Thông tưTHÔNG TƯ
LIÊN BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH
Thi hành Nghị định 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ
tiền lương mới trong doanh nghiệp, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện xếp hạng doanh nghiệp
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
Mục đích yêu cầu của việc xếp hạng doanh nghiệp là:
- Xếp lương chức vụ đối với viên chức quản lý doanh nghiệp;
- Xác định mức phụ cấp chức vụ đối với viên chức giữ chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương trở xuống.
- Bố trí, sử dụng hợp lý viên chức chuyên môn, nghiệp vụ trên cơ sở bảng lương quy định của Nhà nước.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Các doanh nghiệp, dơn vị được cấp có thẩm quyền của Nhà nước quyết định thành lập và được cấp giấy phép hoạt động hoặc tạm thời hoạt động, gồm:
1. Doanh nghiệp Nhà nước thành lập theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20/11/1991 về việc ban hành quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước.
2. Đơn vị sự nghiệp kinh tế hoạt động theo cơ chế hạch toán kinh tế.
3. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
III. NGUYÊN TẮC XẾP HẠNG
1. Việc xếp hạng của doanh nghiệp được xác định theo 2 nhóm chỉ tiêu: Mức độ phức tạp quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh không phân biệt vị trí ngành kinh tế - kỹ thuật, loại hình sản xuất kinh doanh và cấp tổ chức.
2. Hạng của doanh nghiệp gồm một hạng đặc biệt và 4 hạng đánh số thứ tự từ I đến IV. Trong cùng một Bộ, ngành, địa phương không nhất thiết phải có đủ các hạng doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp xếp hạng đặc biệt không phải xây dựng chỉ tiêu xếp hạng. Bộ chủ quản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
4. Doanh nghiệp xếp hạng I, Bộ chủ quản đề nghị, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.
5. Các doanh nghiệp còn lại (từ hạng II trở xuống), do Bộ, ngành chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, nếu cần thiết phải xếp hạng sẽ do Bộ chủ quản hướng dẫn, được vận dụng hạng của doanh nghiệp từ hạng 2 trở xuống và phải thấp hơn hạng của doanh nghiệp được xếp hạng. 6. Thời hạn để xem xét thay đổi hạng doanh nghiệp là 3 năm, việc phân cấp xem xét giải quyết theo quy định tại điểm 3, 4, 5 nêu trên.
IV. CHỈ TIÊU XẾP HẠNG
Chỉ tiêu xếp hạng (hạng I đến hạng IV) và tỷ trọng điểm của từng nhóm chỉ tiêu được quy định như sau:
1. Độ phức tạp quản lý chiếm 40%-45% tổng số điểm, trong đó gồm các chỉ tiêu cụ thể:
a. Vốn sản xuất kinh doanh: Chỉ tiêu này phải bảo đảm trọng điểm ít nhất là 20% tổng số điểm, được xác định theo 2 tiêu thức:
- Tổng số vốn được giao tính đến 31/12/1992, là số vốn hiện có thuộc nguồn ngân sách cấp và nguồn tự bổ sung. Trường hợp doanh nghiệp chưa được Nhà nước giao vốn thì lấy theo số liệu quyết toán được duyệt của năm 1992.
- Tỷ trọng vốn tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
b. Trình độ công nghệ sản xuất được đánh giá theo 3 mức: Thủ công, cơ khí, nửa tự động; đối với kinh doanh là chủng loại mặt hàng kinh doanh.
c. Phạm vi hoạt động được chia thành 3 mức:
- Hẹp (hoạt động trong tỉnh, vùng).
- Trung bình (hoạt động trong cả nước).
- Rộng (hoạt động trong nước và nước ngoài).
Hoặc xem xét chỉ tiêu về đầu mối quản lý trên cơ sở số các đơn vị trực thuộc nhiều hay ít.
d. Số lượng lao động tính theo số lao động thường xuyên trong danh sách trả lương cả doanh nghiệp (trừ lao động hợp đồng theo vụ, việc).
2. Hiệu quả sản xuất kinh doanh, chiếm từ 55%-60% tổng số điểm, trong đó gồm các chỉ tiêu cụ thể:
a. Doanh nghiệp thực hiện: Bao gồm doanh thu về thiêu thụ sản phẩm, kinh doanh dịch vụ chính và phụ tính theo đồng tiền Việt Nam như doanh thu quy định tại Luật thuế doanh thu và Nghị định số 351/HĐBT ngày 2/10/1990 quy định chi tiết thi hành Luật thuế doanh thu.
b. Thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước: Chỉ tiêu này phải bảo đảm tỷ trọng ít nhất là 20% tổng số điểm gồm: Các khoản nộp ngân sách (các loại thuế khấu hao cơ bản, các khoản nộp khác theo quy định của Nhà nước).
c. Lợi nhuận thực hiện: Là lợi nhuận thu được của doanh nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước (chưa kể thuế lợi tức).
d. Tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn giao.
Các chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh lấy theo số liệu đã được quyết toán của năm báo cáo và thực hiện của năm kế hoạch, tính đến thời điểm đề nghị xếp hạng doanh nghiệp, có tham khảo kết quả thực hiện của 2 năm trước đó.
Trước mắt trong năm 1993, lấy theo số liệu quyết toán của năm 1992 và thực hiện kế hoạch 1993 đến thời điểm xếp hạng doanh nghiệp, có đối chiếu tham khảo tình hình thực hiện các năm 1990, 1991.
Căn cứ vào 2 nhóm chỉ tiêu nêu trên, các Bộ, ngành quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng đối với ngành kinh tế - kỹ thuật, để áp dụng thống nhất trong cả nước, và tuỳ theo điều kiện cụ thể có thể thay đổi một vài chỉ tiêu cho hợp.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH XÂY DỰNG
TIÊU CHUẨN XẾP HẠNG
1. Phân loại và lựa chọn các chỉ tiêu
- Bộ, ngành tiến hành thống kê, phân loại doanh nghiệp thuộc quyền quản lý theo ngành kinh tế - kỹ thuật.
- Trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lựa chọn các chỉ tiêu phù hợp với doanh nghiệp theo ngành kinh tế - kỹ thuật để xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng.
Ví dụ: Ngành Cơ khí chọn các chỉ tiêu:
- Vốn;
- Trình độ công nghệ sản xuất;
- Đầu mối quản lý.
Ngành thương mại chọn các chỉ tiêu:
- Vốn;
- Chủng loại mặt hàng kinh doanh;
- Phạm vi hoạt động;
- Thống kê số liệu thực hiện ứng với các chỉ tiêu dùng xếp hạng doanh nghiệp.
2. Xác định tỷ trọng điểm và điểm của từng chỉ tiêu.
- Việc xác định tỷ trọng điểm và số điểm của từng chỉ tiêu do Bộ, ngành chủ quản quy định phù hợp với đặc điểm của ngành kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm tương quan hợp lý trong xếp hạng doanh nghiệp.
- Tổng số điểm tối đa của 2 nhóm chỉ tiêu được quy định là 100 điểm.
- Đối với các chỉ tiêu cần chía ra nhiều mức (thí dụ như chỉ tiêu trình độ công nghệ sản xuất - kinh doanh) thì cần xác định tỷ trọng điểm và điểm của từng mức cụ thể.
Ví dụ: Xác định tỷ trọng điểm và điểm của từng chỉ tiêu đối với doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí có thể như sau:
Chỉ tiêu | Tỷ trọng điểm (%) | Điểm tối đa (điểm) |
1. Độ phức tạp quản lý | 45 | 45 |
- Vốn | 20 | 20 |
- Trình độ công nghệ sản xuất | 10 | 10 |
Trong đó: | | |
- Thủ công | 3 | 3 |
- Cơ khí | 7 | 7 |
- Tự động và nửa tự động | 10 | 10 |
- Đầu mối quản lý | 7 | 7 |
- Số lao động | 8 | 8 |
2. Hiệu quả sản xuất kinh doanh | 55 | 55 |
- Doanh thu | 15 | 15 |
- Thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước | 20 | 20 |
- Lợi nhuận | 10 | 10 |
- Tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn giao | 10 | 10 |
Cộng | 100 | 100 |
3. Xác định thang điểm của từng chỉ tiêu cụ thể và bảng điểm chuẩn để xếp hạng.
a. Xác định thang điểm của từng chỉ tiêu cụ thể: Thang điểm cho 4 hạng được xác định trên cơ sở tối đa của từng chỉ tiêu.
Ví dụ: Thang điểm theo chỉ tiêu của doanh nghiệp thuộc ngành Cơ khí:
Hạng khung điểm Chỉ tiêu | I | II | III | IV |
a. Độ phức tạp quản lý: | | | | |
Vốn | | | | |
Tổng số vốn (109đ) | >100 | 80- ³ 100 | 60-<80 | <60 |
+ Điểm | 15 | 10 - 14 | 5-9 | 2-4 |
Tỷ trọng vốn tham gia vào sản xuất kinh doanh | >70 | 60-<70 | 50-<60 | <50 |
+ Điểm | 5 | 3-4 | 2-3 | 1 |
........................................................ | .......... | .............. | ............... | ....... |
........................................................ | .......... | .............. | ............... | ....... |
- Lợi nhuận (109đ) | >800 | 0.06-0.08 | 0.03-<0.06 | <400 |
+ Điểm | 10 | 7 - 9 | 5 - 8 | 2 - 4 |
- Tỷ suất lợi nhuận | >0.08 | 0.06-0.08 | 0.03-<0.06 | <0.03 |
+ Điểm | 10 | 7 - 9 | 5 - 6 | 3 |
b. Bảng điểm chuẩn để xếp hạng doanh nghiệp
Bảng điểm này được tổng hợp trên cơ sở thang điểm của các chỉ tiêu cụ thể đã xây dựng ở trên.
Ví dụ: Bảng điểm chuẩn để xếp hạng doanh nghiệp thuộc ngành Cơ khí:
Hạng khung điểm | I | II | III | IV |
Khung, điểm | 95-100 | 75-94 | 50-74 | 20-49 |
Theo bảng điểm trên, doanh nghiệp không đủ 20 điểm không được xếp hạng. Tuỳ theo điều kiện cụ thể các Bộ, ngành chủ quản xếp lương cho Giám đốc theo nguyên tắc không cao hơn mức lương của Phó giám đốc hạng IV.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ trưởng quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, thống nhất ban hành tiêu chuẩn xếp hạng doanh nghiệp sau khi có sự thoả thuận của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.
2. Căn cứ tiêu chuẩn xếp hạng doanh nghiệp được ban hành, Bộ, ngành địa phương tiến hành xếp hạng cho các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý và tổng hợp kết quả xếp hạng doanh nghiệp theo ngành kinh tế - kỹ thuật báo cáo về liên Bộ vào cuối năm.
- Doanh nghiệp hạng I do Bộ, ngành, địa phương chủ quản đề nghị, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.
- Doanh nghiệp hạng I do Bộ, ngành, địa phương chủ quản đề nghị liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nội dung đề nghị xếp hạng doanh nghiệp hạng I và hạng đặc biệt gồm:
- Phân tích đặc điểm, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (số liệu 3 năm).
- Đánh giá các chỉ tiêu xếp hạng nêu rõ vị trí của doanh nghiệp, số điểm cụ thể của từng chỉ tiêu. Hạng đặc biệt không phải đánh giá chỉ tiêu xếp hạng.
- Hạng doanh nghiệp đề nghị.
3. Trong khi chờ xếp hạng doanh nghiệp, các viên chức quản lý doanh nghiệp (bao gồm cả kế toán trưởng) tạm thời hưởng lương theo chế độ 1/4/1993. Đối với trưởng phó phòng và chức tương đương trở xuống cũng tạm thời chưa hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Sau khi xếp hạng doanh nghiệp, phần tiền lương chức vụ và phụ cấp chức vụ chênh lệch so với mức lương đã nhận được truy lĩnh từ 1/4/1993.
Sau khi xếp hạng, đối với kế toán trưởng nếu đã được bổ nhiệm đúng theo quy định tại Thông tư số 64 TT/LB ngày 12 tháng 12 năm 1990 của liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội thì xếp lương tương đương Phó giám đốc. Trường hợp chưa được bổ nhiệm đúng theo quy định của Thông tư trên thì xếp lương chuyên môn nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hạng doanh nghiệp như Trưởng phòng.
4. Đối với cấp trên doanh nghiệp không thực hiện xếp hạng, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính cùng Bộ chủ quản căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để chuyển xếp lương cho viên chức quản lý.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/4/1993. Bãi bỏ các quy định trước đây về xếp hạng xí nghiệp, Liên hiệp các xí nghiệp, Công ty, Tổng công ty.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính xem xét giải quyết.