1. Về kinh tế:
a. Phát triển toàn diện nông lâm ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ hải sản, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ đa dạng ở thành thị và nông thôn. Trong năm 1994, khẩn trương tiến hành việc giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, nhất là những ngành cung ứng hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu. Thay thế nhập khẩu những sản phẩm mà trong nước sản xuất có hiệu quả. Hạn chế nhập khảu những loại hàng chưa thật thiết yếu. Bảo hộ đúng mức sản xuất nội địa. Cải tạo, mở rộng, xây dựng mới có trọng điểm kết cấu hạ tầng vật chất và xã hội, xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng trong những ngành trọng yếu.
b. Ra sức cần kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, dồn vốn cho đầu tư phát triển. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tích luỹ để tái đầu tư. Ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách để huy động vốn và sử dụng vốn có hiệu quả. Đáp ứng đủ và kịp thời nguồn vốn đầu tư tập trung từ ngân sách cho việc thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt gắn với đổi mới cơ chế quản lý xây dựng cơ bản để ngăn chặn tiêu cực, lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước. Khai thác triệt để mọi khả năng tiết kiệm và tự đầu tư phát triển của các doan nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.Trong quản lý vĩ mô, cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để những người có vốn yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, loại bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, những hành vi sách nhiễu, làm nản lòng nhà đầu tư. Thực hiện các chính sách khuyến khích để thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.Xây dựng cơ chế và qui định rõ trách nhiệm đối với việc vay nợ, trả nợ nước ngoài, bảo đảm sử dụng vốn vay có hiệu quả, không dồn gánh nặng nợ cho những năm sau. Triển khai ngay việc thành lập Toà án kinh tế theo qui định của luật tổ chức Toà án nhân dân đã được sửa đổi bổ xung, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phá sản doanh nghiệp và các pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, bảo đảm cho Toà án kinh tế sớm đi vào hoạt động.
c. Tiếp tục đổi mới chính sách tài chính quốc gia, cải cách hệ thống ngân hàng, hình thành và phát triển thị trường vốn, phát triển các hình thức công ty cổ phần, mở rộng từng bước và phát hành các loại cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, tạo tiền đề thiết lập thị trường chứng khoán ... đáp ứng nhu cầu huy động, luân chuyển và sử dụng vốn ngày càng lớn của nền kinh tế.
Sửa đổi bổ xung các cơ chế chính sách nhằm thực hành nghiêm ngặt chế độ tiết kiệm trong các cơ quan Nhà nước, quân đội, công an,các đoàn thể, các doanh nghiệp dồn vốn cho đầu tư phát triển.
d. Tiếp tục chấn chỉnh và xây dựng khu vực doanh nghiệp Nhà nước trong những ngành và lĩnh vực then chốt, hoạt động có hiệu quả, đảm nhiệm được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Chấn chỉnh và tăng cường hệ thống thương mại Nhà nước, nắm chắc lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, các vật tư thiết yếu, nắm vững bán buôn, giữ tỷ trọng cần thiết trong bán lẻ, cùng các thành phần khác phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, của người tiêu dùng.
Đổi mới cơ bản tổ chức và cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện các hình thức cổ phần hoá thích hợp với tính chất và lĩnh vực sản xuất để thu hút thêm các nguồn vốn, tạo thêm động lực, ngăn chặn tiêu cực, thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, áp dụng từng bước vững chắc phương thức chia lợi nhuận theo lương cơ bản và bán một tỷ lệ cổ phần với điều kiện ưu đãi của doanh nghiệp Nhà nước cho công nhân viên chức trực tiếp làm tại doanh nghiệp. Thí điểm bán cổ phần, cổ phiếu của một số doanh nghiệp Nhà nước cho các thành phần và bộ phận dân cư khác. Hoàn thiện các hình thức khoán trong doanh nghiệp Nhà nước .
