Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đánh giá cao việc gia nhập và thực thi hiệu quả Công ước Tống đạt giấy tờ, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác tương trợ tư pháp, hỗ trợ cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án trong nước và nước ngoài có đầy đủ cơ sở giải quyết các vụ việc dân sự, thi hành án dân sự, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực tư pháp từ đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế toàn diện, cùng với việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đặt ra yêu cầu mới cho công tác hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp để thực hiện mục tiêu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN theo định hướng của Đảng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ khi là thành viên chính thức của Công ước đến nay, tổng số yêu cầu tống đạt giấy tờ cả hai chiều (Việt Nam gửi đi nước ngoài và nước ngoài gửi đến Việt Nam) là 6.199 yêu cầu, tỷ lệ yêu cầu có kết quả trả lời đạt trung bình trên 80%/năm. Trên cơ sở Báo cáo Tổng kết thực thi Công ước được đại diện Vụ Pháp luật quốc tế - đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện Quyết định số 2312/QĐ-TTg trình bày tại Hội nghị, các bộ, ngành liên quan và các cơ quan trực tiếp thực hiện hoạt động tống đạt giấy tờ tại địa phương đều thống nhất nhận định: việc gia nhập và thực thi Công ước Tống đạt giấy tờ tạo ra một bước chuyển biến mới trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự, thể hiện ở con số yêu cầu tống đạt giấy tờ có kết quả đạt tỷ lệ vượt bậc so với thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập Công ước và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao trong công tác hoàn thiện thể chế trong nước, tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực thi Công ước một cách sâu rộng.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá những tác động tích cực của việc gia nhập và thực thi Công ước trong việc hỗ trợ các tòa án, cơ quan thi hành án giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, bảo vệ quyền, lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp cũng như những đóng góp của hoạt động này trong công tác đối ngoại phục vụ hội nhập quốc tế. Việc thực hiện tốt Công ước trực tiếp góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu về cải cải pháp luật, cải cách tư pháp được đặt ra tại Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 và các định hướng của Đảng, Nhà nước về tăng cường vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn, khuôn khổ pháp luật đa phương trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai Công ước và cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của công nghệ đặt ra những yêu cầu mới trong thực thi Công ước nói riêng và hoạt động tương trợ tư pháp nói chung. Hội nghị xác định giải pháp cần triển khai trong giai đoạn tiếp theo là phải cắt giảm thủ tục, điện tử hóa việc tống đạt giấy tờ từ cơ quan trong nước ra nước ngoài để rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu và tiết kiệm kinh phí.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị tổng kết, thay mặt Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 08 tập thể, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Công ước.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, thay mặt Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cảm ơn các bộ, ngành, các tòa án nhân dân cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự đã phối hợp, đồng hành với Bộ Tư pháp trong triển khai Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và mong muốn trong thời gian tới công tác tương trợ tư pháp tiếp tục phát triển, đóng góp vào mục tiêu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Năm 2013, Việt Nam trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) – một tổ chức hợp tác quốc tế liên Chính phủ về tư pháp quốc tế có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Sau khi gia nhập HCCH, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu gia nhập các Công ước của HCCH, trong đó có Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (thường được gọi tắt là Công ước Tống đạt giấy tờ) - một trong những Công ước thành công nhất của HCCH trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự.
Ngày 01/4/2016, Việt Nam đã nộp văn kiện gia nhập Công ước và Công ước đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/10/2016, mở ra quan hệ hợp tác tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với 78 quốc gia thành viên. Sau khi gia nhập Công ước,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2312/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Việt Nam (Quyết định số 2312/QĐ-TTg).
|
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế