Về cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của thừa phát lại ở Pháp:
Ở Pháp, hiện có 03 văn bản sau quy định về chức năng, tổ chức, thẩm quyền và quy trình tống đạt văn bản của thừa phát lại.
- Pháp lệnh năm 1945: văn bản này quy định về chức năng, nhiệm vụ của thừa phát lại trong đó quy định thừa phát lại có 2 nhiệm vụ độc quyền là tống đạt giấy tờ và thi hành án. Việc tống đạt giấy tờ bao gồm tống đạt giấy tờ trong nước và tống đạt giấy tờ ra nước ngoài (cả văn bản theo yêu cầu của nước ngoài). Thừa phát lại hoạt động theo phạm vi địa hạt.
- Bộ luật tố tụng dân sự: quy định về thủ tục chung cho tống đạt giấy tờ nước ngoài và giấy tờ trong nước; Bộ luật cũng có 6 điều quy định về việc tống đạt văn bản nước ngoài trong trường hợp chưa có điều ước quốc tế (được quy định tại Điều 683-688).
- Thông tư năm 2004: tập trung quy định về cơ chế quản lý, giám sát, về các vấn đề phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Thừa phát lại; xác định chi phí thực hiện tống đạt.
Tổ chức và hoạt động của các Văn phòng thừa phát lại
Hoạt động thừa phát lại ở Pháp đã được ra đời từ thế kỷ 13, hiện nước này có khoảng 1800 văn phòng thừa phát lại và số lượng này ít biến động. Bộ Tư pháp Pháp sẽ đưa ra quy hoạch phát triển các văn phòng thừa phát lại trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế và xã hội của địa phương. Các văn phòng thừa phát lại hoạt động vừa mang tính chất kinh doanh nhưng cũng có chức năng công quyền. Văn phòng thừa phát lại phải mua bảo hiểm. Pháp luật Pháp không có quy định riêng về chế tài riêng biệt đối với tống đạt văn bản nước ngoài mà chỉ có chế tài đối với thừa phát lại vi phạm pháp luật nói chung.
Điều kiện bổ nhiệm thừa phát lại: là công dân Pháp, có bằng master 1 về luật, phải trải qua kỳ thực tập ít nhất 2 năm về thừa phát lại, có chứng chỉ vượt qua kỳ thi trở thành thừa phát lại được tổ chức bởi Bộ tư pháp. Thừa phát lại phải tham gia các khóa học về kỹ năng thực hiện các nhiệm vụ của thừa phát lại trong đó có khác khóa học riêng về kỹ thuật tống đạt văn bản nước ngoài. Hội đồng có tổ chức các khóa học chuyên sâu về tống đạt theo Công ước; học viện tư pháp sẽ đào tạo chung về kỹ năng tống đạt.
Về điều kiện thành lập các văn phòng thừa phát lại:
- Phải có chứng chỉ thừa phát lại;
- Có lý lịch tư pháp trong sạch;
- Được thành lập tại các địa bàn đã được quy hoạch.
Ở Pháp quy định rõ nếu tống đạt văn bản của cơ quan tư pháp thì Thừa phát lại có quyền yêu cầu cơ quan đoàn thể hỗ trợ cung cấp thông tin nhưng nếu tống đạt văn bản giấy tờ ngoài tư pháp thì các cơ quan không có nghĩa vụ bắt buộc (được quy định trong một luật riêng được ban hành năm 2010 quy định về những nội dung tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tư pháp của tòa án)
Tống đạt giấy tờ của nước ngoài thông qua thừa phát lại tại Pháp
Hồ sơ tiếp nhận: đối với việc tống đạt giấy tờ của nước ngoài, Văn phòng Thừa phát lại của Pháp tiếp nhận qua các kênh sau: (1) Giấy tờ tiếp nhận từ các nước chưa có điều ước quốc tế, loại này thường được gửi qua kênh ngoại giao; (2) Giấy tờ tiếp nhận từ các nước thuộc liên minh châu Âu: loại này chiếm nhiều nhất trong tổng số yêu cầu thực hiện hàng năm (trong Liên minh Châu âu, các Văn phòng Thừa phát lại được tống đạt trực tiếp cho nhau không qua cơ quan Trung ương); (3) Giấy tờ tiếp nhận từ các quốc gia có điều ước quốc tế với Pháp bao gồm cả các nước là thành viên của Công ước La tống đạt và từ các nước có hiệp định song phương với Pháp.
Về quy trình: các yêu cầu được gửi từ cơ quan Trung ương (Bộ Tư pháp) đến Viện Công tố và Viện Công tố chuyển đến các Văn phòng Thừa phát lại, trừ trường hợp các yêu cầu được tống đạt từ thừa phát lại các nước cho nhau tại các nước thuộc liên minh châu Âu.
