Tham dự Lễ ký có các đồng chí: Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và lãnh đạo các đơn vị có liên quan của 3 cơ quan.
Tiếp tục hài hòa các quy định của
pháp luật Việt Nam với quy định của điều ước quốc tế
Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật tương trợ tư pháp” đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ủy thác tư pháp về dân sự của các Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Từ nhiều năm nay, Tòa án nhân dân cấp tỉnh hàng năm gửi ra nước ngoài từ 3.000 đến 4.000 hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự cho đương sự ở nước ngoài. Bên cạnh đó, mỗi năm các Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng triển khai thực hiện hàng trăm hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài và yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết dứt điểm các vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài. Số lượng vụ án dân sự mà các Tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài vẫn còn nhiều.
Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, ngày 10/3/2016, Việt Nam đã chính thức nộp Văn kiện hồ sơ gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Tống đạt).
Theo đó, kể từ ngày 01/10/2016, Công ước này sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành
cải cách tư pháp và cải cách pháp luật, việc gia nhập Công ước Tống đạt sẽ góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tư pháp quốc tế thông qua việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế về tương trợ tư pháp, đưa hệ thống pháp luật, quy trình tố tụng của Việt Nam đến gần và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế.
Bên cạnh đó, việc gia nhập Công ước Tống đạt có ý nghĩa thiết thực nhằm giải quyết những tồn đọng, khó khăn trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam, qua đó đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cả công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Để hài hòa các quy định của pháp luật Việt Nam với quy định của điều ước quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện Công ước Tống đạt, một số quy định của pháp luật Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến: các kênh tống đạt, các mẫu yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt và đặc biệt là bổ sung cơ chế thu chi phí thực hiện tống đạt. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15.
Thông tư liên tịch mới gồm 5 chương, 27 điều về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự. So với Thông tư liên tịch số 15, Thông tư liên tịch mới có một số nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế cơ bản như sau:
Về thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam, theo quy định tại Điều 10 Thông tư thì Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam là Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, tổ chức có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật và các cơ quan trực tiếp liên quan có phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp.
Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự có phát sinh ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì lập hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Luật tương trợ tư pháp và Điều 11 của Thông tư liên tịch này, gửi tới cơ quan tương ứng cấp tỉnh để thực hiện theo thủ tục chung.
Về thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài, theo quy định tại Điều 17 Thông tư thì Cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài là (i) Tòa án nhân dân cấp tỉnh; (ii) Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trường hợp yêu cầu ủy thác tư pháp liên quan đến thi hành án dân sự và (iii) thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc quy định các cơ quan có thẩm quyền thực hiện như trên nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện ủy thác tư pháp, phù hợp với những thay đổi về cơ cấu tổ chức, chức năng, và nhiệm vụ của các cơ quan liên quan như của Tòa án nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chủ trương sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tại Tp Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP về sửa đổi tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.
Liên quan tới thu, nộp chi phí thực tế ủy thác tư pháp về dân sự, để giải quyết vấn đề về chi phí thực tế đối với việc ủy thác tư pháp về dân sự, các quy định của Thông tư đã tiếp cận các quy định mới của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và các quy định của Công ước Tống đạt. Trên cơ sở đó, Điều 7 Thông tư đã quy định cụ thể việc thu nộp chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam, Điều 8 quy định trình tự chuyển và thanh toán tạm ứng chi phí thực tế thực thiện uỷ thác tư pháp của Việt Nam và Điều 9 Thông tư quy định về thu nộp chi phí thực tế ủy thác tư pháp của nước ngoài.
Cuối cùng, về tống đạt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, Thông tư liên tịch số 15 có quy định cụ thể về hướng dẫn trình tự, thủ tục ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Thông tư liên tịch số 15 và trên cơ sở ý kiến góp ý của các Tòa án nhân dân địa phương, ngày 14/7/2016, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 140/TANDTC-HTQT và Bộ Ngoại giao đã có Công văn số 2089/BNG-LS ngày 17/7/2016 thống nhất ý kiến đề xuất xây dựng Thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao đối với việc tống đạt giấy tờ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài. Việc đưa nội dung này ra khỏi Thông tư liên tịch thay thế Thông tư 15 để xây dựng thành một Thông tư liên tịch hướng dẫn riêng là hết sức cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật. Hiện nay, liên tịch Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao đang xây dựng Thông tư quy định về vấn đề này, vì vậy, Thông tư mới không có quy định về tống đạt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Tăng cường trách nhiệm và phối hợp giữa các cơ quan
Do việc thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự đòi hòi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan nên Thông tư lần này đã dành 1 Chương quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự (Chương IV). Theo đó, Thông tư đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp (Điều 22), Bộ Ngoại giao (Điều 23), Tòa án nhân dân tối cao (Điều 24) và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc cập nhật, kiểm tra, đôn đốc và thông
báo mức phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự, phù hợp với thẩm quyền và chức năng của từng cơ quan.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch mới được ban hành, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao; sự chủ động, tích cực và công tác phối hợp giữa các Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền đã đề nghị Lãnh đạo các cơ quan tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục quan tâm, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao; định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Thông tư liên tịch, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tương trợ tư pháp về dân sự trong thời gian tới.