Trên cơ sở cổ phần hoá, tổ chức hội đồng quản trị và các hình thức tổ chức thích hợp khác để quản lý có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xúc tiến thành lập các tập đoàn kinh doanh lớn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước của các bộ tổng hợp. Bộ chuyên ngành, chính quyền các cấp, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiến tới xoá bỏ dần chế độ Bộ chủ quán, cấp hành chính chủ quản, sự phân biệt xí nghiệp trung ương và xí nghiệp địa phương.
e. Hỗ trợ và hướng dẫn việc đổi mới kinh tế hợp tác xã, phát huy vai trò tự chủ của hộ xã viên, đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông lâm ngư nghiệp; xử lý dứt điểm những hợp tác xã trì trệ kéo dài. Thúc đẩy các hình thức kinh tế hợp tác trong tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp dịch vụ.
Có chính sách hỗ trợ kinh tế cá thể, làm ăn có hiệu quả, tạo thêm công ăn việc làm và đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Đồng thời, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác sản xuất - kinh doanh tự nguyện, cùng có lợi.
Nhà nước tiếp tục khuyến khích tư nhân phát triển trong những ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm, bảo hộ quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp của các nhà kinh doanh tư nhân; giúp đỡ và hướng dẫn họ khắc phục các khó khăn, làm ăn đúng pháp luật, Có qui chế và tổ chức cụ thể nhằm thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý Nhà nước đồi với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của bên ngoài.
g. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế , tạo điều kiện cần thiết cho cơ chế thị trường hoạt động có hiệu quả,. Tăng cường quản lý vĩ mô của Nhà nước nhằm định hướng và chỉ đạo sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân; Phát huy mặt tích cực, ngăn ngừa và hạn chế các mặt tiêu cực, khắc phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường; làm cho thị trường thực sự trở thành công cụ quan trọng trong việc điều hoà và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực; phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân; bảo đảm quan hệ tích luỹ tiêu dùng; điều tiết lợi ích giữa các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư; đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh hơn, ổn định vững chắc hơn,công bằng xã hội nhiều hơn.
2. Về khoa học công nghệ:
Gắn hoạt động khoa học công nghệ với việc phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống, tiếp tục triển khai ứng dụng kết quả của các chương trình trọng điểm, tiếp thu tiến bộ khoa học và công nghệ của các nước phục vụ sự nghiệp đổi mới; góp phần nâng cao một bước trình độ công nghệ, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhằm tăng hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ; xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ tiên tiến phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá trong giai đoạn mới.
3. Về văn hoá - xã hội:
Coi trọng yếu tố con người trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội:
a. Tăng cường chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hàng năm để thực hiện phổ cập tiểu học đảm bảo hoàn thành phổ cập tiểu học trong cả nước vào năm 2000 và tiến hành phổ cấp cấp II đối với những nơi có điều kiện; huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, chăm lo ngành sư phạm, củng cố các trường phổ thông quốc lập, khuyến khích mở các trường bán công, dân lập. sắp xếp hệ thống các trường đại học và trung học chuyên nghiệp; xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao, bồi dưỡng tài năng trẻ, có chính sách tạo điều kiện để gửi sinh viên, cán bộ đi học nước ngoài, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng việc bồi dưỡng và đào tạo lại, có chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với giáo viên giỏi, giáo viên ở vùng cao, vùng sâu,, vùng xa; chú trọng sự nghiệp giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhất là các trường dân tộc nội trú; tích cực đào tạo giáo viên người dân tộc. Đảm bảo cấp đủ và kịp thời ngân sách cho giáo dục và văn hoá tới cơ sở .
b. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; chăm lo đội ngũ sáng tạo văn hoá nghệ thuật, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao, nhất là ở cơ sở để nâng dần mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Chấn chỉnh công tác quản lý xuất bản, xuất nhập khẩu văn hoá phẩm, đấu tranh có hiệu quả chống văn hoá độc hại, lối sống không lành mạnh; các hủ tục mê tín dị đoan; vận động tiết kiệm trong hoạt động các lễ hội, trong việc hiếu hỉ; bảo vệ các di sản văn hoá dân tộc, tôn tạo các di tích lịch sử và cách mạng, ngăn chặn tình trạng các di tích bị lấn chiếm và phá hoại.
c. Kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, trước hết là cá tệ nạn nghiện hút, tiêm chích ma tuý, cờ bạc và mại dâm, nhất là ở các đô thị và thành phố lớn. thực hiện nghiêm chỉnh các hình phạt do luật định đối với kẻ phạm tội, mặt khác tích cực giáo dục kết hợp với dạy nghề và tổ chức lao động sản xuất; có các biện pháp phòng và chống để ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm vi rút HIV, dành kinh phí cần thiết cho việc giải quyết các tệ nạn này.
d. Quan tâm công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, nhất là cho bà mẹ, trẻ em ở nông thôn, miền núi; đẩy mạnh tiêm chủng phòng dịch, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình. Củng cố và phát triển mạnh trạm y tế cơ sở , nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; tích cực đào tạo cán bộ y tế người dân tộc, sớm ban hành chính sách đãi ngộ cán bộ y tế cơ sở. Đảm bảo kinh phí cho việc chữa bệnh sốt rét và bệnh phong; cung cấp đủ muối iốt đến tận cơ sở để điều trị bệnh bướu cổ, giao cho các tỉnh xem xét để cấp không muối iốt cho đồng bào vùng cao có nhiều khó khăn. Bảo đảm cho người nghèo khám chữa bệnh miễn phí. Tăng cường công tác quản lý, chống xuống cấp các bệnh viện, xúc tiến tổ chức hai trung tâm y tế có trình độ cao tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phát huy đạo đức "Lương y như từ mẫu".
e. Có chính sách biện pháp hữu hiệu để tạo thêm việc làm cho người trong độ tuổi lao động nhất là thanh niên đã được đào tạo và bộ đội xuất ngũ;bằng nhiều nguồn vốn mở mang các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở các thành thị và nông thôn để thu hút và sử dụng lao động.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, chú ý các vùng thường xảy ra thiên tai, vùng cao, vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Bảo đảm và nâng cao đời sống các đối tượng thuộc chính sách xã hội; ban hành sớm pháp lệnh người có công, tổ chức thực hiện tốt chính sách tiền lương mới, chú ý điều chỉnh những bất hợp lý trong quá trình thực hiện.
4.Về quốc phòng an ninh:
Động viên toàn dân, toàn quân đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Các ngành, các cấp cùng toàn thể nhân dân và lực lượng vũ trang cả nươc thường xuyên đề cao cảnh giác phòng chống âm mưu diễn biến hoà bình. Triển khai và có kế hoạch cụ thể tăng cường bảo vệ chủ quyền an ninh trên toàn lãnh thổ quốc gia, nhất là các địa bàn trọng điểm. Xây dựng các khu vực phòng thủ ở địa bàn tỉnh, thành phố, quận, huyện và các cơ sở vững mạnh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế. Phối hợp giữa lực lượng vũ trang với phong trào quần chúng tạo chuyển biến tích cực về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các công trình quốc phòng nhất là ở những vùng trọng điểm. Ra sức nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, trong sạch có trình độ chiến đấu cao, nghiệp vụ thành thạo, có nếp sống chính quy và kỷ luật chặt chẽ. Tích cực lao động sản xuất, thực hiện tiết kiệm . Tham gia đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu và các tệ nạn xã hội khác .Nâng cao chất lượng tuyển chọn thanh niên nhập ngũ, quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên , tăng cường công tác bảo đảm trang bị kỹ thuật, đầu tư đúng mức cho kế hoạch xây dựng công nghiệp quốc phòng năm 1994 và những năm sau. Cải thiện một bước các điều kiện sinh hoạt vật chất tinh thần của lực lượng vũ trang. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
5. Về đối ngoại:
Phát huy những thành tựu đạt được, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước láng giềng và các nước Đông Nam á, các nước Châu á, Thái Bình Bình Dương, các nước khác và các tổ chức quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.