Hiệp định dẫn độ giữa CHXHCN Việt Nam và Ô-xtrây-lia

Hiệp định dẫn độ giữa CHXHCN Việt Nam và Ô-xtrây-lia

Theo Thông báo số 24/2014/TB-LPQT ngày 08/4/2014 của Bộ Ngoại giao, Hiệp định về dẫn độ giữa CHXHCN Việt Nam và Ô-xtrây-lia, ký tại Can-bơ-rơ ngày 10/4/2012, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 4 năm 2014. Hiệp định có hiệu lực tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho cho công tác hợp tác giữa các cơ quan tư pháp Việt Nam và Ô-xtrây-lia về dẫn độ và góp phần khẳng định thiện chí và cam kết của Việt Nam trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm giữa hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối ngoại giữa hai quốc gia.
 

Việt Nam và Ô-xtrây-lia đã thiết lập quan hệ ngoại giao và tiến hành lập Đại sứ quán mỗi nước vào ngày 26/02/1973. Quan hệ hai nước đã được nâng lên thành quan hệ đối tác toàn diện năm 2009 nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến Ô-xtrây-lia. Về thương mại, Việt Nam hiện là bạn hàng thứ 15 của Ô-xtrây-lia và Ô-xtrây-lia là bạn hàng thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn tăng đều và khá cao từ 32.3 triệu USD năm 1990 lên 5,1 tỉ năm 2013 (theo thông tin từ Bộ Công thương). Hợp tác phát triển và đầu tư của Ô-xtrây-lia vào nước ta hiện nay đã và đang được thực hiện thông qua 299 dự án với tổng số vốn đầu tư 1,46 tỉ USD, đứng thứ 21/101 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ô-xtrây-lia cũng là một trong những quốc gia hỗ trợ vốn ODA lớn cho Việt Nam. Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa hai nước còn phát triển trên các lĩnh vực: giáo dục – đào tạo; an ninh – quốc phòng; lao động, nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp, du lịch, văn hóa. Riêng trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, ngoài hiệp định dẫn độ, Việt Nam đã đàm phán với Bạn về Hiệp định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (ký 13/10/2008, có hiệu lực 11/12/2009) và Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự (ký ngày 10/4/2012, chưa có hiệu lực).

 

Nội dung Hiệp định dẫn độ gồm 20 Điều, quy định cụ thể về: nghĩa vụ dẫn độ (Điều 1), các tội dẫn độ (Điều 2), các trường hợp từ chối dẫn độ (Điều 3), dẫn độ công dân (Điều 4), mối quan hệ với các điều ước quốc tế đa phương (Điều 5), thủ tục dẫn độ và các tài liệu cần thiết (Điều 6), dẫn độ đơn giản (Điều 7), chứng thực các tài liệu hỗ trợ (Điều 8), thông tin bổ sung (Điều 9), bắt khẩn cấp (Điều 10), cơ quan trung ương (Điều 11), nhiều yêu cầu dẫn độ đối với một người (Điều 12), chuyển giao người bị dẫn độ (Điều 13), chuyển giao tài sản (Điều 14), hoãn dẫn độ và chuyển giao tạm thời (Điều 15), quy tắc đặc biệt (Điều 16), chuyển giao cho nước thứ ba (Điều 17), quá cảnh (Điều 18), chi phí (điều 19) và hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của hiệp định (Điều 20).

 

Theo Hiệp định này, các bên đồng ý dẫn độ cho bên kia bất cứ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của bên mình mà bên đó yêu cầu để tiến hành truy tố, xét xử, áp dụng hoặc thi hành bản án vì một tội có thể bị dẫn độ với điều kiện là hành vi đó phải cấu thành tội phạm ở nước yêu cầu vào thời điểm xảy ra hành vi phạm tội và hành vi đó nếu được thực hiện tại nước được yêu cầu cũng phải cấu thành tội phạm tại thời điểm nước này nhận được yêu cầu dẫn độ. Hiệp định cũng quy định khá chặt chẽ các trường hợp mà hai bên bắt buộc/có thể từ chối dẫn độ trong đó nhấn mạnh các bên có quyền từ chối dẫn độ công dân nước mình. Phù hợp Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, cơ quan trung ương thực hiện hiệp định này của phía Việt Nam và Bộ Công an (của Ô-xtrây-lia là Bộ Tổng chưởng lý Ô-xtrây-lia); nếu có sự thay đổi về cơ quan trung ương hai bên sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản.

 

Hiệp định quy định, việc dẫn độ sẽ được áp dụng đối với bất cứ yêu cầu nào được đưa ra sau ngày 7/4/2014, kể cả các yêu cầu liên quan đến các hành vi xảy ra trước ngày này. Mỗi bên có thể chấm dứt Hiệp định này vào bất cứ thời điểm nào bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho bên kia thông qua kênh ngoại giao, hiệp định sẽ chấm dứt vào ngày thứ 180 sau ngày gửi thông báo đó. Hiệp định được làm thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, các văn bản đều có giá trị pháp lý như nhau.   

​​​