Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong các lĩnh vực trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư

Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong các lĩnh vực trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư

Trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ IRZ  (Đức), Vụ Pháp luật quốc tế đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa Đức và Việt Nam về trọng tài đầu tư và trọng tài thương mại trong khuôn khổ Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) vào ngày 30/7/2020. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức hội thảo trực tuyến. Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì, điều hành Hội thảo.  

Tham gia trao đổi và trình bày tại Hội thảo là các chuyên gia đến từ Đức, trong đó có Giáo sư Antonida Netzer, luật sư Viện trọng tài Đức và luật sư Sebastian Wuschka, luật sư Công ty luật Luther Rechtsanwaltsgesellschaft,  Hamburg, Đức.
Trước bối cảnh Đức và Việt Nam đều được bầu làm thành viên UNCITRAL giai đoạn 2019-2025, tại Hội thảo, chuyên gia của Bộ Tư pháp và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của Việt Nam đối với các chủ đề đang được thảo luận tại UNCITRAL, trong đó có cơ chế trọng tài rút gọn và các nội dung cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS). Các chuyên gia Đức cũng chia sẻ thực trạng giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, trong đó có số lượng các vụ kiện trọng tài tính đến hết năm 2019 (Đức là bị đơn trong 04 vụ kiện ISDS và nguyên đơn trong 69 vụ kiện ISDS khác), các nội dung đang được thảo luận tại Nhóm Công tác số III của UNCITRAL về cải tổ cơ chế ISDS, trong đó có khả năng thành lập trung tâm tư vấn về ISDS, dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử cho người xét xử, tài trợ bởi bên thứ ba… Đồng thời, chuyên gia Đức cũng trao đổi về các nội dung đang được Nhóm Công tác số II của UNCITRAL thảo luận về cơ chế trọng tài rút gọn và kinh nghiệm của Đức trong việc tiến hành thủ tục rút gọn trong các vụ tranh chấp được xử lý bằng trọng tài thương mại.
Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của hai nước trong các lĩnh vực liên quan, hội thảo đã thu thập nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các Bộ, ngành, các luật sư, các trọng tài viên và là diễn đàn để nâng cao năng lực cho các cán bộ của các Bộ, ngành liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế.
​​​