chưa biết bơi làm việc trên sông nước.
4. Về phía công nhân không chấp hành đúng các quy trình làm việc, không sử dụng những trang bị phòng hộ đã có (như dây, phao bơi,v.v...) cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn chết người, nói trên.
Để tạo điều kiện cho công nhân làm việc trên sông nước được an toàn, ngăn chặn không để xảy ra những tai nạn lao động chết đuối. Bộ Lao động quy định một số biện pháp cấp thiết dưới đây:
1. Các ngành quản lý sản xuất, các công trường và xí nghiệp có sử dụng công nhân, viên chức thường xuyên làm việc trên sông nước, hoặc hàng ngày phải qua lại những nơi sông nước, cần căn cứ vào mọi nguy cơ về sông nước có thể xảy đến cho công nhân của ngành hoặc đơn vị mình mà nghiên cứu xây dựng những quy trình làm việc bảo đảm an toàn lao động, và kiên trì giáo dục, kiểm tra đôn đốc để mọi người trong đơn vị thực hiện đúng đắn các quy trình đó. Không được giao cho công nhân, viên chức làm những việc nguy hiểm trên sông nước nếu chưa có kế hoạch chu đáo để đảm bảo an toàn lao động.
2. Phải cung cấp đủ và kịp thời cho công nhân, viên chức làm những việc nói trên những phương tiện làm việc và những trang bị phòng hộ cần thiết như thuyền mảng, dây, phao bơi,v.v., và phải định kỳ kiểm tra để đảm bảo những thứ này luôn luôn có chất lượng tốt.
3. Không được giao cho những người không biết bơi làm những việc thường xuyên trên sông nước như đóng, cốn bè mảng, đốt đèn biển và đèn sông, chở thuyền, kéo phà, v.v... Đối với những người hiện đang làm những công việc này nhưng chưa biết bơi, các công trường và xí nghiệp phải có kế hoạch để trong một thời gian ngắn, chậm nhất là một tháng sau khi nhận được thông tư này, huấn luyện cho họ biết bơi.
Nếu cần tuyển người mới để làm những việc nói trên nhất thiết phải tuyển những người đã biết bơi.
4. Trước khi bước vào mùa lũ lụt, các công trường và xí nghiệp có công nhân làm việc gần sông nước phải căn cứ vào điều kiện làm việc của đơn vị mình, lập kế hoạch chu đáo đề phòng tai nạn chết đuối, chuẩn bị đủ và kiểm tra kỹ chất lượng các phương tiện làm việc trên sông nước và các trang bị phòng hộ cần thiết cho công nhân.
5. Để sẵn sàng cứu những người bị ngã xuống nước hoặc trong khi làm việc dưới nước bị nước chảy xiết cuốn đi, các công trường và xí nghiệp nói trên cần có những tổ cấp cứu. Tham gia tổ cấp cứu phải là những người biết bơi thành thạo trong số công nhân thường xuyên có mặt ở nơi làm việc, không thoát ly sản xuất nhưng được trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết để cứu người chết đuối và được huấn luyện để làm trọn nhiệm vụ này (biết cách cứu vớt người chết đuối và cách cấp cứu người được vớt ở dưới nước lên).
6. Để thực hiện nhanh chóng được yêu cầu mọi người làm việc trên sông nước đều phải biết bơi. Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố và khu cần chỉ thị cho các Ban và Phòng thể dục thể thao ở địa phương tuyên truyền rộng rãi về lợi ích thiết thực của môn bơi lội đối với nhiệm vụ sản xuất, khuyến khích mọi người tập dượt và đặc biệt cần chú ý thực hiện tốt việc huấn luyện và cấp bằng về bơi lội cho những người đang phải thường xuyên làm việc trên sông nước.
7. Ngoài ra các công trường và xí nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu cả những biện pháp để đề phòng tai nạn về chết đuối trong sinh hoạt, như đặt biển báo ở những nơi có nước sâu, nước xoáy hay chảy xiết để nhắc nhở mọi người thận trọng khi tắm giặt, bố trí chỗ ở của công nhân trên địa điểm cao để khi lũ lụt, nước có dâng cao cũng không gây ra nguy hiểm v.v..
Ngoài những biện pháp chung kể trên, Bộ Lao động đề nghị ngành quản lý sản xuất, các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố và khu sẽ quy định thêm những biện pháp cụ thể, thích hợp với điều kiện làm việc đặc biệt của ngành hoặc địa phương mình và chỉ thị cho các xí nghiệp thuộc quyền nghiêm chỉnh thực hiện, tích cực ngăn chặn không để xảy ra tai nạn lao động về chết đuối.
Ngăn chặn được tai nạn lao động về sông nước là làm giảm được nhiều số lao động chết người thường xảy ra hàng năm. Các Sở, Ty và Phòng lao động cần khẩn trương bàn bạc với các ngành ở địa phương và tăng cường kiểm tra đôn đốc để tất cả các đơn vị có sử dụng công nhân, viên chức làm việc gần sông nước đều có biện pháp cụ thể nghiêm chỉnh thực hiện thông tư này.
Trong quá trình thực hiện thông tư, nếu có kinh nghiệm gì tốt các Sở, Ty và Phòng phản ảnh ngay cho Bộ biết để kịp thời phổ biến cho các nơi khác cùng áp dụng hoặc những khó khăn mắc mứu để kịp thời nghiên cứu góp ý kiến giải quyết.