Sing-ga-po chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Sing-ga-po chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Ngày 09/4/2014 tại La Hay, Hà Lan trong khuôn khổ của Phiên họp Hội đồng chính sách chung của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Bà Thian Yee Sze, Tổng Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Bộ Lập pháp Sing-ga-po được sự ủy quyền đầy đủ của Chính phủ Sing-ga-po đã nộp Văn kiện chấp nhận Quy chế của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Ngày 09/4/2014 tại La Hay, Hà Lan trong khuôn khổ của Phiên họp Hội đồng chính sách chung của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Bà Thian Yee Sze, Tổng Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Bộ Lập pháp Sing-ga-po được sự ủy quyền đầy đủ của Chính phủ Sing-ga-po đã nộp Văn kiện chấp nhận Quy chế của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Với việc này, Sing-ga-po chính thức được công nhận là thành viên đầy đủ thứ 76 của tổ chức uy tín bậc nhất về tư pháp quốc tế này kể từ ngày 09/4/2014. Theo quy định tại Điều 7 Hiến chương Hội nghị La Hay, Sing-ga-po đã chỉ định Bộ Lập pháp Sing-ga-po là Cơ quan Quốc gia làm đầu mối liên lạc với Hội nghị La Hay và Ban Thường trực của Hội nghị.  

Trước khi trở thành thành viên chính thức của Hội nghị La Hay, Sing-ga-po đã tham gia sâu rộng vào các hoạt động của Hội nghị, một trong những hoạt động này là việc phê chuẩn hai Công ước của Hội nghị là Công ước ngày 18/3/1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và Công ước ngày 25/10/1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế. Với việc trở thành thành viên chính thức của Hội nghị La Hay, quan hệ hợp tác về tư pháp và pháp luật giữa Sing-ga-po với các nước thành viên Hội nghị cũng như hoạt động của Sing-ga-po trong khuôn khổ Hội nghị sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sâu rộng và hiệu quả hơn.

Bộ Lập pháp Sing-ga-po

Cơ quan Quốc gia của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Bộ Lập pháp Sing-ga-po (Ministry of Law) đóng một vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nhà nước pháp quyền, thúc đẩy phát triển các mục tiêu kinh tế xã hội của Singapore bằng cách xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý tiến bộ, vững mạnh.

Bộ Lập pháp Sing-ga-po đảm trách một số nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện tổng rà soát pháp luật.

- Hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược phát triển pháp luật và tư pháp thuộc thẩm quyền của Bộ Lập pháp.

- Cung cấp các dịch vụ pháp lý, cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các dịch vụ pháp lý khác.

Tổng Vụ Pháp luật là một trong 4 đơn vị chức năng của Bộ Lập pháp. Tổng Vụ Pháp luật là Cơ quan đầu mối của Bộ Lập pháp Sing-ga-po trong Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Tổng Vụ Pháp luật có 3 đơn vị chức năng là Vụ Chính sách pháp luật, Vụ Pháp luật quốc tế và Vụ Pháp luật công nghệ.

Vụ Chính sách pháp luật (Legal Policy Department): xây dựng hệ cơ sở pháp lý ổn định và vững mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân trong các lĩnh vực dân sự, gia đình và hình sự. Vụ Chính sách pháp luật là Cơ quan trung ương của Chính phủ Sing-ga-po trong các vấn đề về xây dựng pháp luật. Vụ Chính sách pháp luật chủ trì xây dựng kế hoạch và lộ trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dân sự, gia đình và hình sự; hoạch định chính sách phát triển pháp luật của Chính phủ. Để thực hiện nhiệm vụ này, Vụ Chính sách pháp luật sẽ giám sát việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với chính sách pháp luật chung của Chính phủ. Năm 2012, Vụ Chính sách pháp luật tham mưu cho Chính phủ trong việc cải cách chế độ án tử hình bắt buộc đối với tội danh giết người và tội buôn bán ma túy để đảm bảo sự phù hợp giữa việc xét xử của Tòa án với các lợi ích công cộng và an ninh.

Vụ Pháp luật quốc tế (The International Legal Division): xây dựng và triển khai thi hành các chính sách hợp tác về tư pháp và pháp luật giữa Sing-ga-po với nước ngoài; chủ trì và phối hợp soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có yếu tố nước ngoài; chủ trì đàm phán các điều ước quốc tế giữa Sing-ga-po và nước ngoài; giám sát việc thực thi các cam kết quốc tế của Sing-ga-po và nội luật hóa các các cam kết này trong hệ thống văn bản pháp luật trong nước; cơ quan đầu mối hợp tác tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự.

Vụ Pháp luật công nghệ (The Legal Industry Division): theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến phát triển, quản lý và thực hiện các dịch vụ pháp lý; giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý; đào tạo các chức danh tư pháp. Năm 2012, Vụ Pháp luật công nghệ được giao nhiệm vụ soạn thảo Luật sửa đổi Luật về các chức danh tư pháp, Luật Trọng tài quốc tế, Luật Trọng tài. Để thực hiện nhiệm vụ này, Vụ Pháp luật công nghệ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Lập pháp ban hành hệ thống các dịch vụ pháp lý; tổng rà soát hệ thống văn bản về luật sư, trọng tài.  

 (Tổng hợp tin tức từ www.hcch.net)

​​​