Tham gia Tọa đàm có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và một số chuyên gia. Đại diện phía Hungary có ông Zoltán NEMESSÁNYI, Phó Quốc vụ khanh phụ trách về hợp tác trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, Bộ Tư pháp Hungary; ông Szabolcs BORECZKI, Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp quốc tế, Bộ Tư pháp Hungary; ông Botond CZELLECZ, Chuyên viên pháp lý Vụ Tư pháp quốc tế, Bộ Tư pháp Hungary; bà Gabriella JORDANICS HORVÁTH, Tham tán thứ nhất và trưởng bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội.
Sau bài trình bày của đại diện Vụ Pháp luật quốc tế về tình hình Việt Nam gia nhập, thực thi Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Tống đạt) và tình hình nghiên cứu, chuẩn bị gia nhập Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Thu thập chứng cứ) và Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em (Công ước Bắt cóc trẻ em), đại diện của Hungary đã chia sẻ kinh nghiệm của Hungary trong gia nhập và thực hiện các Công ước này. Do các nội dung về Công ước Tống đạt và Công ước Thu thập chứng cứ tương đối phù hợp với pháp luật Việt Nam và các hiệp định song phương mà Việt Nam đang thực hiện nên các chuyên gia Hungary tập trung hơn vào nội dung liên quan đến Công ước Bắt cóc trẻ em, cụ thể như sau:
Hungary trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HccH) từ ngày 6/1/1987 và tới nay đã tham gia 11 Công ước của HccH.Công ước Tống đạt có hiệu lực tại Hungary từ ngày 1/4/2005, Công ước Thu thập chứng cứ từ ngày 11/9/2004 và Công ước Bắt cóc trẻ em từ ngày 1/7/1986.
1. Công ước Tống đạt
Việc thực hiện theo kênh chính của Công ước Tống đạt tương tự như phương thức thực hiện qua Cơ quan Trung ương trong Hiệp định song phương giữa hai nước.
Việc thực hiện tống đạt theo Công ước tại Hungary theo phương thức:Bộ Tư pháp- Cơ quan Trung ương nhận được yêu cầu tống đạt mà không có nội dung đề nghị một phương thức tống đạt cụ thể thì sẽ chuyển tòa án thực hiện. Tòa án Hungary thực hiện yêu cầu tống đạt của phía nước ngoài bằng cách gửi qua thư bảo đảm cho người nhậnthì việc thực hiện là miễn phí.Trường hợp nước ngoài đề nghị tống đạt theo phương thức cụ thể thì việc tống đạt thực hiện qua cơ quan thừa phát lại (bailiff) - tổ chức tư nhân này sẽ tống đạt trực tiếp cho người nhận và chi phí phát sinh là 30 USD. Khi đó, theo Công ước Tống đạt, Hungary có thể yêu cầu bên đề nghị thanh toán.
Về khả năng thực hiện tống đạt bằng phương thức điện tử, tại Hungary mỗi công dân có một cổng điện tử cá nhân để đăng nhập và việc đương sự tải tài liệu xuống là bằng chứng rằnghọ đã nhận được giấy tờ. Ở Hungary, doanh nghiệp bắt buộc giao dịch với nhà nước qua cổng điện tử. Hiện nay, các tòa án có khả năng tống đạt các tài liệu từ tòa án qua phương thức điện tử nhưng tài liệu từ nước ngoài đến bằng đường điện tử chưa có trên thực tế nên cũng chưa xây dựng cơ sở pháp lý để scan tài liệu bằng bản giấy và chuyển đi. Khu vực châu Âu đang bàn vềgiải pháp hợp lý cho cơ chế tống đạt điện tử và dự kiến trong khoảng 3-5 năm tới sẽ hoàn thiện cơ chế này.
Theo luật của Hungary, giấy tờ bằng tiếng nước ngoài có thể tống đạt không cần bản dịch cho người nhận tự nguyện nhận. Trong vòng 15 ngày từ khi nhận được hồ sơ do Tòa án Hungary gửi đến qua đường bưu điện, đương sự có thể trả lại hồ sơ tống đạt của phía nước ngoài vì lý do không hiểu ngôn ngữ trong giấy tờ.
2 Công ước Thu thập chứng cứ
Tại Hungary, cách thức thực hiện yêu cầu thu thập chứng cứ của nước ngoài là Bộ Tư pháp- Cơ quan Trung ương- chuyển cho Tòa án để thực hiện như với các vụ việc trong nước của Hungary. Tòa án sẽ yêu cầu đương sự cung cấp thông tin, ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản, Sở thuế cung cấp thông tin về thuế …Những thông tin thuộc hệ thống cơ quan nhà nước mà Bộ Tư pháp tiếp cận được thì Bộ Tư pháp tự gửi không thông qua tòa án. Đối với việc định giá tài sản, tòa án bắt buộc phải sử dụng chuyên gia định giá có chuyên môn trong danh mục của tòa án. Các yêu cầu đặc biệt như lấy mẫu để xác định ADN cũng được yêu cầu trong một số vụ việc cấp dưỡng hay xác định quan hệ cha mẹ con và mẫu được lấy gửi qua đường chuyển phát nhanh bằng dịch vụ FedEx.
Trong số các tuyên bố khi gia nhập Công ước Thu thập chứng cứ, Việt Nam cần lưu ý quy định tại Điều 17 Công ước cho phép người được ủy quyền tiến hành việc thu thập chứng cứ mà không có sự cho phép trước của quốc gia đưa ra tuyên bố này.
3 Công ước Bắt cóc trẻ em
a) Cơ sở pháp lý để thực hiện
Để thực thi Công ước Bắt cóc trẻ em, Hungary đã ban hành một văn bản (Law Decree) vào năm 1986 bao gồm bản dịch Công ước sang tiếng Hungary và một số điều khoản bổ sung về hiệu lực của Công ước và chỉ định Cơ quan Trung ương. Trên cơ sở đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Chỉ thị số 7 năm 1988 để thực thi Công ước này với những quy định cụ thể hóa hơn trách nhiệm của Cơ quan Trung ương và quyền của cha mẹ được giữ liên lạc với con của mình.
Hungary đang chuẩn bị xây dựng một bộ luật riêng để tăng thêm hiệu quả giải quyết loại việc này (rút ngắn thời hạn). Các quy định của Công ước Bắt cóc trẻ em và chỉ thị của Bộ trưởng về thực hiện Công ước (phù hợp với điều kiện lịch sử thời kỳ xã hội chủ nghĩa) sẽ được kết hợp, nâng lên thành luật do Nghị viện thông qua.
Liên minh châu Âu cũng có Bản quy định của Hội đồng (EC) số 2201/2003 ngày 27/11/2003 về thẩm quyền, công nhận và cho thi hành phán quyết trong lĩnh vực hôn nhân gia đình và trách nhiệm của cha mẹ nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Công ước Bắt cóc trẻ em trong nội bộ các quốc gia châu Âu. Các nước thành viên EU cố gắng làm cho Công ước có hiệu quả hơn nên đã giới hạn chặt chẽ các trường hợp ngoại lệ theo Công ước. Pháp luật châu Âu quy định cụ thể Cơ quan Trung ương phải chịu trách nhiệm thực hiện Công ước Bắt cóc trẻ em, thẩm quyền của cơ quan liên quan để tránh các vụ việc song song. Ví dụ: Châu Âu có quy định nếu đem trẻ đến trái phép thì cơ quan quản lý bà mẹ và trẻ em tại nước nơi trẻ được đem đến không được thực hiện việc quản lý trẻ ngay mà vẫn do cơ quan quản lý trước khi trẻ được đem đến quản lý. Nếu tòa án quyết định trẻ được ở lại thì thẩm quyền của cơ quan quản lý bà mẹ và trẻ em cũ vẫn kéo dài thêm 3 tháng.Hungary đã là thành viên của Liên minh châu Âu nên Bản quy định này cũng có hiệu lực tại Hungary.
b)Cơ quan Trung ương và nhiệm vụ của Cơ quan Trung ương
Cơ quan Trung ương có vai trò quan trọng trong thực hiện Công ước. Việc xác định Cơ quan Trung ương phụ thuộc vào cơ chế pháp luật nội địa của từng nước.
Tại Hungary, Bộ Tư pháp là Cơ quan Trung ương quản lý việc thực hiện tham gia các Công ước trong khuôn khổ HCCH vì Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, tư pháp đồng thời là cơ quan có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này. Điều 7 Công ước được coi là danh mục các nhiệm vụ Cơ quan Trung ương phải thực hiện, để từ đó các quốc gia tự phân tích được cơ quan nào phù hợp với vai trò Cơ quan Trung ương. Có quốc gia thành lập một bộ máy riêng để giải quyết vụ việc này như Séc, Slovakia hoặc một số quốc gia chỉ định Bộ Ngoại giao nhưng đa số chỉ định Bộ Tư pháp.
Nhiệm vụ của Bô Tư pháp Hungary trong 2 trường hợp trao trả trẻ và đưa trẻ trở lại Hungary là khác nhau.
Trường hợp Hungary yêu cầu nước ngoài trao trả trẻ, Bộ Tư pháp hoạt động tích cực trong việc đưa trẻ trở lại Hungary. Cán bộ của Bộ Tư pháp trực tiếp tham gia vào các hoạt động sau đây: liên lạc, hỗ trợ cha/ mẹ trẻ, thu thập giấy tờ cần thiết và dịch công chứng, viết đơn, giúp đỡ nếu đương sự không đủ trình độ. Đây là những hoạt động đặc biệt quan trọng vì luật sư và người dân thường không hiểu rõ các quy định trong lĩnh vực này. Để yêu cầu thành công, cán bộ của Bộ Tư pháp phải tham gia trực tiếp để đảm bảo tính chính xác. Bộ Tư pháp có kinh nghiệm trong liên lạc với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, hiểu rõ phản ứng cũng như yêu cầu của họ và chi tiết các loại giấy tờ.
Các giấy tờ cần có gồm:
- Đơn yêu cầu,
- Giấy ủy quyền của các đương sự (cha/mẹ) theo Điều 28 Công ước,
- Quyết định của tòa án là bằng chứng về quyền nuôi con của người yêu cầu hoặc giấy khai sinh trong một số trường hợp. Các giấy tờ này không cần chứng thực theo Công ước. Ngoài ra, còn có giấy tờ chứng minh quy định của pháp luật của quốc gia đang đòi trẻ về. Bộ Tư pháp Hungary cấp một xác nhận chứng minh nội dung pháp luật Hungary.
- Bằng chứng về nơi thường trú của trẻ là ở Hungary trước khi trẻ bị đưa ra nước ngoài
- Ảnh của trẻ: nhiều trường hợp phải đi tìm trẻ do cha/ mẹ đem giấu
- Đơn xin miễn giảm phí (mỗi nước có quy định khác nhau về phí)
Một số lưu ý khi lập hồ sơ bao gồm: Trong yêu cầu không cần ghi rõ địa chỉ của trẻ nhưng cần cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt để tìm trẻ. Độ tuổi trẻ em ở Hungary là dưới 18 tuổi nhưng Công ước chỉ áp dụng với trẻ dưới 16 tuổi.
Bộ Tư pháp Hungary có kinh nghiệm để đảm bảo bộ hồ sơ được xây dựng đầy đủ nhanh chóng. Hỗ trợ Bộ Tư pháp là miễn phí (kể cả chi phí luật sư, phiên dịch) (trừ trường hợp đương sự gửi đơn trực tiếp cho Tòa án có thẩm quyền của Hungary) từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoàn toàn vụ việc tức là khi đưa được trẻ về Hungary hoặc khi trẻ bị từ chối trả lại. Đặc biệt trong các vụ việc với những nước theo hệ thống Common law thì thời gian cán bộ Bộ Tư pháp tham gia vào vụ việc là rất lớn. Các nước khác có thể đòi hỏi mức chi trả cao. Ví dụ nước Anh quy định đương sự sở hữu bất kỳ bất động sản nào thì không được miễn giảm phí về việc trao trả trẻ em.
