Số lượng ủy thác tư pháp tăng nhanh

Số lượng ủy thác tư pháp tăng nhanh

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đưa ra bên hành lang Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp được tổ chức ngày 30/9.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, qua 6 năm thực hiện Luật Tương trợ tư pháp (TTTP), công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ ủy thác tư pháp (UTTP) chưa có trả lời vẫn còn cao, đặc biệt trong lĩnh vực dân sự chiếm đến 50%. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Đây là vấn đề Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành ở Trung ương (TW) rất quan tâm. Nguyên nhân thì có nhiều. Trước hết là nguyên nhân từ thể chế. Khi chúng ta xây dựng Luật TTTP năm 2007, sự gắn kết với các quy định tố tụng, trong đó có quy định về tố tụng, dân sự (TTDS) chưa tốt. Trong luật TTDS không có quy định riêng dành cho các trường hợp có yếu tố nước ngoài và những trường hợp cần thiết phải TTTP, tất cả quy trình tố tụng hiện nay trong nước và có yếu tố nước ngoài đều xử lý chung trong cùng một thời hạn nên chịu sức ép lớn về thời hạn. 
Nghĩa là, theo Bộ luật TTDS tống đạt cho người trong nước thế nào thì áp dụng với người nước ngoài như thế. Tuy nhiên, trong một vụ án dân sự có thể phải tống đạt 10 lần, mỗi lần làm quy trình như vậy rất phức tạp, phải rút gọn, nhưng vẫn phải đảm bảo không làm mất đi quyền của các bên trong vụ án dân sự. Đó là một khó khăn.
Bên cạnh đó, khi hội nhập, số lượng ủy thác tăng lên rất lớn, trước khi có luật là vài trăm ủy thác tư pháp mỗi năm, nay tăng lên 4 ngàn và chắc chắn còn tiếp tục tăng nữa. Trong khi nguồn lực ta quan tâm đầu tư chưa tương xứng về con người, điều kiện. Ví dụ tranh thủ làm sao để có được những cam kết quốc tế tốt nhất, tức là khi ta gửi đi nước ngoài phải thực hiện thì không thể thiếu các điều ước quốc tế. Trong khi đó, trong17 thỏa thuận điều ước quốc tế chúng ta ký kết thì chủ yếu là các nước trước đây là XHCN, trong khi nhu cầu ta gửi đến các nước này không cao. 
Các nước có rất đông cộng đồng người Việt như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì lại không có điều ước quốc tế. Trong khi đó, chúng ta vẫn có truyền thống tăng cường ký kết các hiệp định song phương thì họ không có nhu cầu, họ lại tham gia thiết chế đa phương toàn cầu La Hay về tống đạt giấy tờ. Do đó, phải sửa đổi bằng việc tham gia công cụ pháp lý đa phương thì ta sẽ có quan hệ với nhiều nước. Hiện  Bộ Tư pháp đang rất nỗ lực, hy vọng cuối năm 2015 sẽ hoàn thiện thủ tục gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp.
Theo đánh giá tại Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế thì quy trình và thời hạn thực hiện theo Công ước chỉ khoảng 2 tháng, nhanh và đạt kết quả cao, tạo mạng lưới để các cơ quan TW liên hệ rất nhanh.Thậm chí nếu phát triển nhanh còn có nghị định thư điện tử cụ thể hóa việc đó, có thể gửi ngay lập tức và nhận được ngay ở đầu bên kia. Nói chung, sau 6 năm thực hiện, Chính phủ đã nhận thấy những khó khăn, vướng mắc và đang nỗ lực tháo gỡ trên tất cả mọi phương diện: thể chế, con người, công nghệ thông tin… Đặc biệt, Bộ Tư pháp rất quan tâm đến cắt giảm thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa về thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí cho dân.
Phóng viên: Thực tế thì việc ủy thác không nhận được kết quả hoặc kết quả không đáp ứng yêu cầu sẽ làm kéo dài vụ án, thậm chí dẫn đến việc vụ án bị “treo” vô thời hạn. Vậy, giải pháp trước mắt khắc phục tình trạng này ra sao, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Đúng là hoàn thiện thể chế phải cần thời gian, tuy nhiên trước mắt Bộ Tư pháp sẽ triển khai ngay các công việc. Thứ nhất, đối với những nước có Điều ước quốc tế sẽ thiết lập đường dây đầu mối giữa cơ quan TW 2 nước,  nếu có vướng mắc là xử lý được ngay. Thứ hai là, tạo điều kiện cho cơ quan tòa án trong việc gửi ủy thác trực tiếp hoặc qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để rút ngắn thời gian, quy trình; đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan,  tránh rơi vào trường hợp Tòa án gửi đi mà không biết thông tin phản hồi dẫn đến Tòa phải chịu sức ép từ đương sự vì họ là nơi xử lý vụ việc. Mặc dù Thông tư liên tịch số 15 đã nêu rõ quy trình, nếu làm tốt thì ở bất cứ thời điểm nào vẫn có thể biết hồ sơ đang ách tắc ở đâu, nhưng do thông tin không thông suốt nên khó khăn. Thứ ba là, cần quy định rõ quy trình, thủ tục liên quan đến phí ủy thác. Mặc dù Luật TTTP quy định bên đương sự có yêu cầu làm phát sinh ủy thác tư pháp phải chịu chi phí nhưng những vấn đề mang tính “kỹ thuật” như gửi đến đâu, lúc nào cần gửi, gửi đến tài khoản nào... lại chưa rõ, trong khi việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài phải đảm bảo rất chặt chẽ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ 1/7/2008 đến 30/6/2014, cơ quan đầu mối TTTP về dân sự đã tiếp nhận tổng số 18.036 lượt hồ sơ yêu cầu UTTP từ các cơ quan có thẩm quyền gửi đi nước ngoài và của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài gửi đến Việt Nam.
Các yêu cầu UTTP chủ yếu là tống đạt giấy tờ, tài liệu, bản án (chiếm trên 80%), còn lại là yêu cầu thu thập chứng cứ, lấy lời khai của đương sự. Về nội dung, số lượng UTTP liên quan đến các vụ việc về hôn nhân gia đình chiếm 50%, về dân sự (ngoài hôn nhân gia đình) là 46,5%, về thương mại 2,5% và về các lĩnh vực khác (hành chính, lao động, hộ tịch…) là 1%. Năm nước mà Việt Nam gửi đi nhiều UTTP nhất là Hoa Kỳ, lãnh thổ Đài Loan, Canada, Úc, Hàn Quốc. Kết quả thực hiện UTTP đạt được năm cao nhất là 65% (năm 2012).
 
 
​​​