CHỉ THịCHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc quản lý và bảo vệ động vật và thực vật quý hiếm.
Bảo vệ động vật và thực vật quý, hiếm là một việc quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường nói chung, đang được thế giới đặc biệt quan tâm.
Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về vấn đề này, nhưng đến nay việc săn bắt, khai thác động vật, thực vật quý, hiếm vẫn chưa được ngăn chặn; nhiều giống, loài, động vật, thực vật quý hiếm đã bị tiêu diệt hoặc đang có nguy cơ diệt chủng trong tương lai không xa.
Để thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về bảo việc tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn gien quý hiếm, vì sự phát triển bền vững của đất nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Lâm nghiệp nhanh chóng tổ chức hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc thi hành nghiêm túc Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 19/8/1991 và Nghị định số 18-HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng Quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ; tổ chức tốt việc bảo vệ các khu rừng cấm, vườn quốc gia và khu dự trữ thiên nhiên; ngăn chặn kịp thời và nghiêm trị những kẻ vi phạm.
2. Bộ Thuỷ sản kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ngày 25/4/1989; sớm hoàn chỉnh và ban hành các văn bản hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh trên phù hợp với từng hệ sinh thái (nước ngọt, nước lợ, nước phèn, nước biển).
3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cùng với ngành Lâm nghiệp và ngành Thuỷ sản kiểm tra việc thi hành các luật, Pháp lệnh và Nghị định nói trên, có những quyết định cần thiết thích hợp với tình hình địa phương và tổ chức nhân dân bảo vệ các động vật, thực vật quý, hiếm và đặc hữu thuộc địa phương mình (như sếu cổ trụi ở Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp; tê giác ở Bắc Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng; trĩ lam ở Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh,v.v...)
4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan lâm nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, hải quan, nội vụ, quản lý thị trường, thương nghiệp của địa phương thực hiện thống nhất các chủ trương và biện pháp sau đây:
- Không cho phép các khách sạn, cửa hàng bày và bán những chim, thú nhồi là động vật quý, hiếm và đặc hữu của địa phương.
- Kiểm tra chặt chẽ và ngăn chặn tệ mua bán trái phép các động vật quý, hiếm và đặc hữu ở các chợ nội địa và chợ đường biên để nuôi làm cảnh, để làm thuốc hoặc giết thịt.
- Hạn chế đến mức tối đa việc khai thác để đem bán ra nước ngoài các động vật dùng làm thức ăn đặc sản như rắn, rùa, cua, ếch và các động vật, thực vật khác tuy không phải là quý hiếm nhưng đang có nguy cơ bị cạn kiệt và do đó gây mất cân bằng sinh thái.
5. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm:
- Đôn đốc các ngành thực hiện nghiêm chỉnh các Luật, Pháp lệnh và quy định có liên quan về quản lý, bảo vệ các động vật, thực vật quý, hiếm. Phối hợp với các ngành hữu quan ra thông tư liên Bộ hướng dẫn cụ thể việc thi hành chỉ thị này.
- Nhanh chóng công bố cuốn "Sách đỏ Việt Nam" để các ngành và các địa phương có cơ sở triển khai công tác điều tra bảo vệ các động vật, thực vật quý, hiếm; kịp thời bổ sung các giống loài mới được phát hiện vào danh mục các động vật, thực vật cần được bảo vệ.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại xem xét và có kiến nghị chính thức với Chính phủ về việc nước ta tham gia các công ước quốc tế chống buôn bán qua biên giới các động vật quý, hiếm; nghiên cứu đề xuất các biện pháp để thi hành Công ước.
- Phối hợp và cung cấp tư liệu cho các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển các loại động vật, thực vật quý, hiếm.
- Định kỳ 6 tháng một lần tổng hợp tình hình báo cáo với Thủ tướng Chính phủ việc thi hành chỉ thị này.