Hội đàm Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại

Hội đàm Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại

Triển khai Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 (sau đây gọi là Kế hoạch), ngày 10/12/2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi Tọa đàm với ông Christophe Bernasconi – Tổng thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH). Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, TAND thành phố Hà Nội, Đại học Luật, Hoc viện Tư pháp.

Tại buổi tọa đàm, ông Christophe Bernasconi và các đại biểu đã trao đổi, tìm hiểu khả năng hợp tác với HCCH trong việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp quốc tế để tham gia một cách tích cực vào hoạt động tư pháp quốc tế nói chung và trong quan hệ hợp tác quốc tế trong khuôn khổ hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế nói riêng, đặc biệt là khả năng đào tạo, cử cán bộ Việt Nam thực tập tại Ban thư ký HCCH. Liên quan đến nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát hệ thống Công ước của Hội nghị để đề xuất khả năng và lộ trình Việt Nam tham gia, ông Bernasconi đã giới thiệu sơ lược về một số Công ước trong khuôn khổ của Hội nghị mà Việt Nam nên ưu tiên nghiên cứu như Công ước ngày 25/10/1980 về các khía cạnh dân sự đối với hành vi bắt cóc trẻ em;Công ước ngày 24 tháng 11 năm 2008 về cấp dưỡng con và cấp dưỡng gia đình; Công ước ngày 01/8/1989 về Luật áp dụng đối với thừa kế di sản của người chết; Công ước ngày 15/11/1965 về thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự thương mại, Công ước ngày 18/3/1970 về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự thương mại, Công ước ngày 30/6/2005 về lựa chọn Tòa án; Công ước ngày 25/10/1980 về tiếp cận công lý.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm dành một phần lớn thời gian để giới thiệu về dự thảo Đề án nghiên cứu khả năng Việt Nam gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (sau đây gọi là Công ước) do Bộ Tư pháp xây dựng. Công ước được Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo và thông qua vào ngày 15/11/1965, có hiệu lực vào ngày 10/02/1969, thu hút được 68 quốc gia tham gia. Công ước điều chỉnh về trình tự, thủ tục cho việc tống đạt ra nước ngoài các giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực thương mại thông qua các kênh tống đạt được quy định tại Công ước. Trong bối cảnh nhu cầu uỷ thác tống đạt các văn bản tố tụng giải quyết các vụ việc dân sự ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng gia tăng với số lượng lớn hang năm đặt ra yêu cầu cho việc việc nghiên cứu khả năng Việt Nam tham gia Công ước này. Chính vì vậy Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 7/3/2012 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu việc gia nhập Công ước và tiếp theo Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/8/213 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế yêu cầu thực hiện kế hoạch Việt Nam gia nhập Công ước vào năm 2014. Dự thảo Đề án cung cấp được một bức tranh tổng thể về Công ước, kinh nghiệm gia nhập và thực thi của một số quốc gia thành viên, so sánh sự tương thích giữa pháp luật và các điều ước quốc tế hiện hành có liên quan của Việt Nam với quy định của Công ước để từ đó đưa ra được các đề xuất để các cấp có thẩm quyền quyết định việc gia nhập Công ước này. Các đại biểu cũng trao đổi sôi nổi và bày tỏ sự quan tâm đến một số quy định của Công ước liên quan đến các kênh tống đạt, quy định về xét xử vắng mặt người được tống đạt hay quyền kháng cáo của bị đơn khi toà án xét xử vắng mặt … Để giúp các đại biểu có thêm thông tin và hiểu rõ hơn về Công ước, ông Bernasconi đã phân tích sâu hơn về các quy định, kinh nghiệm và cách vận dụng các quy định này tại một số quốc gia thành viên. Ngoài ra ông Bernasconi còn thông tin về trình tự, thủ tục gia nhập Công ước, đặc biệt ông Bernasconi khẳng định Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực từ Ban thư ký Hội nghị cũng như cá nhân ông nếu nộp đơn xin tham gia Công ước này. Những thông tin ông Bernasconi cung cấp có ý nghĩa và hỗ trợ cho Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện dự thảo Đề án để có thể trình Chính phủ trong tháng 12/2013.

Kết thúc toạ đàm, ông Bernasconi bày tỏ sự đánh giá cao đối với những nỗ lực của Bộ Tư pháp chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Việt Nam gia nhập Hội nghị đã có những hoạt động tích cực để Việt Nam sẵn sàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của thành viên một cách hiệu quả. Ông cũng tin tưởng rằng trong tương lai Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia thành viên tích cực của Hội nghị và là cầu nối trong mối liên hệ giữa Hội nghị và các quốc gia ASEAN.

Phòng Tương trợ tư pháp

​​​