Để tìm hiểu, đánh giá khả năng của các văn phòng thừa phát lại, các điều kiện cần thiết chuẩn bị cho việc giao thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ nước ngoài, ngày 9 và 10 tháng 8 năm 2018, tại Vĩnh Phúc và ngày 13-14 tháng 8 năm 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức Hội thảo nghiên cứu xã hội hoá hoạt động tống đạt giấy tờ theo Công ước La Hay 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước La hay).Tham dự Hội thảo có đại diện của các Văn phòng thừa phát lại, Toà án nhân dân cấp các tỉnh, thành phố phía Bắc và đại diện các bộ, ngành có liên quan. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham gia của 02 chuyên gia đến từ cơ quan Trung ương thực thi Công ước tống đạt của Hoa Kỳ là ông Jonathan Patrick Welch – Phó trưởng Văn phòng tố tụng dân dân sự nước ngoài, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, bà Ossevnova Katerina, luật sư Văn phòng tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Kết quả Báo cáo nghiên cứu về sự cần thiết phải thực hiện xã hội hoá hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Am Hiểu – chuyên gia độc lập của dự án GIG được trình bày tại Hội thảo cho thấy rằng: Qua hơn 7 năm thực hiện chế định thừa phát lại bắt đầu từ Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự trong đó cho phép thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh đến Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại và Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại đến nay thừa phát lại đã thực sự trở thành một nghề, hoạt động tống đạt giấy tờ của Toà án, cơ quan thi hành án thông qua thừa phát lại hoạt đã giúp giảm tải công việc cho toà án, cơ quan thi hành án hỗ trợ tích cực cho các cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn; việc kịp thời tống đạt các văn bản của các cơ quan này còn giúp bảo đảm quyền lợi của các bên trong quá trình tham gia tố tụng, tổ chức thi hành án, giảm khiếu nại, tố cáo trong hoạt động xét xử, thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hoạt động tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của nước ngoài vẫn do các toà án thực hiện. Thực tế cho thấy, kết quả thực hiện tống đạt giấy tờ của nước ngoài hiệu quả thấp, nhiều yêu cầu không được thực hiện hoặc kéo dài thời gian. Trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, số lượng yêu cầu tống đạt giấy tờ gửi đến Việt Nam gia tăng, để thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thành viên của mình, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ, đúng hạn các yêu cầu tống đạt giấy tờ theo Công ước. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải giảm tải công việc cho toà án, giải pháp đặt ra là cần nghiên cứu việc giao các tổ chức tư nhân thực hiện. Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh việc xã hội hoá hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài tại các nước thành viên Công ước tống đạt đã nâng cao hiệu quả thực thi Công ước và giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước.
Với lợi thế hiện nay hoạt động thừa phát lại đã phát triển ở Việt Nam, quy định pháp luật về tống đạt giấy tờ nước ngoài đã cụ thể và rõ ràng nên việc xã hội hoá hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài có nhiều thuận lợi, cụ thể: (i) Chính phủ, Quốc Hội ban hành chủ trương, đường lối tạo cơ sở cho việc đề xuất hoàn thiện thể chế về nội dung này; (ii) Việt Nam đã có đầy đủ các quy định pháp luật trong nước và điều ước quốc tế điều chỉnh hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài tại Việt Nam và quy định pháp luật để giao cho thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ của nước ngoài; (iii) thừa phát lại và Văn phòng thừa phát lại đã có kinh nghiệm trong triển khai hoạt động tống đạt giấy tờ của toà án của cơ quan thi hành án; (iv) kinh nghiệm một số nước chứng minh rằng việc giao thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ nước ngoài đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được nguồn nhân lực công; (v) việc giao thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ nước ngoài giúp nâng cao hiệu quả hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài tại Việt Nam khẳng đinh Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế; (vi) tạo cơ sở để Việt Nam có thể thu chi phí vừa tạo thêm nguồn thu cho thừa phát lại vừa giúp giảm tải cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng gặp một số khó khăn nếu giao thừa phát lại tống đạt giấy tờ nước ngoài như: (i) yêu cầu thừa phát lại phải có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh); (ii)
chưa có hướng dẫn về quy trình, thủ tục tống đạt giấy tờ.
