Quốc hội thông qua báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình kinh tế - xã hội năm 1991 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1991 - 1995 và năm 1992.
Quốc hội nhấn mạnh một số vấn quan trọng sau đây:
I. Năm 1991 mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn đột biến hết sức gay gắt, nền kinh tế vẫn tiếp tục có một số chuyển biến tích cực; một số ngành sản xuất quan trọng được giữ vững và phát triển; tình hình chính trị, xã hội cơ bản ổn định. Đó là kết quả có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện những cố gắng lớn của nhân dân, của Hội đồng Bộ trưởng, các cấp, các ngành trong điều hành quản lý, chứng minh đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện nước ta.
Quốc hội biểu dương các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách lớn, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ năm 1991.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, có mặt gay gắt hơn trước. Công tác điều hành quản lý của Nhà nước còn nhiều khuyết điểm, nhất là về tài chính, tiền tệ, tín dụng Ngân hàng; chậm sắp xếp lại kinh tế quốc doanh; chưa tạo được môi trường để các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Đời sống của công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người về hưu, các đối tượng chính sách xã hội và nhân dân ở các vùng bị thiên tai và các dân tộc miền núi còn nhiêù khó khăn. Tổ chức bộ máy Nhà nước và công tác cán bộ chưa theo kịp yêu cầu của cơ chế mới; chưa kiên quyết giảm biên chế. Công tác thanh tra, kiểm tra còn bị buông lỏng. Hiệu quả của việc thi hành pháp luật còn hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là tệ tham nhũng và buôn lậu vẫn diễn ra phổ biến và nghiêm trọng. Một bộ phận cán bộ, nhân viên Nhà nước thoái hoá, biến chất, sống xa hoa lãng phí, tham ô, hối lộ, sử dụng một cách tuỳ tiện tiền bạc, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Việc xử lý các vi phạm pháp luật thiếu kiên quyết, chưa kịp thời và nghiêm minh, còn xảy ra tệ ô dù, bao che. Trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Tệ nạn xã hội phát triển. Quốc hội lưu ý Hội đồng Bộ trưởng cần có biện pháp kiên quyết khắc phục các yếu kém, các nhân tố bất lợi nói trên khi bước vào thực hiện các nhiệm vụ năm 1992 và các năm tới.
II. Về nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1991 - 1995.
Năm 1992 và các năm tới có những khó khăn, thuận lợi mới, là thời điểm có ý nghĩa quan trọng để đưa đất nước từng bước ra khỏi khủng hoảng và phát triển nhanh hơn.
Quốc hội nhất trí với những nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1991 - 1995 mà Hội đồng Bộ trưởng đã trình Quốc hội và nhấn mạnh các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, xây dựng hệ thống tài chính thống nhất, phấn đấu tiến tới ổn định nền tài chính, tiền tệ quốc gia.
2. Đưa nền kinh tế - xã hội đi dần vào thế ổn định; nâng dần nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế và hiệu quả của sản xuất xã hội. Thực hành triệt để tiết kiệm, nâng dần tích luỹ trong nền kinh tế, tăng vốn đầu tư, tập trung phát triển những ngành then chốt và những sản phẩm trọng yếu, những địa bàn và cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa lại hiệu quả nhanh, tạo nhiều việc làm; xây dựng kết cấu hạ tầng và một số công trình then chốt của nền kinh tế : xây dựng, triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi
3. Sử dụng có hiệu quả và không ngừng nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của đất nước, đưa nhanh công nghệ mới vào sản xuất.
4.
n định và từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Nhà nước có chương trình quốc gia giải quyết việc làm và khuyến khích người lao động tự tạo việc làm. Tiến hành cải cách chế độ tiền lương. Đáp ứng tốt hơn nhu cầu về học tập, hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật, bảo vệ và tăng cường sức khoẻ của nhân dân, chú ý miền núi và vùng các dân tộc thiểu số.5. Tiếp tục đổi mới một cách đồng bộ các chính sách quản lý kinh tế - xã hội. Cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về các mặt tổ chức, phương thức hoạt động và cán bộ, trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý vĩ mô của Nhà nước và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế quốc doanh.
6. Tiếp tục cuộc đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 4 "về công tác bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội"; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu.
7. Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường sự ổn định về chính trị, mở rộng quan hệ quốc tế.
III. Năm 1992 có vị trí hết sức quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ đến năm 1995, phải tạo cho được bước chuyển biến mới về ổn định kinh tế - xã hội để tạo thế đi lên trong những năm tiếp theo.
Năm 1992 phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu sau đây:
Thu nhập quốc dân tăng 4 - 4,5 so với năm 1991;
Sản xuất nông nghiệp tăng 3,3 so với năm 1991;
Sản xuất lương thực 22 - 22,5 triệu tấn;
Sản xuất công nghiệp tăng 6 - 7% so với năm 1991;
Kim ngạch xuất khẩu tăng 16% so với năm 1991;
Vốn đầu tư cơ bản 3.060 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách 1.700 tỷ đồng, từ vốn khấu hao cơ bản 1.360 tỷ đồng;
Giảm tỷ lệ phát triển dân số 0,6 phần nghìn.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, từ năm 1992 phải quán triệt thực hiện các chủ trương, biện pháp sau đây:
a. Kiềm chế, đẩy lùi lạm phát, phấn đấu ổn định tình hình tài chính, tiền tệ quốc gia.
