Tọa đàm góp ý báo cáo nghiên cứu về Công ước La hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế
Chủ trì buổi Tọa đàm, bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế nhấn mạnh, Công ước La hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế mặc dù điều chỉnh vấn đề mới trong nhận thức của đại đa số nhân dân, cơ quan, tổ chức nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam trong thời gian qua đã phát sinh nhiều vụ việc yêu cầu trao trả trẻ em bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép từ các quốc gia là thành viên Công ước La hay 1980, nhưng do thực tế Việt Nam chưa tham gia Công ước và cũng chưa có cơ chế giải quyết đối với loại yêu cầu này nên đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi giải quyết các vụ việc cụ thể trên thực tiễn. Thông qua Tọa đàm này, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp mong muốn các đại biểu đến từ các Bộ, ngành thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về sự cần thiết gia nhập Công ước La hay 1980 và nếu gia nhập thì việc chỉ định cơ quan nào làm cơ quan trung ương thực thi Công ước sẽ là phù hợp nhất.
Tham gia Tọa đàm gồm các đại diện đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam… Đa số các đại biểu tham gia Tọa đàm đều hoan nghênh và ủng hộ tinh thần chủ động nghiên cứu Công ước La hay năm 1980 từ rất sớm của Bộ Tư pháp và đều thống nhất về sự cần thiết Việt Nam cần sớm gia nhập Công ước này trong thời gian tới. dự thảo Báo cáo đã làm rõ được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành liên quan được giao các chức năng, nhiệm vụ liên quan đến nội dung của Công ước. Bảy Bộ, ngành được Nhóm chuyên gia lựa chọn, nghiên cứu đều là những bộ, ngành đóng vai trò, vị trí quan trọng về xây dựng chính sách và đảm bảo quyền, lợi ích của trẻ. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự Tọa đàm cho rằng, để dự thảo Báo cáo hoàn thiện hơn, Báo cáo cần có thêm thông tin về số liệu thống kê thực tiễn về tình hình giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài mà trong đó có yêu cầu về nuôi dưỡng và thăm nom trẻ em; số liệu và phân tích, đánh giá về tình hình giải quyết các yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài về hôn nhân và gia đình, trong đó có giải quyết yêu cầu về quyền nuôi dưỡng và thăm nom trẻ…
Kết thúc buổi Tọa đàm, bà Phạm Hồ Hương bày tỏ mong muốn mỗi đại biểu đại diện cho từng Bộ, ngành sẽ là mắt xích quan trọng góp phần đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, gia nhập Công ước. Thông qua Tọa đàm, Bộ Tư pháp cũng mong muốn các Bộ, ngành và các chuyên gia trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ của Việt Nam gia nhập Công ước này./.