Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban đặc biệt triển khai thực hiện Công ước La hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em

Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban đặc biệt triển khai thực hiện Công ước La hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em

Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban đặc biệt triển khai thực hiện Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em (Công ước 1980) và Công ước La Hay năm 1996 về quyền tài phán, luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em (Công ước 1996) diễn ra từ ngày 10-17/10/2017 tại La Hay, Hà Lan. Đoàn công tác của Việt Nam gồm đại diện của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đã tham dự Phiên họp này.
1. Giới thiệu chung về hai Công ước:
Ngày 25 tháng 10 năm 1980, Công ước năm 1980 được các quốc gia thành viên của Hội nghị La Hay thông qua nhằm ngăn ngừa nguy cơ bắt cóc trẻ em (do cha mẹ hoặc người thân đưa trẻ em đi nước ngoài bất hợp pháp) và hậu quả từ hành vi này. Công ước điều chỉnh việc trao trả trẻ em nhanh nhất về quốc gia nơi trẻ thường trú trước khi bị mang đi hoặc lưu giữ trái phép. Tính đến nay đã có 98 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước 1980, trong đó, tại khu vực Châu Á, đã có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Xinh-ga-po và gần đây nhất là Phi-líp-pin.

Công ước 1996 ra đời tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia thành viên thông qua các cơ quan chức năng (cơ quan Trung ương được chỉ định và Tòa án của các nước thành viên). Nội dung chính của Công ước 1996 là thiết lập các quy tắc liên quan đến thẩm quyền áp dụng các biện pháp trực tiếp để bảo vệ trẻ em, kể cả tài sản; xác định luật áp dụng; xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc bảo vệ trẻ em và công nhận và cho thi hành biện pháp bảo vệ tại tất cả các nước thành viên. Công ước này hỗ trợ và bổ sung các quy định cụ thể cho việc áp dụng các quy định của Công ước 1980.
Cả hai Công ước được xây dựng và thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo vệ tốt nhất lợi ích cho trẻ em trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi các quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng, việc di chuyển quốc tế ngày càng phổ biến, số vụ việc trẻ em bị đưa đi hoặc giữ bất hợp pháp trong những trường hợp quan hệ của cha mẹ bị đổ vỡ cũng diễn ra ngày càng nhiều.
2. Nội dung của Phiên họp lần thứ 7:
Sau phát biểu khai mạc của Ông Paul Vlas - Chủ tịch Ủy ban Luật Tư pháp quốc tế của Hà Lan (Giáo sư khoa luật trường đại học Vrije University), Phiên họp đặc biệt đã lựa chọn Chủ tọa, giới thiệu dự thảo Chương trình làm việc, các văn kiện Phiên họp và thông qua Chương trình làm việc.
Phiên họp đã thu hút sự tham gia 62 đoàn đại biểu từ các quốc gia là thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, trong đó có 6 nước là thành viên của một trong hai Công ước nêu trên mà không phải là thành viên của Hội nghị La Hay, 4 nước được mời tham dự không phải là thành viên của Hội nghị La Hay và cũng không phải là thành viên của hai Công ước nói trên và quan sát viên từ 14 đại điện của các Tổ chức Chính phủ/ Phi Chính phủ. Việt Nam chưa phải là thành viên của cả hai Công ước này, tham dự Phiên họp với tư cách là thành viên của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế.
Từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 10 năm 2017, các đại biểu tham dự đã phiên họp toàn thể với nội dung: nghe các quốc gia báo cáo về tình hình thực hiện Công ước 1980 kể từ Phiên họp đặc biệt lần thứ 6; đại diện các nước mới tham gia Công ước báo cáo về những tiến bộ trong việc giải quyết các vụ việc trong nước sau khi trở thành thành viên của Công ước 1980; thảo luận về việc thực hiện Điều 15 của Công ước 1980. Điều 15 của Công ước quy định trước khi ra quyết định trao trả trẻ về nước gốc, tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu có thể yêu cầu người nộp đơn xin xác nhận hoặc quyết định từ cơ quan có thẩm quyền hoặc tòa án của nước gốc việc đưa trẻ ra nước ngoài là bất hợp pháp. Trên thực tế việc áp dụng quy định này đã gặp nhiều khó khăn do có sự trì hoãn từ cơ quan có thẩm quyền của nước gốc, thiếu kinh nghiệm của thẩm phán, hoặc chi phí cao, hoặc thiếu cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quy định này; trao đổi phát triển mạng lưới thẩm phán Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và đánh giá tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin trực tiếp của hệ thống thẩm phán; và nghe một số vụ việc cụ thể tại Tòa án nhân quyền Châu Âu; các vấn đề về quyền giám hộ, tiếp cận, liên lạc theo Công ước 1980.
Từ ngày 12 đến 17 tháng 10 năm 2017, Phiên họp đã chuyển sang đánh giá và thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Công ước 1996. Các nước thành viên mới cũng đã được mời báo cáo về việc triển khai thực thi Công ước tại nước mình. Phiên họp cũng đã đề cập đến lợi ích việc áp dụng Công ước 1996 đặt trong mối liên hệ với Công ước 1980; vấn đề hợp tác giữa các Cơ quan Trung ương theo Công ước 1996; thảo luận về việc xác định thẩm quyền xét xử, công nhận và cho thi hành các thỏa thuận giữa cha mẹ trẻ; thảo luận và trao đổi về tài liệu hướng dẫn Điều 13(1)(b) của Công ước 1980. Đây là tài liệu quan trọng nhằm tạo ra cách hiểu và áp dụng thống nhất giữa các quốc gia đối với Điều này; tránh việc các quốc gia áp dụng quy định tại Điều 13 (1)(b) nhằm đi ngược lại mục tiêu của Công ước (Điều 13 (1)(b) quy định các quốc gia được yêu cầu trao trả trẻ có quyền từ chối khi cho chứng cứ cho rằng trẻ có thể phải chịu những rủi ro về thân thể hoặc tâm lý khi đưa trẻ quay trở lại nước gốc); và đặc biệt trong các ngày 14 và 15 tháng 10, các nước thành viên tiến hành gặp gỡ song phương, gặp gỡ nhóm chuyên gia làm việc nghiên cứu về Điều 13(1)(b), gặp gỡ mạng lưới Thẩm phán tòa án quốc tế La Hay.
Sau 8 ngày làm việc liên tục, hiệu quả với nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi từ các quốc gia thành viên, Phiên họp đặc biệt đã thông qua Kết luận và khuyến nghị về nhiều vấn đề liên quan đến việc thực thi Công ước năm 1980 và Công ước năm 1996, nhằm thiết lập các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ em trong bối cảnh toàn cầu hóa. 82 kết luận và khuyến nghị đã được thống nhất thông qua. Ví dụ như tiếp tục hoàn thiện Dự thảo hướng dẫn thực hiện tốt Điều 13(1)(b) của Công ước 1980; hợp tác giữa các Cơ quan Trung ương của Công ước 1980 và Công ước 1996; mở rộng phát triển các công cụ ứng dụng công nghệ thông tin đối với hai Công ước, bao gồm tập hợp và thống kê dữ liệu đối với các trường hợp bắt cóc và bảo vệ trẻ em, xây dựng dữ liệu điện tử thông tin về các quốc gia.
3. Về các hoạt động của Đoàn công tác
Đoàn công tác của Việt Nam đã có bài phát biểu ngắn về thực tiễn đã nhận được một số yêu cầu của các quốc gia là thành viên của các Công ước nói trên nhưng chưa có cơ chế pháp lý giải quyết đối với các vụ việc này. Nguyên nhân là Việt Nam chưa có điều ước quốc tế song phương hoặc chưa là thành viên của hai Công ước nói trên và ngay cả pháp luật trong nước cũng không có quy định về vấn đề này. Việt Nam nhận thấy hai Công ước là công cụ pháp lý quan trọng, tạo ra cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền của các nước để giải quyết đối với các trường hợp bắt cóc dân sự, tạo cơ chế bảo vệ trẻ em hữu hiệu trong trường hợp cha mẹ trẻ em có hôn nhân đổ vỡ và vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Việt Nam cũng đã xây dựng Đề án khả năng gia nhập Công ước 1980 và đang xây dựng Kế hoạch về khả năng gia nhập Công ước này. Tuy nhiên, để có thể gia nhập Công ước, Việt Nam cần tiến hành rất nhiều các bước chuẩn bị, trong đó, bao gồm cả việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, học hỏi kinh nghiệm của các nước là thành viên của Công ước, đặc biệt là các nước đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai và thực thi Công ước. Do đó, Việt Nam rất mong nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên Công ước này.
Bên lề Hội nghị, Đoàn công tác của đã tiếp xúc, trao đổi với Cơ quan Trung ương liên bang của Australia, Chánh án Tòa gia đình Australia, đại diện của Cơ quan Trung ương liên bang Canada, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Phi-lip-pin... Các cơ quan Trung ương hoặc Tòa án của các nước đều cởi mở trao đổi với phía Việt Nam về những kinh nghiệm trong việc gia nhập Công ước và sẽ sẵn sàng hỗ trợ thông qua việc trao đổi, cung cấp thông tin, hỗ trợ nghiên cứu để gia nhập hai Công ước nói trên.
Mặc dù Việt Nam chưa là thành viên của các Công ước nêu trên nhưng việc tham gia Hội nghị của Đoàn Việt Nam là rất hữu ích, thiết thực, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch nghiên cứu khả năng Công ước năm 1980. Tham dự Hội nghị, Đoàn công tác của Việt Nam đã tranh thủ đề nghị và nhận được sự giúp đỡ của các quốc gia thành viên trong việc gia nhập và thực hiện Công ước 1980 và Công ước 1996; thu được nhiều kiến thức, đặc biệt từ các kết luận và khuyến nghị của Phiên họp, kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trong việc thực hiện các Công ước để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về sự cần thiết của việc gia nhập Công nước nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ em.
                                                                                                           Đoàn công tác của Việt Nam tại La Hay
 
​​​