Để tạo cơ sở cho thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ nước ngoài cần xây dựng văn bản hướng dẫn trong đó quy định cụ thể phạm vi thừa phát lại tống đạt giấy tờ nước ngoài; quy trình thủ tục thừa phát lại tống đạt gấy tờ nước ngoài; tiêu chuẩn để lựa chọn văn phòng thừa phát lại; trách nhiệm mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp và văn phòng thừa phát lại được lựa chọn. Việc xây dựng các quy định hướng dẫn thực sự có ý nghĩa và cần thiết khi Chính phủ sắp ban hành Nghị định về tổ chức, hoạt động của thừa phát lại trong đó sự kiến có quy định về giao thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ của nước ngoài.
Hai chuyên gia Hoa Kỳ tham dự Hội thảo đã chia sẻ những bài học, kinh nghiệm trong việc xã hội hoá hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài của Hoa Kỳ. Từ năm 2003, Hoa Kỳ đã giao việc tống đạt giấy tờ nước ngoài cho một công ty tư nhân là Công ty ABC Legal thực hiện thông qua một Hợp đồng được ký kết giữa Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Công ty này. Trung bình một năm Công ty ABC Legal thực hiện tống đạt khoảng hơn 8.000 yêu cầu. Thời gian thực hiện một yêu cầu chưa đến 30 ngày, được hỗ trợ bởi một hệ thống cơ sở dữ liệu giúp cho Công ty ABC Legal cũng như quốc gia đã gửi yêu cầu có thể tra cứu, kiểm tra, theo dõi tình trạng xử lý các yêu cầu một cách dễ dàng, thuận tiện. Hoạt động tống đạt giấy tờ chịu sự giám sát chặt chẽ của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đảm bảo các yêu cầu được thực hiện nhanh chóng, có kết quả và đúng quy định của Công ước tống đạt.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo các đại biểu đều cho rằng, trong thời gian vừa qua thừa phát lại đã phát triển ở Việt Nam, hoạt động thừa phát lại đã hỗ trợ tích cực cho các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, thực tế hoạt động tống đạt giấy tờ của toà án, cơ quan thi hành án dân sự vẫn còn nhiều vướng mắc như thủ tục tống đạt giấy tờ chưa thống nhất khiến thừa phát lại phải lập nhiều loại giấy tờ, văn bản; sự phối hợp với địa phương cụ thể là UBND, Cơ quan công an cấp xã còn nhiều khó khăn do các cơ quan này chưa thực sự nhận thức được trách nhiệm phối hợp với thừa phát lại; chi phí trả cho việc tống đạt giấy tờ chưa thực sự tương xứng với công sức của thừa phát lại nên chưa ”giữ chân” được những người có trách nhiệm, tâm huyết với công việc này.
Đánh giá về khả năng thực hiện việc tống đạt giấy tờ nước ngoài của thừa phát lại, các văn phòng thừa phát lại đều có chung nhận định công việc này thừa phát lại hoàn toàn có thể thực hiện được và sẽ thực hiện tốt. Việc giao thừa phát lại tống đạt giấy tờ nước ngoài không những nâng cao hiệu quả công tác này, giảm tải công việc cho toà án mà còn hỗ trợ thúc đẩy nghề thừa phát lại phát triển hơn.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các yêu cầu tống đạt giấy tờ nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Công ước tống đạt giấy tờ nước ngoài và đề nghị trong thời gian tới các Văn phòng thừa phát lại, toà án phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp luật hướng dẫn thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ nước ngoài để các quy định sau khi được ban hành sẽ khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, tạo thuận lợi cho thừa phát lại thực hiện hiệu quả hoạt động tống đạt giấy tờ của nước ngoài tại Việt Nam.
Phòng Tư pháp quốc tế & Tương trợ tư pháp
Vụ Pháp luật quốc tế