Trường hợp các nước khác yêu cầu Hungary trả lại trẻ, vai trò của Bộ Tư pháp Hungary là cơ quan tiếp nhận đơn của nước ngoài nhưng chỉ dừng lại ở việc xem xét đơn. Theo Điều 16 Công ước, Bộ Tư pháp phải thông báo đến Tòa án Hungary để tạm hoãn các vụ việc liên quan đến trẻ. Nếu không biết nơi ở của trẻ Bộ Tư pháp phải phối hợp với cơ quan công an để tìm kiếm. Công ước quy định quốc gia được yêu cầu phải có đủ khả năng để tìm trẻ. Trong thực tế ít khi cần đến sự giúp đỡ của cơ quan công an vì hệ thống quản lý dân cư và hệ thống thông tin của cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em cũng tương đối đủ thông tin. Đây không phải vụ việc hình sự nên cơ quan công an không có nhiều thẩm quyền điều tra mà chỉ có thể hỏi thăm hàng xóm xung quanh nơiđược cho là trẻ đang sinh sống, nếu không có kết quả lại phải tiếp tụctìm hiểu.
Bộ Tư pháp còn có nhiệm vụ hỗ trợ các bên hòa giải. Bộ Tư pháp tự mình hoặc có thể nhờ cơ quan (Bộ khác) làm trung gian. Trường hợp hòa giải không thành Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ cho Tòa án có liên quan giải quyết và Bộ thuê luật sư cho bên yêu cầu. Chỉ có một tòa án được chỉ định để giải quyết vụ việc này có thẩm quyền riêng biệt và được áp dụng thời hạn ngắn hơn các vụ việc thông thường để giải quyết các vụ việc này. Điều kiện của Hungary phù hợp để trao thẩm quyền riêng biệt cho một tòa án cấp sơ thẩm trong khi ở Đức với dân số lớn hơn (tới 80 triệu người) thì cần nhiều tòa án hơn nhưng vẫn tập trung vào một số tòa nhất định.
Bộ Tư pháp Hungary còn phối hợp với cơ quan trung ương của các nước để hỗ trợ thu xếp gặp gỡ người cha và mẹ ở xa của trẻ. Vấn đề hay phát sinh nhất là quyền thăm trẻ. Điều 21 Công ước quy định việc đến thăm trẻ và yêu cầu giấy phép để đến thăm cũng tương tự như đòi trao trả trẻ. Thực tế của các quốc gia cũng khác nhau rất nhiều, cơ chế của Công ước không có quy định về miễn phí nên các quốc gia có quyền thu phí.
c) Thực tiễn thực hiện và các lưu ý
Hungary đã là thành viên của Công ước Bắt cóc trẻ em được 31 năm. Tuy nhiên, số lượngngười dân hiểu được Công ướccòn rất hạn chế.Người dân Hungary không coi việc cha mẹ đưa con của mình ra nước ngoài hoặc về nước là vi phạm pháp luật nên việc triển khai Công ước thường xuyên dẫn đến những mâu thuẫn, va chạm.
Dân số của Hungary là 10 triệu người, số vụ việc đem con từ Hungary ra nước ngoài khoảng 100 vụ việc mỗi năm và số vụ việc đem con từ nước ngoài về Hungary khoảng 30-40 vụ việc/ năm. Việc tham gia Công ước có tác dụng tích cực trong việc phòng chống và giảm số lượng các vụ việc này.
Đặc điểm của quan hệ hôn nhân gia đình giữa Hungary và nước ngoài là đa phần các quan hệ này là giữa công dân Hungary với công dân các nước thuộc nội bộ châu Âu, Hoa Kỳ và Bắc Mỹ.Vì vậy, Cơ quan Trung ương của Hungary với các cơ quan của những nước này cũng có quan hệ và liên lạc thường xuyên hơn.
Tỉ lệ liên hệ trực tiếp của đương sự với tòa án ngày càng cao (số liệu thống kê không bao gồm những vụ việc đương sự liên lạc trực tiếp với tòa án). Khi tòa án đã ra quyết định trả lại trẻ em do thừa phát lại thực hiện thì Bộ Tư pháp chỉ còn vai trò trong việc duy trì luật sư (đảm bảo các vấn đề về thủ tục) và người phiên dịch nếu cần.
Quy định của Công ước có quy định mang tính bảo đảm như bắt buộc phải hỏi ý kiến trẻ và những trường hợp được từ chối đem trả. Mỗi nước cũng có quy định khác nhau về việc phỏng vấn trẻ. Độ tuổi của trẻ em để có thể phỏng vấn chênh lệch nhau theo quy định của các nước, thường trong khoảng từ 5- 10 tuổi. Cơ quan phỏng vấn có thể là tòa án hoặc bác sĩ tâm lý. Ở Hungary trẻ em từ 6 tuổi sẽ được phỏng vấn, tòa án phỏng vấn ở môi trường thoải mái (không ở trong tòa án). Thẩm phán hỏi trực tiếp để cảm nhận rõ nhu cầu, ý kiến của trẻ. Ý kiến của trẻ cũng được xem xét trong quá trình cân nhắc việc trả lại trẻ.
Việc thực hiện ở Hungary đạt kết quả cao trong thời gian ngắn.Tỷ lệ thành công đưa trẻ trở lại Hungary là 70-80 trẻ. Trong nội bộ EU, việc trả lại trẻ không phải quyết định cuối cùng vì Tòa án có quyền thay đổi quyết định của mình trong quá trình trẻ được nuôi. Tòa án Hungary chỉ xem xét điều kiện pháp lý về việc trả lại hay giữ trẻ, xem xét việc trả lại trẻ áp dụng luật cụ thể nào và thời gian giải quyết vụ việc. Tòa án chỉ quyết định có trả lại trẻ hay không mà không điều tra ai là người có điều kiện nuôi trẻ tốt hơn. Công ước chỉ quy định khoảng thời gian ra quyết định nên là 6 tuần trong khi EU quy định thời hạn này là bắt buộc. Điều kiện đảm bảo thi hành quyết định trong 6 tuần cũng rất khó nhưng tòa án Hungary luôn ưu tiên cho vụ việc này. Nếu điều kiện pháp lý đầy đủ, tòa án Hungary chỉ chuẩn bị trong 8 ngày là có thể tiến hành phiên tòa đầu tiên, khả năng ra phán quyết phụ thuộc vào chất lượng của chứng cứ. Chậm nhất việc giải quyết cũng hoàn thành trong vòng 2 tháng. Những vụ việc này thường có khiếu nại và thời hạn phúc thẩm cũng khoảng 2 tháng. Sau phúc thẩm, quyết định vẫn có thể xem xét lại và có thể mất nhiều tháng nhưng quyết định phúc thẩm phải được thi hành cho dù có khiếu nại hay không. Thời hạn kháng cáo là 15 ngày, Tòa án tối cao Hungary sẽ xem xét có yêu cầu hoãn thi hành quyết định bị kháng cáo không, nếu không thì gia đình phải tự làm thủ tục riêng để xin lại trẻ. Quy định của Công ước, quy định của EU đã được nội luật hóa và việc chuyên môn hóa vụ việc yêu cầu trao trả trẻ em theo Công ước cho một tòa án tạo điều kiện chuyên môn hóa hoạt động của thẩm phán và rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc.
Việc đưa con đi theo Công ước bị coi là hành vi bắt cóc trẻ em khi việc này trái với pháp luật nội địa.Tuy Công ước không bắt buộc các nước phải sửa đổi pháp luật của mình khi gia nhập Công ước nhưng thông lệ các nước đã tham gia Công ước đều xem xét hệ thống pháp luật nội địa có phù hợp với Công ước không.
Một nước muốn trở thành thành viên mới của Công ước thì các nước đã là thành viên phải đồng ý. Đối với EU, thông thường các nước thành viên của Liên minh cũng trao đổi với nhau về việc có đồng ý với nước thành viên mới không. EU không có tư cách thành viên của Công ước nên các nước thành viên vẫn tuyên bố sự đồng ý của mình nhưng để các nước đồng ý hay không lại phải có sự đồng ý của Ủy ban châu Âu. Ủy ban châu Âu đề xuất Hội đồng châu Âu ra quyết định chấp thuận cho các nước thành viên ra quyết định đồng ý cho một nước mới gia nhập Công ước. Hội đồng châu Âu hoạt động theo nguyên tắc nhất trí (1 thành viên Hội đồng tương ứng với một nước châu Âu) cho nên đại diện một nước thành viên trong Hội đồng không đồng ý thì nước thành viên khác cũng không được ủy quyền để ra quyết định. Đây là vấn đề tranh luận gay gắt đến mức phải đưa ra tòa án châu Âu nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được. Ví dụ khi Gabon đề nghị trở thành quốc gia thành viên mới của Công ước. Trước tiên Liên minh châu Âu yêu cầu các nước thành viên cung cấp thông tin về hệ thống pháp luật bảo vệ bà mẹ và trẻ em của Gabon (nếu có) và tập hợp thông tin để đánh giá về hệ thống pháp luật này trước khi các nước EU thảo luận.
Yêu cầu cơ bản đối với nước thành viên mới của Công ước là phải có cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ theo công ước. Đã từng có nước bị từ chối vì không chỉ định cơ quan trung ương, hệ thống tòa án không đủ trình độ chuyên môn hoặc cơ chế pháp lý không đáp ứng được việc thực hiện theo Công ước (cụ thể là việc tòa án ra quyết định nhanh chóng), hoặc tình hình an ninh không đảm bảo khiến việc trả lại trẻ gây mất an toàn cho bản thân trẻ. Vì vậy, rất khó lường trước được quan ngại của các quốc gia đã là thành viên với quốc gia mới tham gia.
Trên cơ sở thực tiễn đó, phía Hungary khuyến nghị Việt Nam muốn gia nhập Công ước cần thông tin rộng rãi về pháp luật nội địa của mình và những công việc chuẩn bị cho việc gia nhập và thực thi Công ước, đặc biệt là cho các quốc gia thành viên EU.
Ngoài thực tiễn thực thi Công ước và khuyến nghị nêu trên, chuyên gia Hungary cũng cung cấp thông tin về một số vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng Công ước như:
(i) Mặc dù trên thực tế Công ước vẫn hoạt động tốt với các quốc gia đang là thành viên nhưng yêu cầu hiện đại hóa Công ước đã được đưa ra. Do có nhiều ý kiến khác nhau nên quá trình sửa đổi Công ước không nhanh. Một số vấn đề như ngăn chặn việc tiếp tục đưa trẻ đi trái phép hoặc cấm xuất cảnh đang tiếp tục được bàn luận. Ví dụ như: trong khối Schengen việc đi lại giữa các quốc gia thực hiện như trong nội địa nên các quy định về xuất cảnh phải được xây dựng ở cấp châu Âu.
(ii) Công ước không quy định về mối quan hệ giữa việc thực hiện Công ước và vụ việc hình sự xảy ra song song, trong khi một số nước thành viên Công ước coi hành vi đưa trẻ đi là tội phạm hình sự gây khó khăn cho việc thực thi. (Theo điểm b khoản 1 Điều 13 Công ước, vụ việc hình sự có liên quan có thể là căn cứ từ chối đem trả trẻ gây khó khăn cho việc hòa giải.)
(iii) Công ước quy định quyết định của tòa án về quyền nuôi con mới là căn cứ của quyền nuôi trẻ nhưng việc cha mẹ thỏa thuận với nhau lại là bằng chứng về sự đồng ý của người có quyền với việc đưa trẻ đi hoặc giữ trẻ lại. Do các nước quy định khác nhau nên việc thỏa thuận giữa cha mẹ trẻ có thể gặp khó khăn.
Bên cạnh nội dung các chuyên gia trình bày, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận với chuyên gia để làm rõ hơn những vấn đề được chuyên gia giới thiệu thông qua các ví dụ cụ thể.
Các kinh nghiệm của Hungary được trao đổi trong Tọa đàm là tư liệu hữu ích cho Việt Nam trong việc nghiên cứu gia nhập và thực thi các Công ước trong khuôn khổ HccH (đặc biệt là Công ước về Bắt cóc trẻ em).