Bộ Tư pháp xây dựng 1 trang web riêng hướng dẫn cụ thể về việc tống đạt, các biểu mẫu thực hiện... theo quy định của mỗi nước. Hội đồng thừa phát lại cũng cung cấp danh sách các văn phòng thừa phát lại.
Về phương thức tống đạt: pháp luật Pháp quy định rõ các phương thức tống đạt sau được coi là hợp lệ:
Một là, Thừa phát lại tống đạt trực tiếp đến tận tay người được tống đạt. Đây là biện pháp ưu tiên nhất và đơn giản nhất. Pháp luật chỉ quy định thừa phát lại phải nỗ lực hết mình để trao tận tay cho người người được tống đạt mà không ràng buộc bởi số lần thừa phát lại phải thực hiện để trao tận tay cho họ. Thực tế, các thừa phát lại hoặc thư ký của họ thường xác minh tính chất nghề nghiệp của người được tống đạt đối với cá nhân để ước tính khoảng thời gian mà đương sự có mặt tại nơi cư trú để thuận tiện cho việc tống đạt giấy tờ, pháp luật cũng cho phép tống đạt tại nơi làm việc của họ; đối với tống đạt cho cơ quan/tổ chức, việc tống đạt được thực hiện trong giờ hành chính.
Hai là giao cho người đang có mặt tại nơi cư trú của người được tống đạt, người này có thể là thành viên gia đình hoặc một người bạn sống chung với người được yêu cầu tống đạt đang có mặt vào thời điểm thừa phát lại đến tống đạt;
Ba là, được coi là tống đạt hợp lệ nếu thừa phát lại đến nhà nhưng không có ai ở nhà, thừa phát lại đã gửi lại thông báo nêu rõ yêu cầu người đó đến văn phòng thừa phát lại để nhận giấy tờ tống đạt;
Thứ tư, người được tống đạt đã chuyển đi nơi khác nhưng thừa phát lại không biết địa chỉ mới của đương sự, trường hợp này, thừa phát lại được phép gửi giấy tờ tống đạt thông qua đường bưu điện đến địa chỉ cuối cùng mà thừa phát lại biết được. Đây là phương thức sau cùng sau khi các phương thức khác không thực hiện được.
Sau khi thực hiện tống đạt, thừa phát lại sẽ lập biên bản xác nhận việc tống đạt hoàn thành, trong đó ghi rõ: ngày giờ, địa điểm, số lần tống đạt, phương thức tống đạt... Ở Pháp, tống đạt luôn luôn thành công vì Thừa phát lại đã nỗ lực hết sức và pháp luật Pháp không đặt ra yêu cầu phải tống đạt được đến tận tay đương sự.
Về thời hạn thực hiện: Pháp luật chỉ quy định thừa phát lại có nghĩa vụ thực hiện trong thời hạn sớm nhất mà không ấn định rõ thời hạn thực hiện là bao lâu. Thông thường thời gian thực hiện là từ 1-8 ngày.
Về chi phí: mức phí hiện nay thừa phát lại Pháp áp dụng đối với việc tống đạt các hồ sơ nước ngoài gửi là 48.75 EU, so với mức trung bình của các nước thuộc liên minh châu Âu thì mức phí này là thấp. Phí thực hiện tống đạt giấy tờ ra nước ngoài là 36 EU (không bao gồm phí do nước ngoài yêu cầu). Đối với các biểu phí thực hiện các hoạt động độc quyền đều do Bộ Tư pháp tự xác định. Phí tống đạt hồ sơ của nước ngoài cao hơn phí tống đạt trong nước do có nhiều thủ tục và giấy tờ cần thực hiện hơn. Khi xác định mức phí này, Bộ Tư pháp có tham vấn với Hội đồng thừa phát lại. Đây là mức phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn hành, các Văn phòng Thừa phát lại phải áp dụng thống nhất trên cả nước mà không được tự đặt ra các chi phí đó. Đối với các yêu cầu được gửi từ các nước có hiệp định song phương hoặc là thành viên của Công ước tống đạt, chi phí tống đạt được chuyển từ cơ quan Trung ương trong Hiệp định (tức Bộ Tư pháp). Pháp không yêu cầu các quốc gia phải nộp trước chi phí này, chi phí được yêu cầu nộp sau khi Văn phòng Thừa phát lại hoàn thành tống đạt và gửi kết quả kèm biên bản tống đạt. Trường hợp Pháp ký điều ước quốc tế với nước ngoài trong đó cam kết thực hiện miễn phí thì Bộ Tư pháp nước này sẽ chuyển chi phí đó cho Văn phòng Thừa phát lại.
Phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế