Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Phiên họp Hội đồng diễn ra tại Phòng họp Viện Pháp luật quốc tế La Hay trong khuôn viên Cung điện Hòa Bình, La Hay, Hà Lan từ ngày 24 đến 26 tháng 3 năm 2015. Tham gia Hội nghị có đại diện của hầu hết các quốc gia thành viên và quan sát viên từ các quốc gia được mời tham dự (Andorra, Colombia, Moldova) và đại diện các tổ chức quốc tế (Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển- OECD, Tổ chức tư vấn pháp lý Á Phi- AALCO, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN), Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em (UNCRC), Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), Ủy ban quốc tế về hộ tịch (CIEC), Hội đồng châu ÂU, Viện quốc tế về nhất thể hóa luật tư (UNIDROIT), …
Hội nghị đã tổng kết lại những hoạt động và kết quả đạt được trong năm 2014 và bàn về những hoạt động cần được tiến hành trong năm 2015.
1. Về các hoạt động trong năm 2014

Tổng thư ký Christophe Bernasconi đã tóm tắt các hoạt động của HccH trong năm 2014 bằng những số liệu điển hình: Hội nghị đã có 1 văn kiện pháp lý mới là Các nguyên tắc về lựa chọn pháp luật trong hợp đồng thương mại quốc tế (chính thức được thông qua vào tháng 3 năm 2015) và 1 lần di chuyển văn phòng của Ban Thư ký. Đã có 3 nước thành viên mới gia nhập Hội nghị trong năm 2014 là Singapore, Azerbaijan và Tunisia. Có 2 nước đề nghị gia nhập Hội nghị là Amernia và Andorra. Có 7 quốc gia và Liên minh châu Âu đã tham gia vào các Công ước trong khuôn khổ  Hội nghị (số lượng các quốc gia tham gia vào các Công ước trong khuôn khổ Hội nghị giảm xuống so với trước đây do Liên minh châu Âu đã đại diện cho các quốc gia thành viên trong việc tham gia phần lớn các Công ước).Có 145 quốc gia có liên quan đến Hội nghị bằng cách trở thành thành viên hoặc tham gia các Công ước trong khuôn khổ Hội nghị. Có 5 ấn bản mới  của Hội nghị được phát hành trong đó có bản dịch tiếng Việt Sổ tay Công ước Apostille. Trong năm 2014, Hội nghị đã tổ chức 13 phiên họp và 15 phiên họp mở rộng, hội nghị, chuyến công tác do Ban Thư ký hỗ trợ. Đã có thâm 6 chỉ định mới trong khuôn khổ Mạng lưới quốc tế La Hay các thẩm phán nâng số lượng đầu mối lên thành 97 đầu mối tại 72 quốc gia. Ban Thư ký đã tuyển dụng thêm 4 nhân viên mới và đã xây dựng 8 sáng kiến về Quản trị hiệu quả đối với tổ chức.

2. Về các hoạt động trong năm 2015

Hội đồng đã thảo luận về các công việc liên quan đến những văn kiện mới, các hoạt động sau gia nhập Công ước của Hội nghị, hỗ trợ kỹ thuật, Chương trình Malta, sự hiện diện tại khu vực của Hội nghị và các vấn đề về quản trị tổ chức.

2.1 Về các công việc liên quan đến những văn kiện mới

2.1.1 Dự án về Phán quyết: Hội đồng ghi nhận  những kết quả đạt được trong Dự án về Phán quyết như được nêu trong Báo cáo cuộc họp Nhóm công tác tháng 2/2015 (Sơ thảo số 7B về những công việc đang được tiến hành với các phán quyết theo khuôn khổ Công ước lựa chọn Tòa án và dự án về Phán quyết), theo đó Nhóm công tác đã xây dựng được hai dự thảo Văn kiện công tác hình thành cấu trúc cơ bản của điều ước về công nhận và cho thi hành phán quyết dựa trên những cách tiếp cận khác nhau. Hội nghị coi đây là một nội dung trọng tâm ưu tiên nguồn lực trong năm 2015.Thêm vào đó,quan sát viên từ Hiệp hội Liên minh quốc tế công chứng La tinh (UINL) cho rằng cần cân nhắc thêm để mở rộng khuôn khổ của dự án từ các phán quyết sang cả các văn bản được công chứng.

2.1.2 Các vấn đề tư pháp quốc tế liên quan đến địa vị pháp lý của trẻ em, bao gồm những vấn đề phát sinh từ thỏa thuận mang thai hộ quốc tế: Trong quá trình thảo luận, một số quốc gia như Ấn Độ và Israel  bên cạnh nội dung về địa vị pháp lý của trẻ em bày tỏ quan tâm đến quyền lợi của người mẹ mang thai hộ. Nhiều quốc gia cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến cả trật tự công, chính sách công và quyền con người nên cần có nghiên cứu kỹ lưỡng về phạm vi nếu xây dựng một điều ước mới trong khuôn khổ Hội nghị về những nội dung tư pháp quốc tế. Liên minh châu Âu EU tuyên bố  vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Liên minh, từng quốc gia thành viên sẽ bày tỏ quan điểm của mình. Hội đồng quyết định rằng nhóm Chuyên gia sẽ được thành lập để xác định khả năng tiến hành các công việc tiếp theo trong lĩnh vực này. Nhóm chuyên gia sẽ họp vào báo cáo Hội đồng trong năm 2016 với thành viên có tính đại biểu về mặt địa lý sau khi đã tham vấn với các quốc gia thành viên.Các quốc gia thành viên được đề nghị cung cấp thông tin cập nhật cho Hội Nghị liên quan đến nội dung này.

2.1.3 Công nhận và cho thi hành các lệnh bảo vệ dân sự nước ngoài: Hội đồng hoan ngênh các thông tin phân tích và so sánh số liệu về pháp luật quốc gia do Ban Thư ký thu thập. Số liệu từ trả lời bảng câu hỏi năm 2012 và từ Bản thông tin quốc gia năm 2014 do  41 quốc gia cung cấp chỉ ra rằng các lệnh này có tính chất khác nhau (có thể là dân sự, hình sự hoặc hành chính). Ban thư ký còn thu thập được thông tin chung về ít nhất khoảng 122 quốc gia có pháp luật quy định về các lệnh bảo vệ. Hội đồng đề nghị Ban thư ký tiếp tục các công việc tìm hiểu chủ đề này trên cơ sở nguồn lực hiện có.

2.1.4 Hợp tác trong bảo vệ du khách và khách tham quan nước ngoài: Trong quá trình thảo luận, một số thành viên như Mỹ, Nhật Bản… và EU mặc dù quan ngại về tính khả thi của dự án này vì cho rằng các vấn đề có liên quan đã được điều chỉnh bởi pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nhưng không phản đối việc tiếp tục có những nghiên cứu liên quan. Hội đồng quyết định rằng cần tiến hành nghiên cứu về nhu cầu và khả năng tiến hành các công việc tiếp theo trong lĩnh vực này trên cơ sở hợp tác với các diễn đàn khác. Brazil là quốc gia đưa ra đề xuất và sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực tài chính cho việc thuê chuyên gia tiến hành hoạt động này.

2.1.5 Sử dụng liên kết hình ảnh và các công nghệ hiện đại trong thu thập chứng cứ tại nước ngoài: Các nước đã thể hiện sự ủng hộ và đồng tình với việc sử dụng công nghệ hiện đại trong thu thập chứng cứ kể cả các quốc gia chưa phải là thành viên của Công ước này như Ca na da. Hội đồng quyết định rằng nhóm chuyên gia cần được thành lập để xem xét những phát triển trong lĩnh vực này và đánh giá sự cần thiết phải đưa ra một văn kiện hoặc hướng dẫn để phát huy việc sử dụng các công nghệ hiện đại theo Công ước thu thập chứng cứ.

2.1.6 Các chủ đề khác:

Hội đồng đề nghị Ban Thư ký xây dựng một bảng hỏi để tìm kiếm thông tin về thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận và cho thi hành phán quyết liên quan đến các cặp đôi không kết hôn và báo cáo lại với Hội đồng trong năm 2017.

Mặc dù các thành viên đều ghi nhận tầm quan trọng của vấn đề  tiếp cận nội dung của pháp luật nước ngoài đối với hiệu quả thực chất của các quy phạm trong tư pháp quốc tế, đặc biệt Liên minh châu Âu, Hàn Quốc coi đây là vấn đề cần được ưu tiên, nhưng với nguồn lực hạn hẹp của Hội nghị vấn đề này không được tiếp tục xem xét trong năm 2016. Hội đồng quyết định xóa khỏi chương trình hội nghị nội dung này và cân nhắc khả năng vấn đề có thể được đề cập lại sau.

2.2 Về các hoạt động sau tham gia các điều ước của Hội nghị

Hội đồng thông qua phiên bản cập nhật của hai cuốn sổ tay về thi hành Công ước Tống đạt và Công ước Thu thập chứng cứ. Hội đồng hoan ngênh:

 - Kế hoạch nhóm họp Ủy ban đặc biệt về thi hành Công ước Apostille được tổ chức đồng thời với Diễn đàn quốc tế lần thứ 10 về chương trình Apostille điện tử (eAPP), và dự kiến được tổ chức trong khoảng nửa cuối 2016.

- Các công việc chuẩn bị được thực hiện liên quan đến phiên họp tiếp theo của Ủy ban đặc biệt về thi hành Công ước nuôi con nuôi quốc tế sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 12 tháng 6 năm 2015. Hội đồng cũng ghi nhớ tầm quan trọng của hỗ trợ kỹ thuật trong việc thực thi Công ước này và sự cần thiết bảo đảm ngân sách để tiếp tục chương trình điều phối hỗ trợ kỹ thuật.

- Các kết quả của Nhóm công tác về xây dựng hướng dẫn thực hành tốt để giải thích và áp dụng Điều 13 (1)b của Công ước Bắt cóc trẻ em và đề nghị nhóm công tác tiếp tục công việc.

- Các công việc do Ban Thư ký thực hiện liên quan đến Công ước bắt cóc trẻ em với INCADAT (cơ sở dữ liệu về công ước bắt cóc trẻ em quốc tế) và INCASTAT (cơ sở dữ liệu thống kê về bắt cóc trẻ em quốc tế) và khuyến khích các quốc gia ủng hộ các công việc trong lĩnh vực này

- Các công việc liên quan đến chương trình iSupport ( hệ thống quản lý điện tử các vụ việc và bảo đảm thông tin) theo Công ước Bảo vệ trẻ em năm 2007.

2.3 Về hỗ trợ kỹ thuật

Quá trình thảo luận cho thấy các quốc gia tương đối thống nhất về việc Hội nghị cần tập trung hơn vào những hoạt động thường xuyên là xây dựng các công ước mới. Tuy nhiên, vấn đề hỗ trợ kỹ thuật cũng là một trong những hoạt động cơ bản của Hội nghị để duy trì, bảo đảm hoạt động theo đúng mục đích của tổ chức. Vấn đề đặt ra là cần tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa các công việc cần tiến hành với các nguồn lực cả về tài chính, con người và thời gian. Tuy nhiên, các nước thành viên chưa thống nhất được sự cần bằng được hiểu như thế nào và dựa trên tiêu chí nào.Một số nước cho rằng những vấn đề tài chính thuộc phạm vi của Hội đồng đại diện ngoại giao, vì vậy không nên bàn luận sâu tại phiên họp Hội đồng Các vấn đề chung và chính sách. Cuối cùng, trên cơ sở đồng thuận, Hội đồng hoan nghênh Báo cáo của nhóm công tác về hỗ trợ kỹ thuật và thông qua chương trình khung về hỗ trợ sau gia nhập các công ước của Hội nghị và những kết quả đạt được của Ban Thư ký trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật có liên quan mà không đề cập cụ thể vấn đề tài chính cho các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật.

2.4 Nhóm công tác về hòa giải trong bối cảnh chương trình Malta

Hội đồng hoan nghênh báo cáo của Nhóm công tác về hòa giải trong bối cảnh của chương trình Malta (Chương trình nhằm mục đích tăng cường  đối thoại giữa các chuyên gia đặc biệt là các thẩm phán của các quốc gia là thành viên Công ước Bắt cóc trẻ em quốc tế và Công ước Bảo vệ trẻ em) cũng như định hướng cho các công việc tương lai cùng với sự tăng cường tham gia các hoạt động của các thành viên. Hội đồng đồng ý việc tiếp tục hoạt động của nhóm công tác  và hy vọng có báo cáo tiếp theo trong năm 2016.

2.5 Sự hiện diện của Hội nghị La Hay tại khu vực

Hội đồng hoan nghênh báo cáo của đại diện hai văn phòng khu vực tại châu Mỹ La tinh và châu Á Thái Bình Dương. Hội nghị sẽ hỗ trợ các hoạt động tiếp theo tại khu vực. Một thực tế rõ ràng là các văn phòng khu vực có đóng góp rất lớn vào việc hỗ trợ kỹ thuật và truyền bá các Công ước của Hội nghị, nâng tầm ảnh hưởng của Hội nghị và kêu gọi thêm sự tham gia của các nước vào Hội nghị. Tuy nhiên, các văn phòng khu vực đang phụ thuộc vào sự hỗ trợ của quốc gia sở tại (là Argentina và Trung Quốc). Đặc biệt  nguồn tài chính cho Văn phòng châu Á Thái Bình Dương chỉ thuộc về Ngân sách bổ sung của Hội nghị. Vì vậy, việc hoàn thiện chính sách với các văn phòng khu vực có ý nghĩa lớn đối với quản trị tổ chức.Về Chiến lược châu Phi lại có nhiều quan điểm khác nhau.Một số quốc gia cho rằng cần thu thập thêm thông tin để làm rõ Chiến lược này. Một số quốc gia cho rằng Chiến lược này không phản ánh tính chất toàn cầu của Hội nghị vì tính chất toàn cầu và hiện diện khu vực là những vấn đề khác nhau, nhất là khi chưa có nguồn lực cho hoạt động thì việc đề nghị thành lập một văn phòng khu vực tại châu Phi cần được cân nhắc kỹ. Một số quốc gia và quan sát viên lại ủng hộ việc Hội nghị mở rộng các hoạt động tại châu Phi. Cuối cùng, Hội đồng đi đến kết luận cần phải tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu của khu vực châu Phi và nghiên cứu mức độ khả thi của các hoạt động của Hội nghị tại khu vực này.

2.6 Về quản trị tổ chức

Hội đồngghi nhận các kết quả đạt được của Nhóm công tác về các vấn đề tài chính và thực hành ngân sách trong việc xây dựng các quy định sửa đổi về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, còn một số vấn đề chưa được hoàn thiện trong các quy định sửa đổi nên các quốc gia đề nghị nhóm công tác sớm bổ sung để đảm bảo việc đóng góp tài chính đúng hạn cho các hoạt động của tổ chức.

Về những nội dung khác

Hội đồng đã thông qua văn kiện mới là Các nguyên tắc về lựa chọn pháp luật trong hợp đồng thương mại quốc tế.

Hội đồng đã chứng kiến lễ ký Công ước La Hay năm 2005 về Thỏa thuận lựa chọn Tòa án của Singapore và nộp văn kiện đề nghị gia nhập Hội nghị của Cộng hòa Moldova.

Hội đồng còn nghe các báo cáo về hoạt động phối hợp của Hội nghị với các tổ chức như UNCITRAL và UNIDROIT. Nhìn chung, các tổ chức này đều có những hoạt động nghiên cứu hoặc xây dựng các công ước mới có liên quan đến những dự án đang được tiến hành trong khuôn khổ Hội nghị La Hay. Đại diện của hai tổ chức nêu trên cũng có mặt trong phiên họp của Hội đồng và bày tỏ sự tích cực, sẵn sàng hợp tác chia sẻ thông tin và tiếp tục phối hợp trong các nghiên cứu tiếp theo.

Phiên họp Hội đồng đã kết thúc tốt đẹp với sự đồng thuận của các thành viên, hứa hẹn một kỳ hoạt động tiếp theo tập trung và hiệu quả hơn.

​​​