Hội thảo quốc tế về Pháp luật các nước ASEAN và Công ước La Hay 1961 về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài

Hội thảo quốc tế về Pháp luật các nước ASEAN và Công ước La Hay 1961 về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài

Vừa qua,  Bộ Tư pháp Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế về Pháp luật các nước ASEAN và Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài tại Hội An - Quảng Nam trong 2 ngày 27-28/11/2012 nhằm cung cấp một cách tổng thể thông tin về quy định pháp luật và thực tiễn của các nước ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài cũng như quy định và thực tiễn thực thi Công ước La Hay 1961.

Tham gia Hội thảo gồm gần 60 đại biểu đến từ các nước ASEAN gồm Cam-pu-chia, In-đô-nê-xia, Lào, Phi-lip-pin, Sing-ga-po,Thái Lan, đại diện các Bộ ngành Việt Nam, Ban thư ký ASEAN, đại diện Ban Thư k‎ý Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế .

Với tính chất là một hội thảo khoa học để giới thiệu tổng thể các quy định pháp luật và thực tiễn về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài của các nước ASEAN, giới thiệu về các quy định và thực tiễn thực thi Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài, đại biểu tham dự Hội Thảo đã cởi mở chia sẻ và trao đổi những thông tin của quốc gia mình về vấn đề này.

Đặc biệt, tại Hội thảo, ông Christophe Bernasconi, Phó tổng thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, một chuyên gia rất am hiểu và giàu kinh nghiệm về Công ước La hay 1961 về miễn hợp pháp hoá giấy tờ công nước vụ ngoài đã giới thiệu rất toàn diện và chi tiết về quá trình xây dựng Công ước, các quy định cụ thể của Công ước cũng như thực tiễn hợp tác thực thi của các quốc gia thành viên Công ước cho toàn thể đại biểu tham dự Hội Thảo.

Hội thảo được tổ chức ngay trước thềm Phiên họp lần thứ 3 Nhóm công tác ASEAN về Tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn một cách toàn diện, giúp cho ASEAN có thêm thông tin để xác định cách tiếp cận phù hợp nhất cũng như hỗ trợ cho quá trình soạn Hiệp định khu vực về miễn hợp pháp hoá giấy tờ.

 

 

Hội thảo lần này tổ chức với sự tham gia tích cực của các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và đại diện Ban Thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã thể hiện sự tích cực của Bộ Tư pháp Việt Nam trong vai trò của nước đề xuất và chủ trì thực hiện Sáng kiến, góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực tương trợ tư pháp. Hơn thế nữa, qua hoạt động này, Bộ Tư pháp Việt Nam đã góp phần quan trọng thiết lập hợp tác giữa ASEAN với Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

Các thông tin về Phiên họp lần thứ 3 Nhóm công tác về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại trong ASEAN diễn ra ngay sau Hội thảo sẽ tiếp tục được cập nhật.

Phòng Tương trợ tư pháp – Vụ Hợp tác quốc tế

Hội nghị Bộ trưởng Pháp luật ASEAN lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội năm 2005 đã thông qua “Sáng kiến về Tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại trong ASEAN” (Sáng kiến) trong đó có đề xuất về việc đẩy mạnh hợp tác giữa các nước ASEAN về tống đạt giấy tờ và miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài.

Để triển khai Sáng kiến, Nhóm công tác ASEAN nhằm thực hiện sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại đã được thành lập. Tại Phiên họp lần thứ 2 của Nhóm Công tác diễn ra cuối năm 2011 tại Cam-pu-chia, các nước ASEAN đã nhất trí giao Việt Nam chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Hiệp định về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công vụ nước ngoài trong ASEAN trên nền của Công ước La Hay 1961 về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công vụ nước ngoài.

Với vai trò chủ trì, Bộ Tư pháp Việt Nam nhận thức rất rõ rằng, để có thể xây dựng một Hiệp định khu vực về miễn hợp pháp hoá giấy tờ công vụ nước ngoài vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới và vừa phù hợp với điều kiện, truyền thống hợp tác trong khu vực, đồng thời lại hài hoà với hệ thống pháp luật và thực tiễn các quốc gia thành viên là một nhiệm vụ  không hề đơn giản. Công việc này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo về hiện trạng pháp luật và thực tiễn về miễn hợp pháp hoá giấy tờ của các nước quốc gia thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện Công ước La Hay 1961 về miễn hợp pháp hoá giấy tờ công nước ngoài cũng rất cần thiết.

Hợp tác và liên kết ASEAN đang vào giai đoạn phát triển mới, với những bước chuyển mạnh mẽ về chất, hướng đến mục tiêu trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, vững mạnh về kinh tế và đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau giữa các quốc gia vào năm 2015. Trong tiến trình đó, người dân các nước ASEAN, đối tượng trung tâm mà Cộng đồng ASEAN hướng tới, sẽ được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và hòa hợp; được tạo điều kiện phát triển bền vững và thịnh vượng trong một không gian kinh tế mở, có khả năng cạnh tranh cao. Để đạt được mục tiêu này thì việc xây dựng thiết chế pháp lý khu vực để tăng cường hợp tác về tương trợ tư pháp nói chung, đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ tạo điều kiện cho giao dịch dân sự, thương mại giữa các tổ chức, cá nhân của các quốc gia thành viên ASEAN thật sự cần thiết. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế về Pháp luật ASEAN và Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài có những đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng Hiệp định khu vực của ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ.

​​​