Chủ trì tại Hội thảo là Bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp và đại diện nhà tài trợ từ UNDP tại Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, một số tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, các văn phòng thừa phát lại khu vực phía Nam và các chuyên gia độc lập.
Trong những năm gần đây, các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam gửi ra nước ngoài và từ nước ngoài gửi về Việt Nam không ngừng tăng lên. Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã tham gia sâu rộng hơn với thế giới thông qua việc gia nhập hai Công ước quan trọng về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế
[1] và việc đàm phán thêm các điều ước quốc tế song phương trong lĩnh vực này. Do vậy, trước nhu cầu hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, các đề xuất xây dựng luật mới và các quy phạm mới cần không những đảm bảo khả thi và phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam mà còn cần đảm bảo thích ứng với chuẩn mực chung của quốc tế. Báo cáo tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới ở khía cạnh pháp luật về tương trợ tư pháp và thực tiễn thực thi của các quốc gia này. Trong đó, các quốc gia được lựa chọn đảm bảo các tiêu chí đại diện cho nhiều nhóm quốc gia: các quốc gia có nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự qua lại với Việt Nam; quốc gia có truyền thống pháp luật thành văn và quốc gia có truyền thống pháp luật án lệ; quốc gia tại nhiều châu lục khác nhau; quốc gia có đạo luật riêng và quốc gia không có đạo luật riêng về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
[2]. Từ tìm hiểu pháp luật và thực tiễn thi hành hoạt động tương trợ tư pháp của một số quốc gia trên thế giới, báo cáo đã chỉ ra một số mô hình trong xây dựng pháp luật và thực thi công tác tương trợ tư pháp về dân sự.
Tại Hội thảo, các chuyên gia bình luận và các đại biểu đã đánh giá cao sự về tính ứng dụng của báo cáo và cùng thảo luận sôi nổi cũng như đánh giá tính khả thi của các đề xuất được nêu trong báo cáo. Các ý kiến đều nhất trí về việc Việt Nam cần có luật riêng về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và việc mở rộng phạm vi các hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự. Bên cạnh đó, các đề xuất về việc nội luật hóa ở mức độ nhất định các điều ước quốc tế có liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự tạo cơ sở cho việc áp dụng thống nhất các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý và theo dõi các yêu cầu tương trợ tư pháp ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam cũng như khả năng giao một hoặc một số tổ chức tư nhân thực hiện hoạt động tống đạt giấy tờ nhận được sự ủng hộ của các đại biểu.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Bà Phạm Hồ Hương đánh giá cáo kết quả báo cáo nghiên cứu ban đầu của nhóm nghiên cứu, cám ơn sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia độc lập và các đại biểu tham dự đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của UNDP với Bộ Tư pháp trong quá trình hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế
[1] Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại;
[2] Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha