Trước thực tế các quy định tại Phần thứ năm Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) – Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có nhiều điểm mới so với Bộ luật dân sự 2005 (BLDS 2005), các quy định về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đặc biệt là quy trình tương trợ tư pháp có nhiều thay đổi trong bối cảnh Việt Nam mới gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Tống đạt) cùng với đó là Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao về quy trình, thủ tục tương trợ tư pháp (Thông tư liên tịch số 12) mới được ban hành. Các văn bản này có mối quan hệ với nhau và được áp dụng song song trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đảm bảo các vụ việc được giải quyết đúng về nội dung và chặt chẽ về quy trình, thủ tục. Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì phải phồ biến, hướng dẫn để có cách hiểu và áp dụng một cách thống nhất.
|
|
Tại Tọa đàm các chuyên gia của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao đã giới thiệu, phân tích, bình luận chuyên sâu từng điều luật của các văn bản. Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA chia sẻ kinh nghiệm của Nhật trong áp dụng các quy định pháp luật về tư pháp quốc tế trong giải quyết các vụ việc dân sự, việc giải thích và thực thi các khái niệm, thuật ngữ tư pháp quốc tế còn có cách hiểu khác nhau như “áp dụng pháp luật nơi có quan hệ mật thiết nhất”; “áp dụng pháp luật nơi có vật”, “trái trật tự công”. Quy trình, thủ tục, biểu mẫu sử dụng trong tương trợ tư pháp giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được đại diện Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết, cụ thể tháo gỡ những khó khăn, lúng túng bước đầu của các cơ quan địa phương khi lập hồ sơ gửi phía nước ngoài.
|
|
Tọa đàm dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và các đại biểu để đi đến cách hiểu và vận dụng thống nhất một số quy định của Phần thứ năm BLDS 2015; quy định tại Phần thứ 8 BLTTDS 2015 đối với các vụ việc đã thụ lý trước ngày bộ luật này có hiệu lực thi hành; quy trình nộp, thanh quyết toán chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự; việc chọn và điền các biểu mẫu của Thông tư liên tịch 12.
Phát biểu kết thúc hội thảo, bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, khẳng định trong thời gian tới Bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật mới về tư pháp quốc tế để triển khai đồng bộ, hiệu quả, thống nhất từ các cơ quan trung ương đến địa phương. Đồng thời, Bộ Tư pháp mong muốn các cơ quan địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các quy định mới trong lĩnh vực này.
Phòng Tư pháp quốc tế - Vụ Pháp luật quốc tế