Đổi mới cơ cấu thu chi ngân sách theo hướng Nhà nước trung ương thống nhất quản lý ngân sách. Thu trong nước bảo đảm các khoản chi thường xuyên và trả nợ. Từng bước tăng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế và sử dụng các nguồn vốn vay trong nước, ngoài nước, vốn khấu hao cơ bản để tăng vốn đầu tư cho phát triển. Thiết lập kỷ luật, kỷ cương tài chính Nhà nước. Thu đúng, thu đủ và thu kịp thời các loại thuế. Tập trung các nguồn thu vào ngân sách. Thí điểm việc cổ phần hoá một số cơ sở kinh tế quốc doanh để rút kinh nghiệm và có thêm nguồn vốn phát triển. Về Pháp lệnh thuế nhà đất, Quốc hội giao cho Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng xem xét điều chỉnh những điều chưa hợp lý trong Pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn thi hành, có hình thức thích hợp lấy thêm ý kiến ở một số địa phương, ngành và điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Pháp lệnh.
Đổi mới cơ chế lưu thông tiền tệ, tín dụng Ngân hàng theo cơ chế thị trường. Phấn đấu ổn định giá trị đồng tiền là một mục tiêu quan trọng trong mấy năm tới.
2. Khai thác mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, khơi dậy các nguồn lực của đất nước.
Củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trên những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân, sắp xếp lại các cơ sở kinh tế quốc doanh làm ăn thua lỗ; phát huy tiềm năng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các thành phần kinh tế dưới những hình thức doanh nghiệp thích hợp ở thành thị và nông thôn, chú trọng công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đổi mới các hợp tác xã nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện có theo thướng bảo đảm quyền làm chủ của các hộ xã viên, phát triển các hình thức hợp tác mới đa dạng, giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình. Thực hiện chính sách giao quyền sử dụng ruộng đất, mặt nước, đồi rừng lâu dài cho hộ gia đình. Nhà nước có chính sách bảo trợ sản xuất, nhất là cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm; cho vay vốn, đối với các hộ nông dân có sức lao động nhưng thiếu vốn; đặc biệt là thu hút lao động và vốn để khai thác ruộng đất còn hoang hoá để trồng lúa, màu, cây công nghiệp, cây ăn trái, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản v.v...
3. Mở rộng kinh tế đối ngoại, tăng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu. Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu phù hợp với tình hình mới. Thực hiện chính sách khuyến khích xuất khẩu và quản lý chặt chẽ nhập khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng hợp tác quốc tế . Chấn chỉnh các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu, xoá bỏ các đầu mối trung gian không cần thiết. Thực hiện thống nhất quản lý ngoại tệ. Chấn chỉnh việc cấp hạn ngạch, giấy phép xuất nhập khẩu.
4. Phấn đấu tăng vốn đầu tư và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư.
Có chính sách huy động tối đa các nguồn vốn trong xã hội để tăng mạnh đầu tư và phát triển sản xuất. Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các cơ sở then chốt của nền kinh tế. Các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh bằng vốn tự có và các hình thức huy động vốn vay trong và ngoài nước. Chú trọng đầu tư theo chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
5. Triển khai cải cách chế độ tiền lương từ những tháng đầu năm 1992 với bước đi thích hợp và tiếp tục mở rộng để hoàn thành cơ bản vào năm 1993.
Giải quyết việc làm gắn với thực hiện các chương trình về kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân tự giải quyết việc làm. Nhà nước dành một khoảng ngân sách để chi cho việc giảm biên chế ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp và tạo việc làm mới cho người lao động.
6. Thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội theo đúng pháp luật và chống tham nhũng, chống buôn lậu là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phải được tiến hành một cách kiên quyết, triệt để, thường xuyên và liên tục.
Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm khẩn trương chấn chỉnh công tác quản lý, nhất là quản lý kinh tế; chỉ đạo chặt chẽ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu. Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm lớn và nghiêm trọng. Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tăng cường giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng, chống buôn lậu. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần phát huy vai trò của mình trong cuộc đấu tranh này. Các cơ quan báo chí và thông tin đại chúng khác có trách nhiệm thông tin chính xác và kịp thời, hướng dẫn dư luận xã hội theo đúng mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh, đồng thời nêu cao cảnh giác với âm mưu phá hoại của kẻ địch.
7. Thực hiện chương trình cải cách hệ thống hành chính và tư pháp theo Hiến pháp.Nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của bộ máy Nhà nước, tiếp tục giảm biên chế đối với khu vực hành chính, sự nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng đội ngũ công chức Nhà nước và cán bộ các ngành nội chính.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, hãy đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, năng lực sáng tạo, khắc phục khó khăn, khai thác mọi tiềm năng và thuận lợi, phấn đấu thực hiện thắnglợi các nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra, giữ vững ổn định về mọi mặt và tạo thế phát triển của đất nước trong những năm sau.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26 tháng 12 năm 1991./.